Giá trị xuất khẩu ngành nông nghiệp năm 2017 dự kiến đạt mức 36 tỷ USD
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong tháng 11/2017, mặc dù chịu nhiều tổn thất do thiên tai nhưng xuất khẩu nông lâm thủy sản vẫn nổi lên như một điểm sáng của ngành. Dự báo tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành sẽ đạt mức kỷ lục 36 tỷ USD trong cả năm 2017.
Cụ thể, tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành 11 tháng ước đạt 33,1 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2016; thặng dư thương mại đạt 7,9 tỷ USD, tăng 14,9%. Dự báo tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành sẽ đạt mức kỷ lục 36 tỷ USD, tăng mạnh so với con số 32,18 tỷ USD của năm 2016.
Cũng theo Bộ NN&PTNT, năm 2017, thời tiết và dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn tới sản xuất trồng trọt cả nước. Theo báo cáo của các địa phương, tổng diện tích lúa bị thiệt hại khoảng 75.000ha, trong đó có khoảng 15.000ha bị thiệt hại trên 70%; 60.000ha bị thiệt hại từ 30-70%, đồng thời hàng chục nghìn ha rau màu vụ đông 2017 cũng bị ảnh hưởng nặng. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Cục, lĩnh vực trồng trọt tuy có thiệt hại đối với một số đối tượng cây trồng nhưng vẫn đảm bảo tăng trưởng theo kế hoạch đề ra.
Theo Cục Trồng trọt, diện tích lúa cả nước ước đạt 7.716,6 nghìn ha (giảm 26.100ha), năng suất ước đạt 55,5 tạ/ha (giảm 0,3 tạ/ha), sản lượng ước đạt 42.839 nghìn tấn (giảm 356 nghìn tấn so với năm 2016). Sản xuất trồng trọt đã có sự chuyển dịch mạnh khi giảm diện tích một số cây hàng năm có hiệu quả thấp như: lúa giảm 26.100ha, ngô giảm trên 52.000ha, cây công nghiệp ngắn ngày giảm trên 3.000 ha... trong khi tăng diện tích một số cây trồng có thế mạnh như cây ăn quả (tăng gần 50 nghìn ha), rau tăng 22 nghìn ha. Đến cuối tháng 11/2017, nhóm nông sản trồng trọt xuất khẩu đạt 17,27 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó có mặt hàng rau, quả tăng mạnh, giá trị xuất khẩu 11 tháng ước đạt 3,16 tỷ USD, tăng 43,2% so với cùng kỳ năm 2016.
Trên lĩnh vực lâm nghiệp, do thời tiết thuận lợi cho việc trồng rừng nên diện tích trồng rừng tăng. Tính đến 20/11, diện tích rừng trồng mới tập trung đạt 208,2 nghìn ha, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước. Cả nước thu được 1.604,1 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng, đạt 97,19% kế hoạch năm 2017, đã giải ngân được 1.119 tỷ đồng cho chủ rừng. Tổng cục Lâm nghiệp đang tập trung triển khai xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Lâm nghiệp và tập trung chỉ đạo công tác bảo vệ, phòng chữa cháy rừng cho mùa khô sắp tới; giải quyết cơ chế xác nhận nguồn gốc gỗ hợp pháp nhanh gọn đối với gỗ rừng trồng bị gãy đổ và đôn đốc các nhà máy chế biến gỗ thu mua cho bà con.
Trong 11 tháng, thủy sản vẫn là lĩnh vực có sự tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu khả quan. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 11 năm 2017, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 6,48 triệu tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ, trong đó sản lượng khai thác đạt 3,06 triệu tấn, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 3,42 triệu tấn. Giá trị sản xuất thủy sản đạt 212.360 tỷ đồng, tăng khoảng 6,2% so với năm 2016.
Đáng lưu ý, xuất khẩu thủy sản đến hết tháng 11 đạt 7,57 tỷ USD, tăng đến 18,3% so với cùng kỳ năm 2016. Dự báo giá trị xuất khẩu thủy sản cả năm 2017 ước đạt 8,3 tỷ USD – con số kỷ lục của ngành thủy sản Việt Nam và dẫn đầu nhóm ngành nông lâm thủy sản xuất khẩu.
Trong tháng 11, chăn nuôi trâu, bò không có biến động lớn, gia cầm tiếp tục phát triển ổn định; giá bán thịt lợn vẫn ở mức thấp. Dự báo tăng trưởng ngành chăn nuôi sẽ đạt dưới 2% trong năm nay. Đến nay chưa có địa phương nào ghi nhận có dịch cúm gia cầm và dịch tai xanh trong khi Cục Thú y (Cơ quan Thú y vùng 6) phối hợp với một số tập đoàn lớn vừa nghiên cứu và sản xuất thành công vắc xin lở mồm long móng. Đây là một dấu ấn lớn của ngành thú y Việt Nam.
Về nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ rà soát những nhóm nhiệm vụ năm 2017 để có biện pháp chỉ đạo thực hiện, cố gắng đảm bảo hoàn thành ở mức cao nhất trong điều kiện cho phép. Về văn bản pháp luật, với 3 luật đã được Quốc hội thông qua trong năm 2017 (Luật Thủy lợi, Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản sửa đổi), các đơn vị chỉ đạo rà soát và xây dựng nội dung, kế hoạch triển khai, bao gồm các văn bản hướng dẫn, thực thi Luật, đặc biệt chú ý đến hệ thống quản lý gắn với triển khai nhiệm vụ chuyên môn./.