Thương hiệu, nhãn hiệu bất động sản bị xâm hại, các doanh nghiệp kêu ai?
Tại buổi gặp gỡ “Café Doanh nhân cho doanh nghiệp Bất động sản” về chủ đề Bảo vệ thương hiệu Bất động sản (BĐS) do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức sáng ngày 21/7 tại Hà Nội, hàng loạt doanh nghiệp BĐS đồng loạt phản ánh về tình trạng thương hiệu và nhãn hiệu bị xâm hại nghiêm trọng trong khi luật pháp và sự vào cuộc của cơ quan quản lý Nhà nước chưa thực sự hữu ích và hiệu quả.
Bản quyền thương hiệu, nhãn hiệu bất động sản dễ bị “đánh cắp”
Vấn đề vi phạm bản quyền thương hiệu, nhãn hiệu doanh nghiệp, dự án BĐS tại Việt Nam đã từng diễn ra và hiện nay rất dễ bị đánh cắp. Hình thức vi phạm phổ biến các doanh nghiệp gặp phải thường là bị nhái logo, tên gọi, hình ảnh dự án, tên miền website...
Ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu Việt Nam, Chủ tịch GP Invest cho biết: “Ngoài logo, hình ảnh cũng đang bị vi phạm nghiêm trọng. Ở các nước họ kiểm tra rất là khắt khe nên không có sự trùng lặp. Trong khi ở Việt Nam một tên tiếng Việt dài thì vẫn có tên tiếng Việt trùng nhưng cơ quan đăng ký kinh doanh vẫn chấp thuận nên mới có sự trùng lặp. Gần đây có một quảng cáo bán căn hộ đã lấy hình ảnh của chúng tôi” - ông Hiệp thông tin. “Dự án của chúng tôi bị trùng lặp với dự án ở quận Thanh Xuân và một Cty môi giới đã lấy hình ảnh của chúng tôi để quảng cáo cho dự án. Đó chính là vi phạm của thương hiệu và hình ảnh nhưng hiện nay chưa có cơ quan nào xử lý vấn đề này nên chúng tôi cũng chỉ để họ gỡ bỏ xuống từ các trang online" - ông Hiệp chia sẻ.
Theo ông Hiệp, hiện nay cơ quan quản lý xử lý thông tin còn rất nhẹ. Thực ra cơ quan quản lý cũng đã nghĩ việc xử lý vi phạm các tình tiết và pháp lý về vấn đề này vẫn chưa được quy định rõ ràng nên khó xử lý.
Ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hội Môi Môi giới BĐS, Chủ tịch HĐQT Cty BĐS Hanhud chia sẻ: “Với kinh nghiệm là một đơn vị BĐS đã từng xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp, ông cho rằng để xây dựng được một thương hiệu nói chung và thương hiệu doanh nghiệp trong lĩnh vực BĐS nói riêng đòi hỏi cả một quá trình và tốn rất nhiều công sức, trí tuệ của cả một tập thể”.
Cụ thể, doanh nghiệp của ông sau khi cổ phần hoá đi đăng ký lại tên doanh nghiệp thì không thể đăng ký được vì đã có doanh nghiệp khác đăng ký trùng tên “Cty kinh doanh phát triển nhà Hà Nội”. Mặc dù đây là Cty của Nhà nước, tuy nhiên không đăng ký được nên doanh nghiệp phải buộc phải thêm hai chữ “đô thị”.
Điều này cho thấy, một hạn chế hiện nay trong việc đăng ký kinh doanh đó là mới chỉ đăng ký bằng tên và địa chỉ. Còn những yếu tố khác như hình ảnh, logo, slogan của doanh nghiệp thì chưa được chú trọng. Vì vậy ông Đình khuyến nghị nên đưa bổ sung các yếu tố này thêm vào trong thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp bởi dường như những thủ tục này đang “dễ”. Doanh nghiệp nên tự bảo vệ mình bằng việc đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu. Điều này không chỉ bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp mà còn thể hiện sự bảo vệ khách hàng.
