Thực trạng và giải pháp phát triển tài chính toàn diện ở Việt Nam

TS. Nguyễn Thị Minh Hạnh - Trường Đại học Thương mại

Tài chính toàn diện có tính chất đa chiều, mang đến cho người dân các dịch vụ tài chính chất lượng một cách thuận tiện, mở rộng khả năng tiếp cận cho tất cả các tầng lớp dân cư, đặc biệt là tầng lớp dân cư có thu nhập thấp. Tài chính toàn diện được coi là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững, từ đó giảm bớt tình trạng bất bình đẳng trong xã hội. Bài viết đánh giá thực trạng phát triển tài chính toàn diện ở Việt Nam, từ đó đề ra các khuyến nghị, giải pháp phù hợp nhằm phát triển tài chính toàn diện ở nước ta trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Khái quát về tài chính toàn diện

Một trong những khái niệm về tài chính toàn diện xuất hiện sớm nhất là của Leyshon và cộng sự (1995). Theo đó, tài chính toàn diện được hiểu là quá trình một số nhóm xã hội và cá nhân nhất định được tiếp cận với hệ thống tài chính chính thức. Sarma và cộng sự (2011) nhìn nhận tài chính toàn diện như một quá trình đảm bảo sự dễ dàng tiếp cận, tính khả dụng và sử dụng của hệ thống tài chính chính thức cho tất cả các thành viên của nền kinh tế.

Còn theo Demirgüç-Kunt và cộng sự (2015), tài chính toàn diện là việc cung cấp các dịch vụ tài chính phù hợp và thuận tiện cho mọi thành viên xã hội với mức chi phí hợp lý, thông qua những cách thức thuận tiện, phù hợp với tiêu chuẩn/điều kiện của khách hàng. Cá nhân và doanh nghiệp có thể tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ tài chính hữu ích với giá cả phải chăng, đáp ứng được nhu cầu của họ trong giao dịch, thanh toán, tiết kiệm, tín dụng và bảo hiểm.

Tại Việt Nam, khái niệm tài chính toàn diện được nêu trong Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng 2030 như sau: “Tài chính toàn diện là việc mọi người dân và doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm dịch vụ tài chính một cách thuận tiện, phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, được cung cấp một cách có trách nhiệm và bền vững, trong đó chú trọng đến nhóm người nghèo, người thu nhập thấp, người yếu thế, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ”.

Từ các quan điểm trên, có thể thấy, tài chính toàn diện có tính chất đa chiều, mang đến cho người dân các dịch vụ tài chính chất lượng một cách thuận tiện, mở rộng khả năng tiếp cận cho tất cả các tầng lớp dân cư, đặc biệt là tầng lớp dân cư có thu nhập thấp. Tài chính toàn diện mang lại những lợi ích không nhỏ về kinh tế, có thể kể đến như:

(i) Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thông qua việc gia tăng tiết kiệm và đầu tư;

(ii) Cung cấp một nền tảng thúc đẩy giáo dục tài chính, tạo thói quen tiết kiệm, đặc biệt là đối với những người có thu nhập thấp, luôn sống dưới áp lực tài chính, thiếu kỹ năng quản lý dòng tiền, làm cho họ trở thành nhóm dễ bị tổn thương;

(iii) Tạo điều kiện phát triển tín dụng lành mạnh tới những nhóm đối tượng trước đó bị phụ thuộc vào những nguồn tiền vay khác từ gia đình, bạn bè hay tín dụng đen…; tạo ra những kênh thanh toán, chuyển tiền tới những đối tượng chưa có tài khoản ngân hàng và phải sử dụng các loại hình chuyển tiền phi chính thức tốn kém và rủi ro khác;

(iv) Tạo niềm tin thúc đẩy nhu cầu đầu tư, kinh doanh, cải thiện năng suất lao động tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa;

(v) Là một phương thức chống thất thoát trong việc phân phối những khoản trợ cấp và các khoản phúc lợi khác của chính phủ thông qua tài khoản.

Mục tiêu của tài chính toàn diện là mọi người dân và doanh nghiệp đều được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, do các tổ chức được cấp phép cung ứng một cách có trách nhiệm và bền vững. Do đó, Liên Hợp quốc xác định, tài chính toàn diện là một giải pháp quan trọng để đạt được 7/17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Có nhiều cách tiếp cận khác nhau về đánh giá mức độ phát triển của tài chính toàn diện. Theo Liên minh Tài chính toàn diện (Alliance for Financial Inclusion – AFI), tài chính toàn diện đo lường bằng 4 chỉ tiêu gồm:

- Mức độ tiếp cận, đề cập đến khả năng sử dụng các dịch vụ tài chính, với các chỉ số: số lượng hoặc tỷ lệ những người có khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cơ bản (tín dụng, tiết kiệm, thanh toán, bảo hiểm) từ nhà cung cấp (chính thức hoặc không chính thức); Khoảng cách giữa các điểm giao dịch với khách hàng; Các mức độ nghèo.

