Tích cực nghiên cứu mở rộng phát triển thị trường xuất khẩu tiềm năng

Bích Thuỷ

Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành sẽ phối hợp chặt chẽ cùng với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam để thực hiện hiệu quả các giải pháp đề ra nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2025.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thông tin của Bộ Công Thương tại Họp báo thường kỳ diễn ra ngày 04/4/2025 nhấn mạnh: “Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam trong nỗ lực xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ; đồng thời, tích cực nghiên cứu mở rộng phát triển những thị trường xuất khẩu tiềm năng khác đối với các doanh nghiệp”.

Tận dụng các hiệp định thương mại tự do sẵn có

Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành sẽ phối hợp chặt chẽ cùng với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam để thực hiện hiệu quả các giải pháp đề ra nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2025.

Trong đó, sẽ tiếp tục tận dụng thế mạnh sẵn có của 17 hiệp định thương mại tự do với trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ cũng như 70 cơ chế hợp tác kinh tế thương mại song phương, Ủy ban liên Chính phủ, Ủy ban hỗn hợp, Ủy ban thực thi các hiệp định thương mại.

 

Trước thông tin áp thuế của Hoa Kỳ đối với nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh và cho rằng cần bình tĩnh, nhìn nhận vấn đề một cách trọn vẹn, bám sát những chủ trương, đường lối của Đảng, của Chính phủ. "Chúng ta sẽ có những giải pháp rất kịp thời để làm sao hóa giải được thách thức này. Bên cạnh đó, chúng ta có thể nhìn một cách tích cực, là có những thách thức nhưng đồng thời với đó thì chúng ta tận dụng thành những cơ hội" - Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.

Đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tiếp tục đẩy mạnh đàm phán các FTA, các thỏa thuận thương mại tại các thị trường như Trung Đông, Mỹ Latin, Nam Á, Trung Á và các thị trường mới nổi khác.

Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, cải thiện cơ sở hạ tầng logistics nhằm giảm chi phí vận chuyển và nâng cao khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp, hàng hóa Việt Nam. Hỗ trợ nâng cao năng lực của doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Việt Nam, đảm bảo thích nghi với thị trường và các xu hướng phát triển.

Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp cũng như cảnh báo sớm và xử lý kịp thời các nguy cơ về các vụ kiện, vụ việc phòng vệ thương mại nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại xảy ra cho Việt Nam.

Bộ Công Thương cũng sẽ kiến nghị với Chính phủ mở rộng hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, để thông qua đó có thể cung cấp thông tin về các cơ hội kinh doanh, phục vụ doanh nghiệp Việt Nam được tốt hơn.

Bộ Công Thương nhận định, là mặc dù phải đối diện với nhiều thách thức, nhưng đây cũng là thời điểm tạo nên cơ hội cho chúng ta để cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh, bền vững, xanh hóa, số hóa dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Thúc đẩy mở rộng thị trường, đa dạng hóa thị trường sản phẩm, đa dạng hóa cho cung ứng, thúc đẩy nội địa hóa, thúc đẩy khai thác thị trường, tài nguyên trong nước.

Doanh nghiệp chủ động theo dõi diễn biến thị trường

Đối với các doanh nghiệp, để giảm thiểu rủi ro từ các biến động thương mại quốc tế, Bộ Công Thương cũng khuyến nghị các doanh nghiệp thực hiện một số biện pháp như: Chủ động theo dõi diễn biến tình hình, cập nhật thông tin thường xuyên về thị trường, chính sách thương mại của các quốc gia để kịp thời điều chỉnh chính sách, chiến lược kinh doanh.

Bộ Công Thương sẽ đồng hành với các doanh nghiệp, cùng cả hệ thống tham tán thương mại ở nước ngoài cũng sẽ đồng hành để thường xuyên cung cấp các thông tin cập nhật cho doanh nghiệp.

 

Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp sẽ giúp cho doanh nghiệp Việt Nam tăng cường khả năng chống chịu trước những biến động của thương mại quốc tế và duy trì tăng trưởng xuất khẩu bền vững.

Tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, khai thác hiệu quả các thị trường trọng điểm, các thị trường truyền thống cũng như phát triển các thị trường nhỏ, thị trường ngách và khai mở những thị trường tiềm năng mới.

Cùng với đó là nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật, lao động, môi trường của các thị trường xuất khẩu nhằm tăng khả năng cạnh tranh, giảm nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Chú trọng kiểm soát xuất xứ nguồn cung nguyên vật liệu để phục vụ sản xuất, đảm bảo tuân thủ các quy tắc xuất xứ trong các FTA để tránh rủi ro liên quan đến gian lận thương mại.

Tăng cường năng lực phòng vệ thương mại, nâng cao nhận thức và khả năng ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại từ nước ngoài thông qua việc thường xuyên cập nhật các thông tin về phòng vệ thương mại. Bộ Công Thương thường xuyên cung cấp thông tin cho doanh nghiệp và tổ chức các lớp đào tạo để hỗ trợ cho doanh nghiệp.