Thương mại Việt Nam - EU: Tăng trưởng khả quan
Dù gặp không ít khó khăn nhưng từ đầu năm đến nay, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) vẫn duy trì mức tăng trưởng khá.
Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 5/2017, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - EU tăng trưởng 16,2% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu (XK) từ Việt Nam sang EU tăng 4,2% và nhập khẩu (NK) tăng 14%. Đây là con số tăng trưởng ấn tượng, đặc biệt trong bối cảnh thị trường EU đang gặp nhiều khó khăn bởi những biến động chính trị trong thời gian qua.
Việt Nam đã thành công trong việc chiếm lĩnh thị phần xuất khẩu tại EU từ các quốc gia Đông Nam Á khác. Giới phân tích nhận định, xu hướng này có thể sẽ tiếp tục sau khi EVFTA có hiệu lực.
XK của Việt Nam sang EU tập trung chính vào thị trường Đức, Anh, Pháp, Italia, Hà Lan, Tây Ban Nha. Nhiều doanh nghiệp XK kỳ vọng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực vào năm 2018 sẽ giúp XK của Việt Nam sang EU ước tăng 50% vào năm 2020. Trong đó, sản phẩm nông – lâm - thủy sản sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Bộ Công Thương, EU là thị trường có mức thu nhập cao song lại có chính sách bảo vệ người tiêu dùng chặt chẽ. Có thể nói, đây là một thị trường khó tính nên doanh nghiệp Việt Nam muốn XK hàng hóa vào thị trường này phải vượt qua hàng loạt hàng rào kỹ thuật. Bên cạnh đó, sản phẩm XK của Việt Nam muốn vào thị trường này phải có chất lượng và bảo đảm yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc…
Theo bà Miriam Garcia-Ferrer - Tham tán thứ nhất của Phái đoàn EU tại Việt Nam, để thúc đẩy XK sang thị trường EU, cần xác định thuế suất ưu đãi và các quy tắc xuất xứ nếu như EVFTA có hiệu lực. Bên cạnh đó, thương hiệu và chất lượng của các sản phẩm Việt Nam vẫn chưa được đánh giá cao. Dù vậy, thông qua EVFTA, EU có thể hỗ trợ Việt Nam cải thiện vấn đề này.
Các chuyên gia cho rằng, để thâm nhập vào thị trường EU, chiến lược dài hạn của các doanh nghiệp Việt Nam là cần bảo đảm chất lượng hàng hóa, đáp ứng những tiêu chuẩn đặt ra; xây dựng và phát triển thương hiệu… mới có thể tạo nên sức cạnh tranh cho hàng Việt. Ngoài ra, các nhà XK cũng cần tiếp tục tận dụng những cam kết, ưu đãi từ các hiệp định đã ký kết để tiếp tục khai thác thị trường này.