- Sử dụng dịch vụ tài chính, đề cập đến khả năng sử dụng dịch vụ và sản phẩm tài chính, đo lường bởi tần suất sử dụng dịch vụ hay tỉ lệ tài khoản đang hoạt động.

- Chất lượng dịch vụ tài chính, đánh giá các thuộc tính, mức độ phù hợp của dịch vụ hoặc sản phẩm tài chính đối với nhu cầu của người tiêu dùng, với các chỉ số: Khả năng tài chính của người tiêu dùng; Khoảng cách hợp lý giữa người sử dụng và nhà cung cấp dịch vụ; Tần suất khiếu nại.

- Tác động phúc lợi, tập trung vào tác động của các dịch vụ tài chính đối với lợi ích của người tiêu dùng, bao gồm những thay đổi trong tiêu dùng, hiệu suất kinh doanh và chất lượng cuộc sống, với các chỉ số: Tăng khả năng tiết kiệm; Tăng khả năng tiêu thụ và tăng khả năng quyết định trong gia đình.

Thực trạng triển khai tài chính toàn diện tại Việt Nam

Những kết quả tích cực

Nhận thức vai trò quan trọng của tài chính toàn diện, ngày 22/01/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 149/QĐ-TTg ban hành Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025 và định hướng năm 2030. Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đặt ra mục tiêu tổng quát sau: Phấn đấu đến cuối năm 2025, ít nhất 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; tiến tới mục tiêu mỗi người trưởng thành có ít nhất một tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác vào năm 2030; ít nhất 50% tổng số xã có điểm cung ứng dịch vụ tài chính; ít nhất 25 - 30% người trưởng thành gửi tiết kiệm tại tổ chức tín dụng; số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt tốc độ tăng 20 - 25% hàng năm...

Đến nay, việc triển khai thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện đã đạt được một số kết quả nhất định. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - cơ quan đầu mối về tài chính toàn diện đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan có liên quan để nâng cao nhận thức về tài chính toàn diện cũng như phối hợp với các ngân hàng thương mại trong việc cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính. Qua đó, công tác giáo dục tài chính, nâng cao năng lực và kiến thức tài chính, bảo vệ người tiêu dùng tài chính đã được quan tâm, tích cực triển khai. Các bộ, ban, ngành đã triển khai các chương trình đào tạo để tăng cường kiến thức, kỹ năng tài chính cho người dân và doanh nghiệp.

Đặc biệt, một số giải pháp quan trọng góp phần đẩy mạnh khả năng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính của người dân và doanh nghiệp đã được các bộ, ngành liên quan tích cực phối hợp thực hiện như: Ban hành quy định cho phép mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử, triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ như Mobile Money, xây dựng và chính thức vận hành hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư... Cơ sở hạ tầng tài chính tiếp tục được hoàn thiện và tăng hiệu quả sử dụng.

Công tác truyền thông về hoạt động thanh toán và dịch vụ ngân hàng được đẩy mạnh, qua đó giúp thay đổi thói quen của người tiêu dùng trong sử dụng dịch vụ tài chính trên nguyên tắc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ tài chính. Các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản, hướng đến những đối tượng mục tiêu của tài chính toàn diện được tích cực cải thiện. Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức trung gian thanh toán tích cực đẩy mạnh cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; Phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính phục vụ sản xuất kinh doanh nông nghiệp, nông thôn; Phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất kinh doanh...

Qua đó, các ngân hàng thương mại Việt Nam có sự chuyển biến rõ rệt, quan tâm nhiều hơn tới cung cấp dịch vụ, sản phẩm cho những thành phần kinh tế trước đây vốn không phải là đối tượng chú trọng của ngân hàng. Phần lớn các ngân hàng đã cung cấp các dịch vụ tiện ích như: thanh toán tiền điện, nước, cước phí điện thoại, viễn thông, phí bảo hiểm, thu học phí thông qua kênh Internet banking và Mobile banking…

Các ngân hàng thương mại tiếp tục phát triển mạng lưới, đồng thời đa dạng các kênh phân phối sản phẩm dịch vụ tài chính trên phạm vi cả nước. Các sản phẩm dịch vụ tài chính, nhất là sản phẩm dịch vụ tài chính cơ bản hướng đến đối tượng mục tiêu của tài chính toàn diện được chú trọng phát triển trên nền tảng ứng dụng công nghệ số với nhiều tiện ích phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng; cơ sở hạ tầng thanh toán tiếp tục được đầu tư hoàn thiện...

