Thực trạng chuyển đổi số các Quỹ tín dụng nhân dân

Đình Tân

Mặc dù, thuộc ngành ngân hàng, nhưng các quỹ tín dụng nhân dân (TDND) với đặc thù hạn chế về nguồn lực tài chính, công nghệ và con người nên cần xác định mô hình và mục tiêu chuyển đổi số phù hợp. Để đảm bảo thành công, lộ trình chuyển đổi số của các Quỹ TDND cần có định hướng và hỗ trợ của các cơ quan chức năng...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chuyển đổi số không phải đơn giản là việc thay thế quy trình nghiệp vụ thủ công bằng quy trình nghiệp vụ được hỗ trợ bởi các hệ thống thông tin máy tính, mà đó là một quá trình toàn diện, hướng đến thay đổi căn bản các mối quan hệ. Những thay đổi này dĩ nhiên phải dựa trên những điều kiện cần về quy trình, công nghệ, dữ liệu và con người thích hợp trong các đơn vị.

Vấn đề đặt ra là các Qũy tín dụng nhân dân (TDND) cần thực hiện chuyển đổi số như thế nào? Những số liệu nghiên cứu cho thấy, các Quỹ TDND hiện có quy mô rất nhỏ so với các ngân hàng. Các Quỹ TDND có tổng tài sản dưới 100 tỷ đồng chiếm 43,8%; từ 100 tỷ đồng đến dưới 200 tỷ đồng chiếm 40,3%; từ 200 tỷ đồng đến dưới 500 tỷ đồng chiếm 14,4%; từ 500 tỷ đồng trở lên chiếm 1,5% (Nguyễn Thị Kim Thanh, 2022).

Quy mô tài sản nhỏ, nhưng hầu hết lại được phân bổ cho tài sản quan trọng nhất của các Quỹ TDND là các khoản cho vay khách hàng, nên có thể thấy các Quỹ TDND hiện nay đang có hạn chế đáng kể trong việc phân bổ nguồn lực cho các tài sản liên quan đến công nghệ. “Mô hình” công nghệ của các Quỹ TDND hiện nay có thể tóm lược như sau (Nguyễn Thị Kim Thanh, 2022):

- Phần cứng: Máy tính cá nhân hoặc máy tính cá nhân kết nối mạng cục bộ, trong đó máy chủ cũng là máy tính cá nhân.

- Hệ điều hành máy trạm và máy chủ: Sử dụng các phiên bản Windows cá nhân.

- Hệ quản trị cơ sở dữ liệu: Chủ yếu sử dụng phiên bản rút gọn của Hệ quản trị cơ sở dữ liệu Microsoft SQL Server hoặc phần mềm Microsoft Access. Nhiều dữ liệu hoạt động được lưu trữ trên phần mềm Microsoft Excel. Dữ liệu hoạt động chủ yếu là dữ liệu tài chính, có rất ít dữ liệu phi tài chính.

- Phần mềm ứng dụng: Phần mềm trên nền tảng xử lý giao dịch theo lô chủ yếu hỗ trợ chức năng ghi sổ và lập báo cáo các giao dịch liên quan các hoạt động nghiệp vụ tại Quỹ TDND như quản lý thành viên, lập chứng từ giao dịch nhận và hoàn góp vốn của thành viên, nhận và chi trả tiền gửi tiết kiệm, giải ngân và thu nợ, thu, chi tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, tổng hợp và lập sổ sách, báo cáo định kỳ, tổng hợp và kết xuất dữ liệu báo cáo thống kê định kỳ…

- Mạng máy tính: Chủ yếu sử dụng mạng cục bộ, chỉ sử dụng máy tính kết nối Internet cho mục đích gửi/nhận dữ liệu báo cáo thống kê với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoặc các đơn vị liên quan khác như: Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam…

- Người quản trị hệ thống: phụ thuộc chủ yếu vào các công ty cung cấp phần mềm, chỉ có khoảng 52% số Qũy TDND có cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin, nhưng rất ít cán bộ có trình độ đại học.

- Người sử dụng cuối: các nhân viên thuộc ban điều hành của Quỹ TDND (thủ quỹ, giao dịch viên, cán bộ tín dụng, nhân viên kế toán tổng hợp, kế toán trưởng, giám đốc…)

Trong khi chuyển đổi số là xu hướng có tính quy luật đối với các doanh nghiệp, nhưng rõ ràng, chỉ xét riêng các yếu tố về công nghệ và dữ liệu của các Quỹ TDND như hiện trạng nêu trên cho thấy trong ngắn hạn, thậm chí trung hạn, các Quỹ TDND chưa đạt được các điều kiện cần thiết để thực hiện chuyển đổi số theo như mô hình của các doanh nghiệp hoặc ngân hàng theo hướng tái cấu trúc các quy trình kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ tự động hóa và khoa học dữ liệu nhằm hướng đến mở rộng kênh phục vụ khách hàng trong không gian số.

