Tiền Giang khai thác hiệu quả vùng động lực công nghiệp

Theo A.P/Báo Ấp Bắc

Tập trung phát triển các vùng động lực được xác định là một trong những nội dung của các khâu đột phá trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh sẽ tập trung khai thác, phát triển có hiệu quả vùng động lực khu vực Gò Công và Đông Nam Tân Phước về công nghiệp.

Một góc Khu công nghiệp tân Hương (huyện Châu Thành) nhìn từ trên cao. Ảnh: Tuấn Lâm
Một góc Khu công nghiệp tân Hương (huyện Châu Thành) nhìn từ trên cao. Ảnh: Tuấn Lâm

Tái cấu trúc

Nhìn trong bức tranh chung của các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long, ngành Công nghiệp của Tiền Giang cũng có bước phát triển nhanh, nhất là sau khi các khu, cụm công nghiệp (CCN) ra đời. Đây là tiền đề rất quan trọng để thu hút các dự án đầu tư.

Chưa kể, Tiền Giang đã và đang quyết tâm tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, tăng cường đối thoại doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Theo đó, thời gian qua việc thực hiện thủ tục đầu tư của Tiền Giang đã được rút ngắn; chưa kể việc liên thông trong giải quyết thủ tục đầu tư - đăng ký kinh doanh, ứng dụng công nghệ thông tin, giải quyết các thủ tục đầu tư kết hợp với dịch vụ công đã giải quyết được rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp so với trước đây. Kết quả cụ thể cho thấy, ngành Công nghiệp của Tiền Giang không ngừng tăng tốc, nhất là đối với các dự án thu hút đầu tư.

Nếu chỉ tính trong giai đoạn 2016 - 2020, Tiền Giang thu hút được 122 dự án, với tổng vốn đầu tư 34.918 tỷ đồng (trong đó có 44 dự án vốn đầu tư nước ngoài FDI, với tổng vốn đầu tư 18.853 tỷ đồng), tăng 23 dự án, vốn đầu tư tăng 70% so với giai đoạn 2011 - 2015. Riêng thu hút đầu tư nước ngoài gấp 2,5 lần so với giai đoạn trước, đến nay trên địa bàn tỉnh có 131 dự án FDI, là tỉnh thu hút vốn đầu tư FDI cao trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy nhiên, cũng như những nét tương đồng của các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long, việc phát triển công nghiệp của Tiền Giang thời gian qua cũng có những hạn chế nhất định. Đó cũng là cơ sở để Đề án Tái cấu trúc ngành Công nghiệp tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 2149 ngày 11/7/2017.

Sau thời gian thực hiện Đề án Tái cấu trúc ngành Công nghiệp, bên cạnh kết quả đạt được cũng cho thấy một số hạn chế của ngành Công nghiệp. Chẳng hạn, đánh giá từ thực tiễn cho thấy, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa có tiềm lực về vốn và trình độ sản xuất, quản lý còn hạn chế, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được sản xuất dùng cho lắp ráp dây chuyền sản xuất, máy móc của chính cơ sở.

Hiện nay, chỉ mới có một vài doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư vào Tiền Giang như: Công ty TNHH Gia công đồng Hải Lượng, Công ty Toyonaga Mekong, Công ty TNHH Công nghiệp đồng Jintan, Công ty TNHH Công nghiệp chính xác JL, Công ty TNHH Nissei Electric Mỹ Tho…, chủ yếu là gia công các sản phẩm linh kiện điện tử, khuôn đúc.

Nhìn chung, phần lớn các doanh nghiệp ngành may mặc của tỉnh phải nhập khẩu nguyên liệu và phụ liệu ngành may hoặc mua từ các tỉnh, thành khác trong nước… Từ những yếu tố này, ngày 31-7-2018 UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 222 triển khai thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2018 - 2025.

Phát triển theo phân vùng kinh tế

Một trong những định hướng đối với lĩnh vực công nghiệp là phát triển theo phân vùng kinh tế của tỉnh. Theo đó, từ năm 2017 đến nay tỉnh tập trung phát triển công nghiệp phù hợp với định hướng phân vùng kinh tế theo Nghị quyết 10 ngày 5/4/2017 và Chương trình hành động 188 ngày 3/6/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ về phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; trong đó chú trọng, tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng các CCN theo hướng tập trung, hiệu quả, bền vững.