Ông Nguyễn Cảnh Hồng – Phó Chủ tịch Tập đoàn Eurowindow Holding nêu thực trang chung sở hữu trí tuệ bị vi phạm trên mạnh internet khá nhiều. Pháp luật chỉ có bảo hộ mà không có bảo vệ cho Doanh nghiệp. Vấn đề hiện nay gặp phải là sự nhầm lẫn chủ ý hay vô ý thương hiệu, nhãn hiệu. Khi triển khai đặt tên cho dự án, các doanh nghiệp chú trọng đến ý nghĩa truyền thông của dự án, đăng ký theo hướng dẫn của Cục Sở hữu trí tuệ. Tập đoàn Eurowindow Holding đã có bộ phận pháp chế và truyền thông để bảo vệ thương hiệu của mình cả về lĩnh vực BĐS và Vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, việc tranh chấp này khi đưa ra toà án rất khó khăn và các cơ quan quản lý Nhà nước chưa có hiệu quả. Vì vậy, ông Nguyễn Cảnh Hồng nhấn mạnh: “Cơ chế quản lý và cơ quan quản lý Nhà nước cần có chế tài răn đe mạnh mẽ hơn, hướng dẫn doanh nghiệp về sở hữu trí tuệ cụ thể, chi tiết, thiết thực và rút ngắn thời gian cũng như những phản ứng hơn để bảo vệ doanh nghiệp chân chính”.
Bảo vệ thương hiệu nhãn hiệu BĐS bằng nhiều cách
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Đính tiết lộ, có nhiều trường hợp doanh nghiệp ngại đăng ký là vì doanh nghiệp thường nghĩ là nếu ra tấm ra món thì mới đăng ký. Tuy nhiên, nếu nghĩ đến quyền lợi khách hàng doanh nghiệp nên đăng ký gấp. “Hiện nay, chi phí để đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam trong thời gian 10 năm có chi phí chưa đến 100 USD. Vì vậy, doanh nghiệp nên tự bảo vệ mình bằng việc đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu. Điều này không chỉ bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp mà còn thể hiện sự bảo vệ khách hàng” – ông Đính chia sẻ.
Đồng tình với ông Đính, ông Nguyễn Thế Điệp – Phó Chủ tịch CLB BĐS Hà Nội, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Cty CP Tập đoàn Đầu tư Hưng Thịnh Phát cũng cho rằng: “Hiện nay việc kiện cáo trong việc bảo vệ thương hiệu đang kéo rất dài. Điều này sẽ gây ra sự tốn kém về chi phí và thời gian. Vì vậy, doanh nghiệp nên chủ động bảo vệ doanh nghiệp mình bằng cách đăng ký thương hiệu và phải đăng ký một cách chuyên nghiệp”.
Ngoài ra, ông Điệp đề xuất phải có chế tài dành cho các cơ quan quản lý nên thực hiện việc tuyên truyền nhận thức về quản lý thương hiệu cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cũng cần có chế tài đối với các địa phương để xảy ra tình trạng tranh chấp thương hiệu xảy ra nhiều.
Ông Nguyễn Thanh Bình – Giám đốc Trung tâm phát triển tài sản trí tuệ, Cục Sở hữu trí tuệ cho biết: “Nếu một doanh nghiệp BĐS và một doanh nghiệp kinh doanh nước mắm trùng thương hiệu, người ta không có sự liên tưởng, tuy nhiên, hai doanh nghiệp trong cùng một lĩnh vực trùng thương hiệu thì sẽ có sự cạnh tranh không lành mạnh, có dấu hiệu vi phạm nhãn hiệu”.
Khác sản phẩm không bị coi là vi phạm, trừ khi nhãn hiệu của mình là nổi tiếng thì bất kỳ một hành vi nào sử dụng nhãn hiệu dù là sản phẩm khác từ các quốc gia trên thế giới vào Việt Nam vẫn coi đó là xâm phạm bởi người ta cho rằng việc anh dùng thương hiệu này sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu của tôi. “Lúc đó mình phải chứng mình thương hiệu của mình là rất nổi tiếng” - ông Bình nói.
Góc nhìn từ luật sư, ông Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Cty Luật SBLAW chia sẻ: “Khi doanh nghiệp phát hiện ra trường hợp doanh nghiệp khác vi phạm về thương hiệu của mình thì chụp lại bằng chứng, gửi giám định vi phạm đó, và dựa vào kết quả giám định này, các văn phòng luật sư được thuê để bảo vệ cho quyền của doanh nghiệp bị xâm phạm sẽ gửi thư cảnh báo trong một khoảng thời gian nhất định yêu cầu cải chính công khai và xin lỗi. Trong trường hợp, doanh nghiệp xâm phạm không cải chính công khai thì sẽ đưa ra toà để xử lý”.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn – Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đưa ra giải pháp các doanh nghiệp BĐS cũng có thể cung cấp thông tin thông qua kênh truyền thông báo chí hoặc số điện thoại đường dây nóng của VCCI và Hiệp Hội BĐS Việt Nam (VNREA) để bảo vệ quyền lợi hợp pháp về thương hiệu nhãn hiệu của mình.