Tuy nhiên, do các Quỹ TDND có mục đích, phạm vi và đối tượng khách hàng (thành viên) tương đối khác biệt với các ngân hàng nên mục tiêu chuyển đổi số của các Quỹ TDND không nhất thiết theo mô hình định hướng khách hàng như trên, mà các Quỹ TDND cần xác định mục tiêu chuyển đổi số “thấp hơn” là nhằm nâng cấp và chuyển đổi cách thức hoạt động nội bộ của Quỹ TDND.

Như vậy, chuyển đổi số của doanh nghiệp đòi hỏi cần phải có sự đầu tư phù hợp liên quan đến bốn yếu tố là quy trình, công nghệ, dữ liệu và con người. Song với điều kiện hạn chế về nguồn lực của các Quỹ TDND hiện nay, lộ trình chuyển đổi số của các quỹ TDND khả thi nhất khi bắt đầu từ yếu tố “dữ liệu” và yếu tố “con người” với những nhiệm vụ như sau:

Thứ nhất, xây dựng và duy trì kho dữ liệu hoạt động của Quỹ TDND. Kho dữ liệu này bao gồm dữ liệu cốt lõi từ cơ sở dữ liệu giao dịch của Quỹ TDND, được kết xuất định kỳ và chuẩn hóa theo những cấu trúc phù hợp với mục tiêu phân tích phục vụ cho việc ra quyết định trong lĩnh vực tương ứng. Một cách lý tưởng, kho dữ liệu tài chính cốt lõi này cần được duy trì và khai thác trong suốt vòng đời tồn tại và hoạt động của Quỹ TDND.

Thứ hai, xây dựng và duy trì kho dữ liệu phi tài chính liên quan đến các thành viên/khách hàng và các lĩnh vực hoạt động nghiệp vụ khác nhau cũng như các dữ liệu về địa bàn hoạt động của Quỹ TDND. Kho dữ liệu này cần được cập nhật và tích hợp với kho dữ liệu tài chính nêu trên để từ đó có thể giúp Quỹ TDND phân tích, nhận biết được hành vi thành viên/khách hàng cũng như các dấu hiệu bất thường trong giao dịch của Quỹ TDND.

Thứ ba, xây dựng và duy trì kho dữ liệu báo cáo thống kê theo yêu cầu của các cơ quan chức năng bao gồm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam và tất cả các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu báo cáo khác. Kho dữ liệu này cũng được tích hợp với kho dữ liệu tài chính và phi tài chính nhằm giúp phân tích để có hiểu biết về lịch sử chấp hành các quy định của Quỹ TDND.

Thứ tư, xây dựng năng lực phân tích dữ liệu cho đội ngũ cán bộ, nhân viên Quỹ TDND, trong đó đặc biệt chú trọng năng lực phân tích dữ liệu của các vị trí làm việc như kiểm soát viên chuyên trách, kiểm toán viên nội bộ, kế toán trưởng và trưởng phòng tín dụng.

Năng lực phân tích dữ liệu của các cán bộ nòng cốt này sẽ hữu ích cho Quỹ TDND trong việc phát hiện các giao dịch bất thường, gian lận, khả năng vi phạm các quy định và đặc biệt là giúp cung cấp các cảnh bảo sớm về rủi ro trong các lĩnh vực hoạt động khác nhau của Quỹ TDND, đặc biệt là rủi ro tín dụng và rủi ro hoạt động.

Sau hơn ba thập niên phát triển, mạng lưới các Quỹ TDND đang khẳng định vai trò quan trọng trong việc góp phần xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế tại các địa phương nói riêng và sự phát triển của nền kinh tế đất nước nói chung. Vì vậy, mô hình Quỹ TDND đã và đang tiếp tục được định hướng, củng cố nhằm phát triển một cách bền vững hơn nữa.

Tuy nhiên, trong xu hướng chuyển đổi số của ngành Ngân hàng, các Quỹ TDND với những hạn chế về nguồn lực tài chính, công nghệ và con người, cần nhận được sự hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước, sự đồng hành của Hiệp hội Quỹ TDND. Cụ thể là hỗ trợ về đào tạo xây dựng năng lực chuyển đổi số nói chung và phân tích dữ liệu nói riêng cho đội ngũ cán bộ điều hành của các Quỹ TDND...