Thực trạng và giải pháp phát triển ngân hàng số tại Việt Nam


Ngân hàng số là loại hình có nhiều điểm khác với mô hình ngân hàng truyền thống từ pháp lý, phương thức triển khai đến dịch vụ khách hàng... đòi hỏi các ngân hàng phải chủ động học hỏi kinh nghiệm và xây dựng lộ trình phát triển. Nghiên cứu này phân tích thực trạng triển khai ngân hàng số của các ngân hàng thương mại Việt Nam và đề xuất một số giải pháp/khuyến nghị phát triển ngân hàng số.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Thực trạng triển khai ngân hàng số tại Việt Nam

Mô hình ngân hàng số với các đặc trưng sản phẩm dịch vụ tài chính đa dạng nhưng thủ tục đơn giản, thời gian xử lý nhanh và giao dịch không bị rào cản bởi vị trí địa lý thông qua thiết bị kết nối với Internet, rất phù hợp cho xã hội hiện đại hóa, công nghiệp hóa.

Ngân hàng số là loại hình ngân hàng kỹ thuật số đòi hỏi cao về công nghệ bao gồm sự đổi mới trong dịch vụ tài chính cho khách hàng và khách hàng thương mại xung quanh các chiến lược di động, kỹ thuật số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), thanh toán, dữ liệu lớn, công nghệ chuối khối (blockchain)… Việc phát triển ngân hàng số giúp các ngân hàng tiết kiệm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh, nâng cao tính tuân thủ và minh bạch trong hoạt động kinh doanh.

Tiềm năng thị trường là cơ hội cho các ngân hàng Việt Nam

Theo Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến cuối năm 2017, số lượng thuê bao di động ở Việt Nam có phát sinh lưu lượng ước đạt khoảng gần 130 triệu thuê bao, trong đó thuê bao 3G phát sinh lưu lượng đạt khoảng 41,8 triệu thuê bao.

Theo “Báo cáo về Dịch vụ Ngân hàng: Hành vi sử dụng của người dùng và xu hướng tại Việt Nam” khảo sát bởi IDG Vietnam năm 2017, các giải pháp về ngân hàng điện tử (e-banking) đang ngày càng được sử dụng phổ biến hơn và được đánh giá cao về tính tiện lợi và tiết kiệm thời gian với 81% người dùng sử dụng các giải pháp e-banking so với 21% theo khảo sát năm 2015. Dịch vụ ngân hàng điện tử là tiền đề hình thành thói quen cho sử dụng dịch vụ “Ngân hàng số” của khách hàng (IDG ASEAN, 2017). Thanh toán phi tiền mặt đang là xu hướng phát triển rất mạnh trên thế giới. Để đáp ứng nhu cầu này thì thanh toán điện tử, thanh toán di động sẽ tăng trưởng rất nhanh, đặc biệt là những tiện ích thanh toán ưu việt.

Theo NHNN, tính đến cuối tháng 12/2018, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã xử lý 137,594 giao dịch, với giá trị 73 triệu tỷ đồng, gấp 13 lần GDP. Tính đến cuối năm 2020, đã có 77 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 45 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động; Số lượng giao dịch thanh toán qua Internet đạt gần 374 triệu giao dịch với giá trị đạt hơn 22,4 triệu tỷ đồng; số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt 210 - gần 918,8 triệu giao dịch với giá trị đạt gần 9,6 triệu tỷ đồng.

Theo số liệu của World Bank, số lượng ATM và chi nhánh ngân hàng trên mỗi 100 nghìn người trưởng thành ở Việt Nam lần lượt ở mức 24,3 và 3,4, còn thấp hơn so với các quốc gia tương tự. Trong khi đó, hạ tầng số (liên quan đến việc sử dụng internet và di động) của Việt Nam lại có mức độ phát triển khá cao, với số lượng người dùng internet và điện thoại di động năm 2018 đạt lần lượt 55,2 triệu người và 45,8 triệu người, chiếm 57% và 45% dân số. Tỷ lệ thâm nhập của smartphone đã tăng rất mạnh trong 5 năm trở lại đây, đặc biệt là ở các thành phố lớn đã đạt 84% vào năm 2017. Trong khảo sát toàn cầu năm 2018 của PwC về ngân hàng số, 15% số người được hỏi đã sử dụng điện thoại di động là phương tiện chính để giao dịch với ngân hàng (tỷ lệ này năm 2017 là 10%).