Trên cơ sở lợi thế của từng vùng, tỉnh và địa phương sẽ tập trung phát triển các ngành nghề phù hợp để thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp (KCN) Dịch vụ dầu khí Soài Rạp và 4 CCN: CCN Hậu Thành (huyện Cái Bè), CCN Mỹ Phước Tây (TX. Cai Lậy), CCN Tân Lý Đông (huyện Châu Thành) và CCN Thạnh Tân (huyện Tân Phước). Đây là những cụm điểm tại các vùng kinh tế nhằm phát triển năng lực mới cho ngành Công nghiệp của tỉnh như: Vật liệu xây dựng, cơ khí, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, thực phẩm, đồ uống, rau quả đóng hộp... ưu tiên cho doanh nghiệp nhỏ, vừa và di dời các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Trao đổi gần đây, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đình Thông cho biết, trong thời gian tới tỉnh cũng sẽ tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch và có định hướng đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng để phát triển 2 vùng công nghiệp Đông Nam Tân Phước và Gò Công, với các dự án ưu tiên đầu tư: KCN Soài Rạp, KCN Bình Đông, CCN Mỹ Lợi, CCN Gia Thuận 2, CCN Thạnh Tân...

Nhìn ở khía cạnh khác, định hướng phát triển công nghiệp, Tiền Giang sẽ hướng vào mục tiêu đa dạng các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao và duy trì các sản phẩm xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh. Để đạt được mục tiêu này, theo Quyền Giám đốc Sở Công thương Đặng Văn Tuấn, tỉnh sẽ tập trung phát triển hệ thống dịch vụ logistics.

Trước mắt, tỉnh sẽ phát huy lợi thế về vị trí đầu mối - trung chuyển - phát luồng của TP. Mỹ Tho - Châu Thành (thông qua trục giao thông Quốc lộ 1, Quốc lộ 60, đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - TP. Cần Thơ) và TX. Gò Công (thông qua Quốc lộ 50 - hệ thống kinh tế biển) theo các trục hướng tâm TP. Hồ Chí Minh nhằm đa dạng hóa hoạt động thương mại và cải thiện phát triển của khu vực III (thương mại - dịch vụ).

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ chú trọng phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, có giá trị gia tăng cao và khả năng cạnh tranh như tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm; dịch vụ về bưu chính viễn thông; tư vấn, phát triển thị trường bất động sản...

Ngoài ra, theo đồng chí Đặng Văn Tuấn, tỉnh sẽ thu hút đầu tư phát triển dịch vụ logistics và các dịch vụ hỗ trợ cho các hoạt động xuất, nhập khẩu như: Hệ thống kho bảo quản hàng nông sản tại các vùng sản xuất tập trung của tỉnh như: Huyện Chợ Gạo, huyện Cái Bè…; đồng thời, duy trì các sản phẩm xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh: Đẩy mạnh ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 vào sản xuất để gia tăng năng suất, nâng cao hàm lượng khoa học trong sản phẩm.

Từ đó, nâng cao được giá trị gia tăng của sản phẩm; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới thiết bị, công nghệ bằng nguồn vốn của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ tỉnh, Quỹ Khuyến công quốc gia, khuyến công tỉnh; qua đó, chuyển từ sản xuất, xuất khẩu sản phẩm thô sang sản phẩm tinh, sản phẩm thay thế nhập khẩu.

Đánh giá chung cho thấy, tình hình sản xuất công nghiệp của Tiền Giang sau hơn 20 năm phát triển, nếu tính từ khi thành lập KCN Mỹ Tho vào năm 1997, có bước nhảy vọt đáng kể, đóng góp lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cùng với xu hướng chuyển đổi tư duy thu hút đầu tư và với tác động của nhiều yếu tố khác, chỉ số phát triển công nghiệp của tỉnh có phần chững lại.

Theo báo cáo về tình hình triển khai thực hiện Đề án Tái cấu trúc ngành Công nghiệp tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cho thấy, giai đoạn 2017 - 2019 chỉ số sản xuất công nghiệp tuy có tăng nhưng tốc độ tăng qua các năm giảm dần, từ 14,6% năm 2017 giảm xuống còn 11,1% năm 2019.

Nguyên nhân là do những năm gần đây, các khu, CCN cơ bản đã lấp đầy nên không thu hút nhiều dự án có quy mô khá đi vào hoạt động như trong giai đoạn trước. Mặt khác, các ngành Công nghiệp chủ yếu của tỉnh đang có xu hướng bão hòa do đã phát huy hết công suất. Riêng năm 2020, do tác động của nhiều yếu tố trong và ngoài nước, nên chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh chỉ tăng 1,5%. Trên thực tế, nhóm ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, đồ uống vẫn là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu công nghiệp toàn tỉnh, khoảng 60%...