Nhờ đó, hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam ngày càng phát triển hiệu quả, mạng lưới chi nhánh phòng giao dịch, hệ thống ATM, POS và các điểm cung ứng dịch vụ tài chính trải rộng khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước. Số lượng chi nhánh, phòng giao dịch của hệ thống ngân hàng thương mại bình quân/100.000 người trưởng thành đạt 15,31 đơn vị; tỷ lệ xã/thị trấn có điểm cung ứng dịch vụ tài chính trên tổng số xã/thị trấn trên toàn quốc (không bao gồm Ngân hàng Chính sách xã hội) đạt 32,13%; số lượng máy ATM bình quân/100.000 người trưởng thành đạt 27,70 máy; số lượng máy POS bình quân/100.000 người trưởng thành đạt 439,26 máy. Các tổ chức tín dụng tiếp tục cân đối tập trung nguồn vốn cho các chương trình tín dụng đặc thù phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn với tổng dư nợ tín dụng cho lĩnh vực này chiếm 25%/tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế. Dịch vụ tài chính số đạt tốc độ tăng trưởng cao, đến nay có gần 66% người trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng.

Một số hạn chế và nguyên nhân

Song song với kết quả tích cực đạt được, việc triển khai thực hiện tài chính toàn diện vẫn có một số hạn chế nhất định:

Thứ nhất, người dân chưa thực sự tin tưởng vào các giao dịch tài chính, làm hạn chế sự tiếp cận và sử dụng các dịch vụ của các tổ chức tài chính. Mặc dù trong những năm qua, nước ta đã có những tiến bộ nhất định về xây dựng hành lang pháp lý, nhất là liên quan đến các hoạt động thanh toán điện tử, thanh toán qua thẻ, cho vay tiêu dùng… tuy vậy, vẫn còn nhiều trở ngại về mặt quy định pháp lý, thủ tục giấy tờ trong hệ thống văn bản hiện hành dẫn đến hạn chế đến phát triển tài chính toàn diện. Ngoài ra, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, các sản phẩm, dịch vụ tài chính mới dựa trên đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ số vẫn đi kèm rủi ro, hành lang pháp lý về những vấn đề mới như bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính, bảo vệ tính riêng tư dữ liệu người dùng, chuẩn kết nối mở… chưa được ban hành cũng là nguyên nhân khiến người dân chưa thực sự tin tưởng vào các giao dịch tài chính trên nền tảng công nghệ, làm hạn chế sự tiếp cận và sử dụng các dịch vụ của các tổ chức tài chính.

Bên cạnh đó, các chính sách, chương trình chưa được đặt trong một khuôn khổ chung mang tính hệ thống, mới chỉ được các bộ, ngành triển khai theo chức năng, nhiệm vụ của mình, vì vậy thiếu sự đồng bộ, sự gắn kết chặt chẽ giữa các ban, ngành liên quan theo một mục tiêu nhất quán, nên kết quả các chính sách, chương trình mới chỉ giải quyết phần nào nội dung của tài chính toàn diện.

Thứ hai, việc tiếp cận dịch vụ tài chính tại các thành phố, đô thị khá dễ dàng, thuận lợi nhưng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người nghèo, người thu nhập thấp, những người yếu thế trong xã hội đang gặp không ít khó khăn khi tiếp cận dịch vụ tài chính do vẫn còn nhiều rào cản, mới chỉ tiếp cận tài chính ở mức thấp. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ cũng còn gặp không ít khó khăn khi tiếp cận sản phẩm, dịch vụ tài chính chính thức. Nguyên nhân của hạn chế vừa xuất phát từ các tổ chức cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính, vừa từ phía người sử dụng sản phẩm, dịch vụ. Nhiều người dân chưa nắm rõ kiến thức và kỹ năng tài chính, không có đủ thông tin nên có thể bị rủi ro, thiệt thòi, hoặc e ngại và bỏ qua cơ hội sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính. Thiếu hiểu biết tài chính đã trở thành một trong những nguyên nhân cơ bản cản trở việc tiếp cận và sử dụng hiệu quả các sản phẩm, dịch vụ tài chính của người dân và doanh nghiệp. Trong khi đó, mạng lưới các tổ chức tín dụng mặc dù bao phủ rộng khắp các địa phương trên toàn quốc, nhưng mạng lưới này phân bố chưa đều và có sự chênh lệch lớn giữa thành thị và nông thôn, tập trung chủ yếu tại các đô thị lớn. Sản phẩm, dịch vụ tài chính còn thiếu đa dạng, chưa đáp ứng được nhu cầu của một số phân khúc khách hàng. Ở vùng nông thôn, các sản phẩm chủ yếu tập trung vào tín dụng, trong khi dịch vụ tiết kiệm, thanh toán và bảo hiểm còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu.

