Cục trưởng Đặng Quyết Tiến:
Thương vụ Sabeco sẽ làm xoay chuyển cục diện thoái vốn 2017
Theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), thương vụ bán vốn nhà nước tại Sabeco nếu thành công sẽ làm thay đổi cục diện thoái vốn của năm 2017, thậm chí là cả năm 2018.
Bộ Công Thương hôm 29/11 đã đưa ra phương án chào bán 343.662.587 cổ phần - tương ứng 53,59% vốn điều lệ của Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco – HoSE: SAB). Với mức giá chào bán 320.000 đồng/cổ phiếu, Bộ Công Thương dự tính thu về tới 9 tỷ USD (tương đương 200.000 tỷ đồng).
Trả lời phỏng vấn VTV về thương vụ này, ông Đặng Quyết Tiến cho rằng nếu thành công, Sabeco sẽ giúp Chính phủ thay đổi cục diện thoái của năm 2017 và 2018.
“Đây là một trong những danh mục đầu tư mà cả Chính phủ và nhà đầu tư đang chờ đón. Tôi hi vọng tới đây, với việc chúng ta đã đi roadshow và nhà đầu tư đang mong muốn mua khối lượng cổ phần lớn thì thương vụ này có thể đạt được kết quả”, ông Tiến nói.
Ông Tiến cũng cho rằng hiện tại đang là thời điểm thuận lợi để chào bán Sabeco và các doanh nghiệp khác thoái vốn khác bởi sau APEC, dư âm và sức hút của Việt Nam đang lên.
Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cũng tỏ ra không lo ngại về nguồn cung khổng lồ sắp được các doanh nghiệp nhà nước tung ra trên thị trường. Ông cho rằng kinh nghiệm từ thương vụ Vinamilk đã cho thấy sau thoái vốn thị trường đã tăng trưởng rất nhanh.
“Dòng vốn nước ngoài đang vào Việt Nam khá mạnh. Yêu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài khá cao. Họ đòi hỏi công khai minh bạch và sự kĩ lưỡng bằng việc có sự tham gia của tư vấn quốc tế nhằm đánh giá chính xác các sản phẩm mà mình mua. Tuy nhiên, đây cũng chính là cơ hội để chúng ta thấy rằng cần nhìn theo tín hiệu của thị trường. Thị trường đã lên thì việc cung ra kịp thời sẽ là hợp lý”, ông nói.
Nhận xét về tình hình thoái vốn nhà nước còn chậm trong thời gian qua, ông Tiến cho rằng có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Cụ thể, nguyên nhân khách quan là thị trường chứng khoán mới bắt đầu phục hồi mạnh trở lại. Còn nguyên nhân chủ quan là do công tác tổ chức thực hiện vẫn còn tư tưởng đầu năm đủng đỉnh, cuối năm chạy vội nên khâu chuẩn bị không đảm bảo đúng yêu cầu.
“Khâu chuẩn bị rất quan trọng nhưng khâu đó lại vướng về quy chế, cần các bộ ngành tháo gỡ. Thứ hai là phải có thời gian để các nhà đầu tư tiếp cận doanh nghiệp và doanh nghiệp tiếp cận nhà đầu tư. Thứ nữa là chúng ta cũng phải có thời gian để tìm nhà đầu tư thích hợp.
“Chúng tôi thấy trong 11 tháng vừa qua, có những doanh nghiệp làm rất tốt (như SCIC) nhưng đa phần là các doanh nghiệp thoái vốn lớn khác còn chậm. Chẳng hạn như Sabeco, chúng tôi đánh giá 9 tháng đầu năm rất chậm, đến khi Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo thì 1 tuần của tháng 9 bằng 9 tháng công việc trước đó cộng lại”, ông Tiến nhận xét.
Trả lời câu hoi với doanh nghiệp thua lỗ, nợ xấu, chính sách hiện nay có hướng đến giải quyết nợ xấu và tái cơ cấu không, ông Tiến cho biết về vấn đề này, Chính phủ đã có cơ chế trong xử lý nợ xấu (thông qua 2 công ty là DATC và VAMC).
“Một sản phẩm ta thoái vốn mà có nợ xấu thì bán không được giá, do đó chúng ta phải tái cơ cấu khoan nợ này. Tuy nhiên tái cơ cấu thì phải tái cơ cấu theo thị trường. Có nghĩa là các cơ quan chuyên trách sẽ xử lý nợ xấu này theo đúng quy định nhà nước, sau đó củng cố lại doanh nghiệp để thoái vốn hiệu quả hơn.
“Vấn đề nữa là việc đầu tư thêm cho các doanh nghiệp đang khó khăn, đang có nợ xấu phải gắn liền với phương thức xử lý nợ xấu có hiệu quả thì mới làm. Còn nếu không, chúng ta phải chấp nhận cho những phương án mạnh hơn như giải thể, phá sản”, ông Tiến cho biết.
Nói về các giải pháp để thúc đẩy thoái vốn và giải quyết vướng mắc, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết có 3 hướng giải pháp. Thứ nhất là thực hiện đúng danh mục Thủ tướng đã phê duyệt. “Như vậy các bộ ngành, doanh nghiệp phải lên được và công khai tiến độ để nhà đầu tư quan tâm. Chính phủ cũng sẽ lấy cái đó để đánh giá xem việc triển khai có đúng tiến độ không, tránh việc đầu năm chần chừ, cuối năm tăng tốc”.
Thứ hai là về thể chế, cơ chế vướng mắc, Bộ Tài chính và các bộ đã nghiên cứ trình Thủ tướng sửa đổi. “Có những vấn đề ta đã mở ra như tư vấn, chúng ta không cấm tư vấn quốc tế; như chào bán, chúng ta đã mở thêm phương pháp mới là dựng sổ để tìm được nhà đầu tư chân chính”.
Ba là Chính phủ cũng thúc đẩy việc các doanh nghiệp sau cổ phần hóa phải niêm yết để tăng thanh khoản và để cho thị trường đánh giá”, ông Tiến cho hay.