Điểm tin kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 05-09/06/2017
Tuần vừa qua (05-09/06/2017), nhiều thông tin kinh tế - tài chính nổi bật đã thu hút sự quan tâm của độc giả, Tạp chí điện tử Tài chính điểm lại những thông tin đáng chú ý.
Ngày 19/5/2017, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 53/2017/TT-BTC hướng dẫn Nghị định số 69/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ. Thông tư có hiệu lực từ ngày 03/7/2017.
Theo đó, tại thời điểm được bổ nhiệm làm quản lý doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, người quản lý phải có đầy đủ các giấy tờ sau: Phiếu lý lịch tư pháp; bằng đại học (trở lên) thuộc một trong các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, luật hoặc lĩnh vực chuyên môn mà mình đảm nhận; bản cam kết về việc đáp ứng đầy đủ các quy định liên quan đến năng lực hành vi dân sự, kinh nghiệm làm việc...
Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ tại thời điểm hoạt động phải có quy chế quản lý nội bộ về tổ chức, quy định nội bộ về hoạt động kinh doanh tại điều lệ của doanh nghiệp.
Quỹ bình ổn giá của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tính đến ngày 5/6 còn dư 2.380 tỷ đồng
Quỹ bình ổn giá của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tính đến trước thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu (15h ngày 5/6) còn dư 2.380 tỷ đồng, tăng 125 tỷ đồng so với lần công bố mới nhất ngày 20/5 (2.255 tỷ đồng).
Trước đó, liên bộ Công Thương - Tài chính đã công bố giá cơ sở các mặt hàng xăng, dầu trong nước áp dụng từ 15h ngày 5/6, theo đó xăng RON 92 tăng 303 đồng/lít; xăng E5 tăng 283 đồng/lít; dầu diesel 0,05S tăng 225 đồng/lít; dầu hỏa tăng 326 đồng/lít và dầu mazút 3,5S tăng 139 đồng/kg.
Như vậy, mức trần mới đối với xăng RON 92 là 17.366 đồng/lít; xăng E5 là 17.154 đồng/lít; dầu diesel 0,05S là 13.485 đồng/lít; dầu hỏa là 12.118 đồng/lít và dầu mazut 3,5S là 11.035 đồng/kg. Đây cũng là lần tăng giá xăng dầu đầu tiên kể từ ngày 20/4.
Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu của Việt Nam năm 2017 tăng 5 bậc lên vị trí thứ 6
Theo khảo sát hằng năm về GRDI của A.T. Kearney công bố ngày 05/6, trong năm 2017, Việt Nam đã tăng 5 bậc lên vị trí thứ 6 trong Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI), chỉ đứng sau các thị trường lớn là Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ và Các tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE).
Việt Nam đã vượt các thị trường đông dân như Indonesia (vị trí trứ 8), hay các nước có thị trường bán lẻ tốt trong những năm qua như Thái Lan (vị trí 30), Philippines (vị trí 18), Kazakhstan (vị trí 16), Saudi Arabia (vị trí 11)...
Một trong những nguyên nhân là nhờ các luật đầu tư thông thoáng đã góp phần thúc đẩy sự hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà bán lẻ nước ngoài (như: Từ năm 2015, 100% các nhà bán lẻ nước ngoài có quyền sở hữu và chính sách ưu đãi tiếp tục thu hút các nhà đầu tư nước ngoài)…
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 25/5, tăng trưởng tín dụng của ngành Ngân hàng đạt 6,53%, cao hơn so với cùng kỳ những năm 2016 (tăng 5%) và 2015 (tăng 4,5%).
Điều này hỗ trợ rất tích cực cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhất là trong điều kiện giải ngân vốn đầu tư công chưa được đẩy mạnh trong những tháng đầu năm. Tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản cũng đã chậm lại so với cùng kỳ năm 2016.