Tiến độ triển khai đầu tư 2 tuyến đường vành đai vẫn chậm

Theo Phạm Tùng/Báo Đồng Nai

Công tác triển khai các bước chuẩn bị đầu tư đối với 2 tuyến đường vành đai 3 và 4 hiện vẫn còn rất chậm; chưa đạt được sự thống nhất giữa Bộ Giao thông Vận tải (GT-VT) và các địa phương có các tuyến đường đi qua làm cơ sở để trình cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý.

Đường vành đai 3 hiện mới chỉ có đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn dài 16,3km được tỉnh Bình Dương đầu tư xây dựng hoàn thành và đưa vào khai thác. Ảnh: P.Tùng
Đường vành đai 3 hiện mới chỉ có đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn dài 16,3km được tỉnh Bình Dương đầu tư xây dựng hoàn thành và đưa vào khai thác. Ảnh: P.Tùng

Tiếp tục thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư đường vành đai 3

2 tuyến đường vành đai 3 và 4 là những trục giao thông quan trọng đóng vai trò liên kết vùng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Dù đã được quy hoạch thực hiện từ lâu, nhưng đến nay 2 tuyến đường này vẫn chưa được triển khai đầu tư xây dựng hoàn thiện.

Do đó, Chính phủ đã đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành đầu tư xây dựng 2 tuyến đường này trong giai đoạn 2021-2025, trong đó đường vành đai 3 được xác định là dự án cấp bách và bắt buộc phải hoàn thành xây dựng trong 4 năm tới.

Để tháo gỡ những khó khăn, nhất là nguồn vốn đầu tư, tháng 4/2021, theo chủ trương của Chính phủ, Bộ GT-VT đã làm việc với các địa phương có các tuyến đường đi qua để bàn bạc thống nhất việc giao UBND các tỉnh, thành phố là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các dự án thành phần theo hướng triển khai tối đa theo phương thức đầu tư đối tác công tư (PPP).

Đồng thời, Bộ GT-VT chịu trách nhiệm hướng dẫn và đôn đốc các địa phương lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án. Tuy nhiên, mới đây Bộ GT-VT đã có chủ trương thay đổi cơ quan thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư đối với dự án Đường vành đai 3.

Đối với dự án Đường vành đai 3, trên địa bàn tỉnh có 2 dự án thành phần gồm 1A và 2A. Trong đó, dự án thành phần 1A dự kiến sẽ được khởi công xây dựng trong quý IV/2021.

Theo Sở GT-VT, vào ngày 11/7 vừa qua, đơn vị và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh (cơ quan được UBND tỉnh giao nhiệm vụ là cơ quan đầu mối của tỉnh tiếp nhận hồ sơ dự án từ Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, Bộ GT-VT) đã tham dự cuộc họp trực tuyến về dự án Đường vành đai 3 do Thứ trưởng Bộ GT-VT Lê Đình Thọ chủ trì làm việc với các tỉnh, thành: Đồng Nai, Bình Dương, Long An, TP. Hồ Chí Minh và Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận.

Tại cuộc họp, Bộ GT-VT đã giao Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận chủ trì, khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi toàn tuyến đường vành đai 3 để trình tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. “Do đó, công tác chuẩn bị đầu tư dự án Đường vành đai 3 sẽ do Bộ GT-VT thực hiện. Sau khi báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được phê duyệt, Bộ GT-VT sẽ xem xét bàn giao các dự án thành phần cho UBND các địa phương có dự án đi qua để triển khai các bước tiếp theo của dự án” - Phó giám đốc Sở GT-VT Nguyễn Bôn cho biết.

Khẩn trương thống nhất phương án triển khai các dự án thành phần

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư các dự án xây dựng 2 tuyến đường vành đai, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo kết luận số 180/TB-VPCP (ngày 9/7) của Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về triển khai các dự án thành phần trên tuyến vành đai 3, vành đai 4.

Theo đó, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố có các tuyến đường đi qua chịu trách nhiệm chủ động kêu gọi, huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng dự án thành phần, trong đó ưu tiên khai thác quỹ đất để tạo vốn.

Đồng thời, Bộ GT-VT và các địa phương khẩn trương thống nhất phương án triển khai các dự án thành phần, theo hướng triển khai tối đa theo phương thức PPP (lưu ý nghiên cứu phương án thu phí tổng hợp trên toàn tuyến và phân bổ đến từng dự án thành phần theo quy định của pháp luật).

Trong quá trình triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, Bộ GT-VT và các địa phương cũng phải lưu ý rà soát điều chỉnh quy hoạch, tích hợp quy hoạch, hướng tuyến phù hợp, tránh đi qua các khu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, khu di tích lịch sử, đường hiện hữu, khu đô thị để giảm chi phí giải phóng mặt bằng.

Đồng thời, đầu tư hệ thống đường song hành, đường gom để khai thác giá trị đất đai, phát triển khu đô thị, cơ sở hạ tầng, du lịch, dịch vụ... Thực hiện đấu giá quỹ đất để tạo vốn đầu tư hạ tầng giao thông. Để thu hồi vốn đầu tư, phương án thu phí các tuyến đường phải thực hiện theo hình thức điện tử không dừng để giảm chi phí đầu tư trạm thu phí, tăng hiệu quả khai thác.

Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cũng yêu cầu các Bộ: KH-ĐT, Tài chính và GT-VT nghiên cứu, xử lý phần kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương để các địa phương triển khai đầu tư dự án theo đúng quy định của pháp luật.

Nghiên cứu cơ chế cho các địa phương vay vốn từ quỹ bảo hiểm xã hội, phương án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương (hoặc trái phiếu Chính phủ theo hình thức cho các địa phương vay lại) và các nguồn vốn khác để UBND các địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và triển khai đầu tư các dự án.