Phát triển thương mại điện tử giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh
Từ đầu năm đến nay, hoạt động thương mại tuy ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19, nhưng tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ trên thị trường vẫn đạt hơn 43.000 tỷ đồng, tăng 9,45% so với cùng kỳ. Đặc biệt, khi Bạc Liêu chuyển sang thực hiện Chỉ thị 19, sức mua đã tăng khá cao và dự báo hoạt động thương mại sẽ hoàn thành kế hoạch năm 2021.
Tiện lợi và tất yếu
Một trong những bài học và kết quả đạt được từ đầu năm đến nay, nhất là có những tháng phải thực hiện giãn cách xã hội nhưng hoạt động thương mại, dịch vụ vẫn giữ được tăng trưởng khá, chính là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh đã tập trung khai thác và tận dụng các thế mạnh từ thương mại điện tử (TMĐT).
Thông qua các trang điện tử của doanh nghiệp, các trang bán hàng online trực tuyến, khai thác thêm mạng xã hội Facebook, Zalo…, các siêu thị như Vinmart Bạc Liêu, Co.opmart Bạc Liêu, Điện máy Xanh, các cửa hàng Bách xóa Xanh… đã góp phần cho hàng hóa được thông suốt qua chương trình kết nối đặt qua mạng và giao hàng tận nhà. Với dịch vụ này, người tiêu dùng có thể mua hàng và thanh toán bằng chuyển khoản, hạn chế đi trực tiếp vào các cửa hàng, siêu thị và góp phần thực hiện tốt công tác phòng chống dịch.
Hay trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản, với sàn TMĐT của CTCP công nghệ và đầu tư Cửu Long (huyện Vĩnh Lợi) đã giúp cho nông dân, doanh nghiệp tham khảo giá tôm, liên kết thu hoạch và đưa tôm nguyên liệu bán cho các nhà máy chế biến xuất khẩu…
Qua đó cho thấy, phát triển TMĐT đã và đang trở thành xu hướng tất yếu, sẽ trở thành hình thức giao dịch mạnh trong thời gian tới. Bởi với việc phần lớn người dân đều sử dụng các điện thoại thông minh như hiện nay thì TMĐT sẽ tạo ra khả năng kết nối nhanh, tiện lợi và phù hợp với xu thế thanh toán không dùng tiền mặt.
Không chỉ thế, TMĐT còn tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp tận dụng, khai thác, mở rộng mạng lưới phân phối, thị trường tiêu dùng và cả việc tung ra thị trường hàng ngày, hàng giờ các chương trình giảm giá, khuyến mại, thay vì trước đây các chương trình này phải dựa vào lịch phát sóng hoặc phát hành báo in của các cơ quan truyền thông khi doanh nghiệp tham gia quảng cáo.
Đặc biệt, thông qua TMĐT, các doanh nghiệp, nhà phân phối nắm bắt ngay thị hiếu, nhu cầu của khách và các phản ánh về chất lượng sản phẩm, dịch vụ phục vụ của nhân viên từ các bình luận, hoặc gửi email tự động qua các trang bán hàng do doanh nghiệp xây dựng… Và tiện lợi hơn cả là sàn giao dịch này hoạt động với thời gian 24/24 giờ, thay vì như các cửa hàng khác phải mở cửa mua bán theo lịch hay bị chi phối bởi thực hiện giãn cách xã hội trong công tác phòng, chống dịch COVID-19…
Cần tăng cường quản lý
Với những lợi ích thiết thực mang lại từ phát triển TMĐT cho thấy, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh cần quan tâm đầu tư và khai thác thế mạnh thương mại này. Vì trên thực tế, Bạc Liêu vẫn có nhiều doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm đến phát triển TMĐT và còn duy trì kinh doanh theo kiểu truyền thống, nhất là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở vùng nông thôn gắn với các sản phẩm OCOP.
Tuy nhiên, để phát triển TMĐT bền vững và góp phần chăm sóc, bảo vệ các quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, cần có sự vào cuộc của ngành quản lý, thay vì để tự phát và “thả nổi” như hiện nay. Bởi trên thực tế, có những doanh nghiệp, nhà phân phối bán hàng qua mạng thực hiện đúng cam kết về chất lượng, mẫu mã, thì cũng có những doanh nghiệp, nhà phân phối cố tình lừa gạt hoặc kinh doanh hàng kém chất lượng, xem sàn giao dịch TMĐT là nơi thanh lý hàng tồn kho?! Có những đơn hàng doanh nghiệp, nhà phân phối buộc người mua phải thanh toán tiền trước mới chuyển hàng hoặc cho xem hàng và đẩy người tiêu dùng vào cảnh bị triệt buộc dù hàng có kém chất lượng, hàng không giống như đăng bán vẫn phải mua, do tiền đã thanh toán trước đó.
Đó là đối với các nhóm hàng tiêu dùng, còn với nhóm hàng thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nếu kém chất lượng hay chưa được ngành Y tế cho lưu thông trên thị trường thì sao? Đây chính là vấn đề mà ngành Công thương và các ngành quản lý khác cần vào cuộc trong việc cấp phép, xây dựng các sàn giao dịch TMĐT, cho phép đưa hàng lên sàn mà các sản phẩm ấy phải được chứng minh về nguồn gốc, chất lượng, kiểm định và cả giá bán, thay vì cứ buông lỏng quản lý như hiện nay.