Thống kê của NHNN cũng cho thấy các giao dịch tài chính qua điện thoại di động năm 2017 tại Việt Nam tăng 81%, trong khi các giao dịch trực tuyến tăng 67% so với năm trước đó. Theo dự báo, mức độ thâm nhập của internet và di động sẽ còn tiếp tục mở rộng và Việt Nam sẽ đạt khoảng 60 triệu người sử dụng internet và 55,4 triệu người dùng điện thoại di động vào năm 2022.

Như vậy, Việt Nam là một nước có mức độ thâm nhập của ngân hàng truyền thống còn thấp nhưng hạ tầng số đã phát triển khá mạnh. Điều này có nghĩa là khi mức độ thâm nhập của các dịch vụ ngân hàng nói chung được đẩy mạnh thì Việt Nam sẽ có tiềm năng lớn thúc đẩy sự phát triển của các giao dịch ngân hàng số tại Việt Nam trong trung hạn hơn so với các quốc gia khác.

Thực trạng tại các ngân hàng

Hiện nay, mảng ngân hàng số tại Việt Nam mới đang trong quá trình nghiên cứu chuyển đổi và còn tương đối sơ khai:

- Về khung pháp lý: NHNN hiện đang nghiên cứu xây dựng khung pháp lý cho lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech), trong đó tập trung vào một số lĩnh vực chính như: nghiên cứu về công nghệ blockchain/sổ cái phân tán (DLT); sửa đổi, bổ sung một số quy định pháp lý cho hoạt động của các công ty cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; nghiên cứu ban hành quy định về hoạt động huy động vốn và cho vay ngang hàng (P2P lending); nghiên cứu vấn đề về giao diện chương trình ứng dụng mở (Open API) trong lĩnh vực ngân hàng; công nghệ định danh và nhận biết khách hàng điện tử (e-ID/e-KYC). Ngoài ra, các cơ quan quản lý cũng đang xem xét ý kiến về việc cho phép TCTD truy cập vào hệ thống dữ liệu căn cước công dân hoặc hệ thống dữ liệu về thông tin liên quan đến đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, để định danh khách hàng dựa trên mã số định danh do khách hàng cung cấp.

- Về dịch vụ ngân hàng số: Theo thống kê của NHNN, tính đến đầu năm 2018, hầu hết các ngân hàng đã triển khai dịch vụ ngân hàng trực tuyến trên Internet Banking và Mobile Banking cho khách hàng. Bên cạnh đó, một số ngân hàng còn cung cấp những dịch vụ ngân hàng số hiện đại hơn như VPBank với dịch vụ ngân hàng số Timo Bank; Vietcombank với không gian giao dịch công nghệ số Digial Lab; TPBank với việc cho ra mắt dịch vụ ngân hàng tự động LiveBank, LienVietPostBank với Thẻ phi vật lý Ví Việt. Hiện nay NHNN đã cấp phép cho hơn 20 ví điện tử được cung ứng các dịch vụ trung gian thanh toán tại Việt Nam (như MoMo, Bankplus, VTC Pay, WePay...), tuy nhiên ví điện tử cần thêm thời gian để phát triển tương xứng nhu cầu khách hàng và tiềm năng thị trường. Bên cạnh đó, thói quen dùng tiền mặt cũng cần thời gian để thay đổi, khách hàng cần từng bước trải nghiệm để cảm nhận được an toàn, tiện ích và tin tưởng sử dụng.

Kết quả khảo sát vào tháng 9/2020 của NHNN cho thấy, 95% ngân hàng đã và đang xây dựng hoặc dự tính sẽ xây dựng chiến lược chuyển đổi số, trong đó 39% ngân hàng đã phê duyệt chiến lược chuyển đổi số hoặc tích hợp trong chiến lược phát triển kinh doanh/công nghệ thông tin; 42% ngân hàng đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số.

- Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) hay các ứng dụng kỹ thuật số trong ngân hàng: Hiện mới có 2 ngân hàng triển khai AI là TPBank với ứng dụng trợ lý ảo T’Aio trên Facebook Messenger và VietA Bank với Chatbox hoạt động trên Fanpage với các chức năng chủ yếu là: tư vấn khách hàng các thông tin về lãi suất, tỷ giá, sản phẩm, biểu phí..., giải đáp khách hàng các thắc mắc về địa điểm, phí giao dịch, quy trình mở thẻ. MB cũng mới thí điểm tự động hóa các quy trình đăng ký, thay đổi dịch vụ thông qua triển khai SMART FORM (giải pháp của công ty Hyperlogy Corporation) từ tháng 5/2017. Nhờ đó, MB giảm thời gian thực hiện tại quầy, thời gian đăng ký trung bình của khách hàng khi đến mở tài khoản, thẻ, dịch vụ Internet Banking và SMS Banking tại các quầy giao dịch sau xuống còn 3-5 phút (không bao gồm thời gian chờ đợi, scan & phê duyệt hồ sơ). Ngân hàng BIDV cũng mới sử dụng phần mềm tích hợp Watson do Five9 thiết kế để phân tích thông tin của hàng triệu khách hàng, đánh giá và dự báo khả năng chi trả nợ của họ để đưa ra quyết định cho vay một cách chính xác hơn.

- Chuyển đổi ngân hàng lõi: Hoạt động này được triển khai khá chậm do thiếu nguồn lực về vốn hoặc đã triển khai nhưng phần nhiều mang tính hình thức và chưa đem đến hiệu quả tương xứng: Nguyên nhân là do trong những năm qua các NHTM phải ưu tiên nguồn lực cho xử lý các vấn đề về nợ xấu, đảm bảo thanh khoản... Hệ thống ngân hàng lõi (Core banking) tương đối lạc hậu không đủ điều kiện để tích hợp ứng dụng số hóa dựa trên Dữ liệu lớn, hoặc có chuyển đổi nhưng không mua hết các tính năng. Về tích hợp dữ liệu, đa phần các ngân hàng chưa triển khai điện toán đám mây do đặc trưng dữ liệu nhạy cảm, hệ thống dữ liệu phức tạp và chưa đồng bộ.

Với thị trường được đánh giá là tiềm năng, được sự ủng hộ từ NHNN nhưng việc triển khai ngân hàng số mới ở giai đoạn đầu. Các NHTM hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức liên quan đến nguồn vốn, các rủi ro phát sinh tương tự như các ngân hàng/tổ chức tài chính trên thế giới. Các NHTM Việt Nam hiện nay còn đang phải đối mặt với sự cạnh tranh với các công ty công nghệ trong các dịch vụ tài chính/thanh toán. Một số thương hiệu toàn cầu đã thâm nhập thị trường Việt Nam là Samsung Pay, Amazon (thông qua thỏa thuận cung cấp dịch vụ thương mại điện tử cho VECOM - Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, hiện có khoảng 140 doanh nghiệp online thành viên), Alibaba (thông qua sở hữu 83% vốn của Lazada) và JD.com (thông qua khoản đầu tư 50 triệu USD vào Tiki). Các tập đoàn công nghệ lớn tại Việt Nam (FPT, Viettel, CMC, VNG, BKAV, Cốc Cốc, VC Corp) chủ yếu vẫn tập trung vào lĩnh vực chính là công nghệ, nhưng một số tập đoàn đã bắt đầu tiếp cận mảng cung ứng dịch vụ tài chính thông qua phát triển công cụ thanh toán điện tử, như WePay (VC Corp), Zalo Pay (VNG), Bảo Kim (VNP), Bankplus (Viettel)...

Giải pháp thúc đẩy triển khai ngân hàng số tại Việt Nam

Xu hướng phát triển ngân hàng số trong hoạt động ngân hàng tại Việt Nam đang tạo ra những thay đổi về giá trị cho các chủ thể tham gia. Trong thời gian tới để ngân hàng số trở thành nhu cầu phát triển tất yếu của các NHTM cần chú trọng một số giải pháp sau:

Đối với các NHTM Việt Nam

Một là, nghiên cứu và xây dựng lộ trình chuyển dịch mô hình sang ngân hàng số: Xác định chiến lược phát triển “Ngân hàng số” vì đây là xu hướng chung của các ngân hàng trên thế giới nhằm hướng đạt mục tiêu bền vững. Trong bối cảnh hiện nay, các NHTM cần từng bước nâng cao năng lực quản trị điều hành, thay việc đầu tư mở rộng mạng lưới điểm giao dịch vật lý (vốn gặp nhiều khó khăn và tốn kém) bằng cách xây dựng lộ trình phát triển Ngân hàng số, hay còn gọi là “Ngân hàng không chi nhánh”, trong đó các bước thực hiện có thể tham khảo cách làm của DBS Bank của Singapore: (i) “Loại bỏ thời gian lãng phí” thông qua cải tiến quy trình, (ii) Xây dựng các dịch vụ số, gắn liền trong hệ sinh thái số với các đối tác/bên thứ 3 cung cấp dịch vụ/hàng hóa khác, và (iii) Thúc đẩy sáng tạo đối với tất cả lãnh đạo và nhân viên của ngân hàng.

Hai là, thực hiện phân bổ nguồn lực để phát triển công nghệ mới: Trong kế hoạch ngân sách hàng năm, các NHTM cần xem xét tỷ trọng các khoản chi đầu tư với các khoản chi tiêu, việc cắt giảm những chi phí không thực sự cần thiết để dành nguồn lực cho đầu tư công nghệ cũng nên được cân nhắc đến. Cần xác định chi phí đầu tư rõ ràng, xứng đáng, đi đôi với kỳ vọng doanh thu tiềm năng trong tương lai; Từng bước ứng dụng công nghệ hiện đại vào các hoạt động của ngân hàng, tạo tiền đề cho sự chuyển dịch thành ngân hàng số. Việc nghiên cứu các công nghệ này sẽ cần nhiều thời gian và có lộ trình nên giải pháp ban đầu có thể hợp tác với các công ty công nghệ và/hoặc đầu tư vào các startup về công nghệ là một hướng đi có thể xem xét.

Trong thời gian đó, các NHTM cần có sự quan tâm đến nâng cấp Core banking, đảm bảo Core banking đáp ứng được các yêu cầu về mở rộng khách hàng, quản trị vận hành và quản lý rủi ro. Việc hợp tác đầu tư với các công ty công nghệ còn có thể giúp các NHTM hạn chế được các đối thủ cạnh tranh tiềm năng, đó chính là các công ty công nghệ này, nếu không hợp tác với NHTM họ có thể tự đầu tư nghiên cứu các ứng dụng số hóa và tích hợp sản phẩm tài chính/thanh toán, tương tự như các công ty công nghệ trên thế giới hiện nay.

Ba là, song song với chuẩn bị về vốn, cần xây dựng đội ngũ nguồn nhân lực nhạy bén. Tăng cường đào tạo về kiến thức, kỹ năng và văn hóa quản trị rủi ro cho nhân viên ngân hàng, từ đó truyền thông và hướng dẫn khách hàng để sử dụng sản phẩm và phòng, ngừa rủi ro. Đối với các công cụ quản trị rủi ro, chẳng hạn như đầu tư vào khả năng kiểm tra sức chịu đựng, thực hiện đầy đủ các tuyến phòng thủ, đầu tư vào chất lượng và báo cáo dữ liệu trước hết đáp ứng nhu cầu hiện tại và sau đó chuẩn hóa hơn để chuẩn bị chức năng cho tương lai theo định hướng ngân hàng số.

Bốn là, nghiên cứu thuê/mua giải pháp ứng dụng dữ liệu lớn (Big Data) trong chấm điểm tín dụng (Credit Scoring): Với cơ sở dữ liệu lớn, mô hình có thể xác định điểm số tín dụng của khách hàng dựa trên các chỉ tiêu phi tài chính như lịch sử mua sắm, lịch sử thanh toán các hóa đơn bán lẻ, kết quả phân tích hành vi khách hàng thông qua dữ liệu từ mạng xã hội, mạng viễn thông, mức độ trung thực... Mô hình này giúp ngân hàng giảm thiểu chi phí và cho phép ra kết quả nhanh hơn trong quá trình phê duyệt tín dụng (Home Credit có thời gian trung bình 15 phút), đồng thời là cơ sở để phát triển và quản lý sản phẩm tín dụng như các khoản vay vi mô không tài sản đảm bảo (tối đa 10 triệu), sản phẩm vay kiểu mới như Cho vay tức thời (instant loans)...

