Thương mại Trung - Triều có thể được hưởng lợi từ cuộc gặp Trump - Kim

Theo VnExpress

Nếu cuộc gặp Trump - Kim đạt được thỏa thuận khiến lệnh trừng phạt được dỡ bỏ thì Trung Quốc có thể tăng cường thương mại với Triều Tiên.

Nếu cuộc gặp Trump - Kim đạt được thỏa thuận khiến lệnh trừng phạt được dỡ bỏ thì Trung Quốc có thể tăng cường thương mại với Triều Tiên.
Nếu cuộc gặp Trump - Kim đạt được thỏa thuận khiến lệnh trừng phạt được dỡ bỏ thì Trung Quốc có thể tăng cường thương mại với Triều Tiên.
Tại huyện biên giới Hồn Xuân, tỉnh Cát Lâm của Trung Quốc, các nhà máy may sử dụng lao động Triều Tiên. Cua sống từ Triều Tiên được bày bán trong các chợ cá. Những chủ dịch vụ chuyển tiền hứa sẽ chuyển số nhân dân tệ tương đương hàng nghìn USD cho người Triều Tiên qua biên giới trong vài giờ. Các thương nhân Trung Quốc xuất và nhập khẩu những thứ như đèn đường do Trung Quốc sản xuất hay nấm đặc sản của Triều Tiên.
Về mặt lý thuyết, Trung Quốc đã thực thi các biện pháp trừng phạt quốc tế được áp đặt với Triều Tiên. Nhưng tại biên giới Trung - Triều, những dấu hiệu cho thấy sự phụ thuộc kinh tế của Triều Tiên vào Trung Quốc vẫn rõ ràng, bất chấp các lệnh trừng phạt, theo NYTimes.
Khi cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sắp diễn ra, nhiều người tại đây hy vọng cuộc gặp sẽ khiến các biện pháp trừng phạt được nới lỏng. Nếu Trump - Kim đạt được thỏa thuận thì Trung Quốc sẽ sẵn sàng mở rộng ảnh hưởng của mình với nền kinh tế nhỏ của Triều Tiên.
Tổng thống Trump dường như thừa nhận vai trò của Trung Quốc vào đầu tháng sau cuộc họp tại Nhà Trắng với cựu tướng tình báo Triều Tiên. Tổng thống Mỹ nói rằng ông sẽ để cho Trung Quốc và Hàn Quốc để giúp Triều Tiên xây dựng lại nền kinh tế.
Phần lớn hoạt động kinh doanh tại biên giới Trung - Triều được thúc đẩy bởi nhu cầu từ tầng lớp trung lưu Triều Tiên mà các thương nhân Trung Quốc cho rằng họ có thể trở thành nhóm người tiêu dùng tiềm năng khi lệnh trừng phạt được nới lỏng.
Trung Quốc đang rất nỗ lực sửa chữa mối quan hệ với Triều Tiên và muốn đóng vai trò chi phối trong bất kỳ nỗ lực nào nhằm thiết lập lại nền kinh tế của láng giềng. Hãng hàng không Air China hôm 5/6 tuyên bố rằng họ sẽ tiếp tục các chuyến bay thường xuyên từ Bắc Kinh đến Bình Nhưỡng sau khi các chuyến bay bị đình chỉ hồi tháng 11 năm ngoái.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tháng trước đã gặp một phái đoàn quan chức địa phương Triều Tiên ở Bắc Kinh. Đây là động thái đáng chú ý vì hiếm khi chủ tịch Trung Quốc lại tiếp quan chức nước ngoài cấp thấp như vậy. Đoàn Triều Tiên được đi tham quan Bắc Kinh, Thượng Hải, Sơn Tây, đi tàu cao tốc và nghe hướng dẫn về cách Trung Quốc nhanh chóng xây dựng thành phố và các ngành công nghiệp.
Khi ông Kim Jong-un và ông Tập Cận Bình gặp nhau tại Đại Liên hồi tháng trước, phát triển kinh tế được cho là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự. Trung Quốc cũng gợi ý rằng họ có thể giúp xây dựng lại các con đường và cảng cho Triều Tiên. Khoản viện trợ này có thể nằm trong Sáng kiến Vành đai và Con đường - nỗ lực của Bắc Kinh để mở rộng ảnh hưởng bằng cách giúp các quốc gia khác chi trả cho các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn.
Trung Quốc đang trợ giúp cho Triều Tiên theo những cách nhỏ hơn. Một trong số đó là làm kênh chuyển tiền cho người Triều Tiên sống ở nước ngoài. Một chủ nhà hàng ở Pyeongtaek, Hàn Quốc, đã đào tẩu khỏi Triều Tiên cách đây vài năm, cho biết cô đã gửi khoảng 5.000 USD một năm cho mẹ, chồng và con trai ở Bình Nhưỡng. Cô sử dụng dịch vụ gửi tiền ở gần biên giới Trung - Triều hai lần một năm.
Thương mại Trung - Triều có thể được hưởng lợi từ cuộc gặp Trump - Kim - Ảnh 1
Màn hình chiếu hình ảnh về cuộc gặp giữa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đan Đông hồi tháng trước. Ảnh: NYTimes.
Tại Hồn Xuân, một trong những nhà sản xuất hàng may mặc lớn nhất Trung Quốc đã xây dựng một khu phức hợp, nơi các công nhân Triều Tiên may vest nam cho thị trường Trung Quốc. Người Triều Tiên làm việc cùng với công nhân Trung Quốc, nhận được mức lương như nhau và sống trong các khối căn hộ cách nhà máy khoảng ba phút đi bộ.
Mặc dù các lệnh trừng phạt yêu cầu công nhân Triều Tiên phải về nước, các doanh nhân địa phương nói rằng những người làm việc tại Hồn Xuân được ở lại Trung Quốc một cách hợp pháp vì các hợp đồng của họ ngắn hạn và không phải chịu lệnh trừng phạt. Người bán hải sản ở Hồn Xuân cho biết họ vẫn đang bán được cua sống từ Triều Tiên với giá cao. Cua Triều Tiên được coi là đặc sản vì nó đến từ vùng biển không bị ô nhiễm.
Những con cua đã được chở bằng xe tải trên một chuyến đi ngắn từ Triều Tiên vào cảng Vladivostok ở Nga, sau đó đi về phía nam khoảng 100km đường ghập ghềnh để đến Hồ Xuân trong hành trình lên đến 10 giờ. Các thương nhân cho biết họ phải chuyển cua vòng qua Nga để chuyến hàng có vỏ bọc hợp pháp.
Thực tế, người Trung Quốc đang xây dựng một con đường mới giúp chuyển hàng nhanh hơn. Các thủ tục giấy tờ hải quan cần thiết để chuyển trực tiếp cua và hải sản đông lạnh đến Trung Quốc đã được hoàn thành và sẽ được nộp ngay lập tức nếu lệnh trừng phạt được dỡ bỏ. Điều đó sẽ làm cho tuyến đường vòng qua Nga không còn cần thiết, một người bán cho biết.
"Chúng tôi nghe nói rằng lệnh trừng phạt sẽ sớm được dỡ bỏ", ông nói.