Thứ ba, mặc dù có sự gia tăng đáng kể về thanh toán không dùng tiền mặt trong những năm qua, nhưng chất lượng dịch vụ ngân hàng còn thấp. Giao dịch qua ATM, POS còn hạn chế, trong quá trình sử dụng còn tồn tại sai sót. Mạng lưới POS, ATM mới được trang bị chủ yếu ở khu vực thành thị, nơi cư dân tập trung lớn, còn khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo lương máy này rất hạn chế vì vậy phần lớn người dân ở các khu vực này vẫn dùng tiền mặt. Bên cạnh đó, vấn đề đánh mất thông tin, vấn đề bảo mật, an toàn khi sử dụng cũng làm cho người dận e ngại khi sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Ngoài ra, khi thói quen dùng tiền mặt của người dân còn phổ biến thì con đường thanh toán phi tiền mặt là trở ngại rất lớn. Đây là một rào cản lớn trong thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam.

Thứ tư, mức độ bao phủ về điểm tiếp cận tài chính toàn diện ở nước ta còn thấp. Mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng phân bố không đồng đều giữa các tỉnh thành, các vùng miền. Đa phần các chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng được đặt tại các thành phố lớn, nơi cư dân đông đúc và kinh tế phát triển. Cơ sở dữ liệu về tiếp cận tài chính nói riêng và tài chính toàn diện nói chung còn thiếu, cơ sở hạ tầng tài chính còn thiếu, chưa được kết nối đồng bộ, đặc biệt là cơ sở hạ tầng thông tin (thông tin tín dụng, hệ thống định danh…), chất lượng mạng, tốc độ đường truyền còn yếu…

Giải pháp phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam

Có thể nhận thấy, sự phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam đang trong giai đoạn đầu và vẫn còn nhiều vấn đề cần cải thiện. Qua phân tích thực trạng, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm góp phần thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam trong thời gian tới, như sau:

Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục làm tốt vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện trong việc hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược tài chính toàn diện; tiếp tục xây dựng, ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy định trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng nhằm tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy sự phát triển của thị trường dịch vụ tài chính ngân hàng; tăng năng lực quản lý giám sát, đảm bảo an toàn hệ thống; triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực triển khai các định hướng chiến lược về phát triển sản phẩm dịch vụ, các kênh cung ứng dịch vụ.

Thứ hai, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng thông tin, dịch vụ tài chính nhằm đảm bảo hoạt động thông suốt và ổn định của hệ thống tài chính trên phạm vi cả nước. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng phát triển mạnh mẽ hơn mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch, cây ATM và máy POS ở vùng nông thôn. Tăng cường quản lý hệ thống tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô hoạt động an toàn, hiệu quả.

Thứ ba, tăng cường giải quyết nhu cầu tín dụng thông qua các kênh chính thức, mở rộng dịch vụ tài chính đến từng người dân. Mở rộng các nguồn tín dụng với lãi suất và thời hạn vay phù hợp hơn đối với từng đối tượng khách hàng, từng địa bàn, từng mức thu nhập và nghề nghiệp. Mở rộng, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho người nghèo, người thu nhập thấp, phụ nữ và các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tiếp tục phát triển các sản phẩm mang tính xu hướng thời đại như Internet banking, mobile banking… Ngoài ra, tăng cường liên kết với các công ty fintech để cho ra đời các sản phẩm dịch vụ sáng tạo như ví điện tử, thanh toán bằng quét mã QR để phục vụ tối đa nhu cầu của người dân, hạn chế thanh toán tiền mặt và kích thích phát triển tài chính toàn diện.

Thứ tư, đẩy nhanh tiến độ lồng ghép giáo dục tài chính vào giáo dục phổ thông quốc gia để góp phần tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức, tạo ra phong trào thiết thực, hiệu quả đối với sinh viên, học sinh, hài hòa lợi ích của cá nhân và lợi ích quốc gia.

Tài liệu tham khảo:

  1. Ban Chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện (2022), Phiên họp lần thứ nhất ngày 6/8/2022;
  2. Thanh Giang (2022), Nỗ lực, tích cực triển khai chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, https://nhandan.vn/no-luc-tich-cuc-trien-khai-chien-luoc-tai-chinh-toan-dien-quoc-gia-post709163.html;
  3. Demirgüç-Kunt, A., Klapper, L. F., Singer, D., & Van Oudheusden, P. (2015), The global findex database 2014: Measuring financial inclusion around the world;
  4. Islam, E., & Mamun, S. (2011), Financial inclusion: the role of Bangladesh Bank. Research Department, Bangladesh Bank Head Office, Dhaka;
  5. Leyshon, A., & Thrift, N. (1995), Geographies of financial exclusion: financial abandonment in Britain and the United States. Transaction – institute of British Geographer, 20, 312-312;
  6. Sarma, M., & Pais, J. (2011), Financial inclusion and development. Journal of international development, 23(5), 613-628.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 4/2023