Năm là, xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung của ngân hàng, tạo điều kiện để các bộ phận truy cập, thu thập dữ liệu dễ dàng và đầy đủ hơn; đồng thời phân quyền truy cập đối với những thông tin bảo mật. Các NHTM có thể xem xét thành lập Trung tâm Khai thác và Quản lý Dữ liệu kinh doanh nhằm chuyên biệt hóa chức năng phân tích kho dữ liệu, quản lý các dự án về dữ liệu và phối hợp cung cấp thông tin cho các Khối kinh doanh/Phòng nghiên cứu phát triển SPDV/Khối CNTT/Ban lãnh đạo Ngân hàng tương tự như trung tâm BICC - VPBank, trung tâm ACI - Techcombank.

Sáu là, phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng thông minh trong đó có ví điện tử song song với xây dựng hệ sinh thái tương ứng: Đối với ví điện tử, hệ sinh thái bao gồm nhiều lĩnh vực, gia tăng số điểm chấp nhận thanh toán, khắc phục các hạn chế về công nghệ đồng thời nâng cao giải pháp bảo mật để người dùng yên tâm sử dụng. Việc đẩy mạnh liên kết với website bán lẻ để tích hợp cổng thanh toán ví điện tử trên các website bán hàng, đặc biệt là những trang thương mại điện tử có nhiều lượt theo dõi có thể giúp mở rộng cơ sở khách hàng và tương tác nhờ mua sắm tích hợp thương mại và thanh toán bằng ví điện tử.

Đối với Ngân hàng Nhà nước

Một là, nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý: NHNN cần đẩy nhanh quá trình nghiên cứu về công nghệ tài chính (Fintech), tạo hành lang pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, đồng thời thành lập Tổ nghiên cứu về Ngân hàng số, đánh giá tiềm năng và xu hướng phát triển/chuyển dịch mô hình ngân hàng số tại Việt Nam để có các chính sách hỗ trợ cho các NHTM trong quá trình chuyển dịch này.

Hai là, tổ chức các Hội thảo/Diễn đàn quốc tế về Ngân hàng số, qua đó giúp các NHTM học hỏi, chia sẻ, và là cầu nối để các NHTM hợp tác với các ngân hàng/tổ chức tài chính đã nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật số và xây dựng/chuyển đổi thành công ngân hàng số.

Tài liệu tham khảo

  1. Lê Đức Quang Tú & Hồ Hữu Tín (2021). Báo cáo Ngân hàng số Việt Nam 2021. Viện nghiên cứu Phát triển Công nghệ Ngân hàng, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh;
  2. IDG, ASEAN (2017), Báo cáo về Dịch vụ Ngân hàng: Hành vi sử dụng của người dùng & Xu hướng tại Việt Nam, Hội thảo “Tương lai Ngân hàng bán lẻ và dịch vụ thanh toán trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”;
  3. Business Wire (2018), Wells Fargo startup Accelerator Adds Two Early Stage Companies to Portfolio, Available at https://finance.yahoo.com/news/wells-fargo-startup-accelerator-adds-123000302.html; 
  4. Citigroup (2018), Bank of the future, Available at http://www.vostokemergingfinance.com/content/uploads/2017/05/Citi-GPS-Bank-of-the-Future.pdf ;
  5. Gaurav Sarma (2017), What is ngân hàng số, Available at http://www.ventureskies. com/blog/digital-banking;
  6. Olanrewaju, T., (2014), The rise of the digital bank, Available at https://www.mckinsey.com/business-functions/digital-mckinsey/our-insights/the-rise-of-the-digital-bank;
  7. Novet, J., (2018), Google is finding ways to make money from Alphabet’s DeepMind A.I. technology, Available at https://www.cnbc.com/2018/03/31/how-google-makesmoney-from-alphabets-deepmind-ai-research-group.html;
  8. Orakwue, E., (2017), Innovation, Big Data & Technology in Financial Services, Available at SSRN: https://ssrn.com/abstract=2939426.

* TS. Nguyễn Thị Tuyết Nga - Khoa Kinh tế - quản lý, Trường Đại học quốc tế Hồng Bàng TP. Hồ Chí Minh

** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 6/2022