Khai mạc phiên họp thứ 28 của Ủy ban thường vụ Quốc hội:

Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013 và 4 tháng đầu năm

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) Ngày 15/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã diễn ra phiên họp lần thứ 28. Đây là phiên họp cuối cùng của Ủy ban thường vụ Quốc hội trước thềm khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 13. Phiên họp diễn ra trong 3 ngày, từ 15-17/5/2014.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp. Nguồn: internet
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp. Nguồn: internet

Tại phiên họp này, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo bổ sung của Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2014; Việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 13.

Về công tác giám sát, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ nghe Đoàn giám sát báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012; về hiệu quả tổng thể kinh tế, xã hội gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng của 2 dự án bô-xit Tân Rai và Nhân Cơ do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam làm chủ đầu tư…

Đối với công tác xây dựng pháp luật, tại phiên họp này, Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung khoản 2, Điều 13 Luật quốc tịch Việt Nam; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dược

Trong phiên họp sáng 15/5, các ủy viên Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo bổ sung của Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2014.

Tại kỳ họp thứ 6, Chính phủ đã báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, dự kiến có 11/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Đến nay, đánh giá lại kết quả thực hiện, có 12/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 2 chỉ tiêu không đạt là tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP và tỷ lệ giảm hộ nghèo. Các cân đối vĩ mô tiếp tục được duy trì theo hướng ổn định.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cho rằng, những nhận định, đánh giá trong báo cáo bổ sung của Chính phủ là cơ bản phù hợp. Mục tiêu tổng quát Quốc hội đề ra cho năm 2013 đã cơ bản đạt được thể hiện sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ, của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, kinh tế trong nước đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, nhất là những nguy cơ tiềm ẩn có thể gây mất ổn định trở lại. Đời sống của một bộ phận người lao động vẫn gặp nhiều khó khăn. Do đó, Chính phủ cần có giải pháp phù hợp và kịp thời trong tình hình mới này. 

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiền đề nghị Chính phủ cần có báo cáo chặt chẽ, đầy đủ hơn cả về kinh tế và xã hội. Trong 4 tháng đầu năm nay, tình hình kinh tế xã hội có nhiều diễn biến tích cực so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là trong thu hút đầu tư, dịch vụ. Tuy nhiên, chưa có sự phát triển đột biến, căn bản. Thị trường bất động sản, nhà ở ấm lên nhưng việc hấp thụ vốn, nhất là vốn tín dụng chưa cao, tăng trưởng tín dụng thấp, chưa đạt như mong muốn...

Cũng tại phiên họp này, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2013, tình hình triển khai thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2014.

Qua thảo luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các cơ quan liên quan của Chính phủ khẩn trương cập nhật tình hình mới nhất trong Báo cáo kinh tế- xã hội những tháng đầu năm 2014 và đề xuất các giải pháp tháo gỡ, trình Quốc hội cho ý kiến.

Theo Báo cáo bổ sung của Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013, trong tổng số 15 chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội đã đề ra trong Nghị quyết phát triển kinh tế xã hội năm 2013, có 10 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; 3 chỉ tiêu đạt xấp xỉ kế hoạch (tốc độ tăng trưởng GDP, tạo việc làm, tỷ lệ lao động qua đào tạo); hai chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch là tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước so với GDP và tỷ lệ giảm hộ nghèo. Lạm phát được kiểm soát tốt nhất trong 10 năm qua, giá cả thị trường ổn định. Năm 2013 đã cơ bản chặn được đà suy giảm tăng trưởng từ 2010 với mức tăng GDP cả năm đạt hơn 5%, cao hơn mức tăng của năm 2012.

GDP trong nước quý I//2014 ước tăng gần 5% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng 4,76% của quý I/2013 và 4,75% của quý II/2012. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2014 tăng 0,88% so với tháng 12/2013; tăng 4,45% so với cùng kỳ năm trước. Tính bình quân, bốn tháng đầu năm CPI tăng 4,73% so với cùng kỳ năm ngoái.

Báo cáo cũng chỉ rõ những hạn chế trong phát triển kinh tế xã hội như kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa vững chắc; các cân đối lớn chưa bền vững; lạm phát vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại; chất lượng tín dụng thấp, nợ xấu còn cao. Việc triển khai gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng chưa được như kỳ vọng; thị trường bất động sản phát triển chưa bền vững, còn nhiều khó khăn. Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động vẫn còn lớn.