Kế hoạch hành động trung hạn giai đoạn 2016 - 2018:

Tiến tới hệ thống thuế đồng bộ, phù hợp thông lệ quốc tế

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Bộ Tài chính vừa chính thức ban hành Kế hoạch hành động trung hạn giai đoạn 2016 - 2018 (MTAP 2016 - 2018 ) để tiếp tục đưa ra những giải pháp cụ thể hóa việc triển khai thực hiện Chiến lược Tài chính đến 2020.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trong đó, Bộ Tài chính đặt mục tiêu xây dựng một hệ thống thuế đồng bộ, có cơ cấu bền vững, phù hợp với thông lệ quốc tế và có khả năng huy động đầy đủ, chủ động, hợp lý nguồn thu cho NSNN.

Ưu tiên 3 khâu đột phá chiến lược

Mục tiêu của MTAP 2016 - 2018 là tiếp tục góp phần thực hiện mục tiêu tổng quát và 6 nhiệm vụ đã được xác định tại Chiến lược Tài chính đến năm 2020, tập trung vào: Xây dựng nền tài chính quốc gia lành mạnh, đảm bảo giữ vững an ninh tài chính, ổn định kinh tế vĩ mô, tài chính - tiền tệ, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, bảo đảm bình đẳng giới; huy động, quản lý, phân phối và sử dụng các nguồn lực tài chính trong xã hội hiệu quả, công bằng; cải cách hành chính đồng bộ, toàn diện; đảm bảo tính hiệu quả và hiệu lực của công tác quản lý, giám sát tài chính.

Để thực hiện các mục tiêu này, Chiến lược Tài chính đã xác định 3 khâu đột phá, đó là: Thứ nhất, đẩy mạnh việc hoàn thiện thể chế tài chính theo cơ chế thị trường, định hướng XHCN với trọng tâm là nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng các nguồn lực tài chính, nguồn lực từ tài nguyên, đất đai; đưa giá cả hàng hóa và dịch vụ vận hành theo cơ chế thị trường.

Thứ hai, thực hiện có hiệu quả các yêu cầu về tái cơ cấu nền tài chính quốc gia theo hướng nâng cao vai trò điều tiết, định hướng của tài chính nhà nước, tăng cường tiềm lực tài chính dân cư và doanh nghiệp trong đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới cơ bản chính sách tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập để cơ cấu lại chi NSNN, tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương, thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực và ứng dụng khoa học công nghệ.

Thứ ba, đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với hiện đại hóa công nghệ quản lý và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; thực hiện cải cách mạnh mẽ quy trình thủ tục hành chính, hình thành nền tài chính chuyên nghiệp, hiệu quả, hiện đại.

Nâng cao hiệu quả quản lý, thu thuế

Tại kế hoạch này, Bộ Tài chính đã xác định những nhiệm vụ cụ thể để triển khai các nhóm giải pháp chung của Chiến lược Tài chính trong giai đoạn 2016 - 2018.

Về chính sách thuế, phí, lệ phí và thu khác, ngành Tài chính thực hiện nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực tài chính quốc gia. Bộ Tài chính đặt mục tiêu xây dựng một hệ thống thuế đồng bộ, có cơ cấu bền vững, phù hợp với thông lệ quốc tế và có khả năng huy động đầy đủ, chủ động, hợp lý nguồn thu cho NSNN. Mở rộng cơ sở tính thuế, duy trì mức thuế suất hợp lý, đảm bảo công bằng, bình đẳng về thuế giữa các đối tượng nộp thuế; tạo động lực khuyến khích sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, đồng thời bảo hộ hợp lý và có chọn lọc theo mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bộ Tài chính sẽ xây dựng, sửa đổi, bổ sung và thực hiện triển khai hiệu quả Luật thuế Xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp; Luật thuế Thu nhập cá nhân; Luật thuế Giá trị gia tăng; Luật thuế Tài nguyên; chính sách thuế đối với bất động sản;… Đồng thời, thực hiện đơn giản hóa hệ thống chính sách ưu đãi thuế.

Bộ tiếp tục sửa đổi, bổ sung chính sách thu ngân sách nhà nước (NSNN) liên quan đến hoạt động thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên đảm bảo thống nhất, phù hợp với sửa đổi, bổ sung của các văn bản pháp luật có liên quan về quản lý tài nguyên; hoàn thiện cơ chế tài chính nhằm huy động, khai thác nguồn lực từ tài sản công; có cơ chế phù hợp để khai thác tài chính từ nguồn quỹ đất để phát triển cơ sở hạ tầng.

Về quản lý thuế, Bộ Tài chính đề ra giải pháp chính: Đổi mới, hiện đại hóa phương thức quản lý thu NSNN; xây dựng giải pháp, chính sách phù hợp để hạn chế các tác động tiêu cực do giảm thu từ các nguồn tài nguyên, khoáng sản và từ việc cắt giảm hàng rào thuế quan theo các cam kết quốc tế; nhưng đồng thời khuyến khích cạnh tranh, tích tụ vốn cho sản xuất kinh doanh.

Chính sách hướng tới nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế, chống thất thoát, gian lận thuế. Hoàn thiện tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực ngành Thuế; cải cách và hiện đại hóa công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế. Đổi mới và tăng cường năng lực công tác thanh tra, kiểm tra người nộp thuế, công tác quản lý đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế, chế độ kế toán thuế; công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế. Hiện đại hóa công tác quản lý thuế trên cơ sở phát triển hệ thống công nghệ thông tin gắn với hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật; hiện đại hóa cơ sở vật chất ngành Thuế; phát triển Trường Nghiệp vụ thuế.

Một số chỉ tiêu trong MTAP 2016 - 2018

Phát triển nguồn thu, bao quát các nguồn thu mới phát sinh và cơ cấu lại theo hướng tăng nguồn thu nội địa (không kể thu từ dầu thô) đến năm 2020 đạt trên 80% tổng thu NSNN. Tỷ lệ huy động thu NSNN giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 20 - 21% GDP. Tỷ lệ động viên từ thuế, phí và lệ phí khoảng 19% - 20% GDP. Tốc độ tăng trưởng số thu thuế, phí và lệ phí bình quân hàng năm từ 16 - 18%/năm.