Cải cách thủ tục hành chính thuế: Mục tiêu đạt mức ASEAN-4 trong năm 2016

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Bên cạnh việc rà soát, đơn giản hóa các văn bản pháp luật, ngành Thuế sẽ đánh giá lại tình hình thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, công tác giải quyết hồ sơ hoàn thuế, công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, phấn đấu đến hết năm 2016 đạt mức ASEAN-4 về cải cách hành chính thuế.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Triển khai đề án hoàn thuế điện tử

Thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2015 của Chính phủ, ngoài việc giảm giờ, Nghị quyết cũng đặt ra yêu cầu năm 2016 phấn đấu đạt mức ASEAN-4 về cải cách hành chính thuế đối với 3 nhóm chỉ tiêu mới là: Kiểm tra trước hoàn thuế; thực hiện quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thuế; thời hạn và kết quả xử lý những khiếu nại về thuế. Bên cạnh đó, Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 cũng đặt ra nhiệm vụ trọng tâm đối với Tổng cục Thuế là tổ chức triển khai thực hiện hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc. Trong đó cơ quan thuế hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ thực hiện hóa đơn điện tử có xác thực của cơ quan thuế; tiếp tục triển khai dịch vụ nộp thuế qua mạng, hoàn thuế điện tử và phối hợp với các cơ quan liên quan để triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử đối với lĩnh vực đất đai, lệ phí trước bạ, hộ cá nhân.

Với yêu cầu này của Chính phủ, Tổng cục Thuế đã chủ động nghiên cứu phương pháp đánh giá các tiêu chí mở rộng về chỉ số nộp thuế của Ngân hàng Thế giới (WB) đối với các thủ tục hành chính (TTHC) sau kê khai (hoàn thuế, thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại về thuế); đồng thời rà soát các văn bản pháp quy, quy trình nghiệp vụ và TTHC thuế trong đó tập trung rà soát, khảo sát và đánh giá lại tình hình thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, công tác giải quyết hồ sơ hoàn thuế, công tác giải quyết khiếu nại của DN, để năm 2016 phấn đấu đạt mức ASEAN-4 về cải cách hành chính thuế theo 3 nhóm chỉ tiêu như đã đề cập trên đây.

Tổng cục Thuế cũng đang tiếp tục triển khai các ứng dụng về công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu chính sách thuế mới, quy trình quản lý thuế mới và đơn giản hoá TTHC thuế, giảm số giờ tuân thủ về thuế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; triển khai rộng và duy trì hệ thống ứng dụng quản lý thuế xử lý tập trung (TMS); mở rộng khai thuế qua mạng cho các DN, tính đến tháng 4/2016, số DN đăng ký khai qua mạng đạt trên 518.000 DN, đạt hơn 99% số DN đang hoạt động.

Tiếp tục phối hợp với các ngân hàng thương mại và 63 cục thuế triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử, tuyên truyền, vận động DN tham gia sử dụng dịch vụ, kết quả: Tính đến hết tháng 4/2016 đã có trên 495.000 DN đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ và có trên 473.000 DN đã đăng ký sử dụng dịch vụ với ngân hàng thương mại.

Ông Nguyễn Đại Trí - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, hiện Tổng cục Thuế đang hoàn thiện Quy trình hoàn thuế điện tử, đồng thời xây dựng kế hoạch triển khai đề án hoàn thuế điện tử, phấn đấu hết năm 2016 thực hiện hoàn thuế điện tử ở cấp độ 4 (tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế và trả kết quả hoàn thuế bằng phương thức điện tử qua mạng) tối thiểu đạt 95%.

Quản lý thuế theo phương pháp quản lý rủi ro

Ngoài ứng dụng TMS đã triển khai ở 63 cục thuế trên cả nước, hiện Tổng cục Thuế đang nâng cấp ứng dụng khai thác và tập trung thông tin người nộp thuế (TPH), đáp ứng tập trung và khai thác dữ liệu hộ kinh doanh, phấn đấu hết năm 2016 hoàn thành tổ chức lựa chọn đối tác và nâng cấp ứng dụng khai thác và tập trung thông tin người nộp thuế, đáp ứng tập trung và khai thác dữ liệu hộ kinh doanh. Ngoài ra, Tổng cục Thuế cũng đang tiến hành nâng cấp và triển khai ứng dụng phân tích rủi ro (TPR), đáp ứng yêu cầu phân tích dữ liệu của cá nhân kinh doanh, làm cơ sở ấn định doanh số và tiếp tục nâng cấp ứng dụng tích hợp thông tin giữa các cấp và các đơn vị bên ngoài.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế tiếp tục hoàn thiện quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế đối với DN. Ông Bùi Khánh Toàn - Trưởng Ban quản lý rủi ro (Tổng cục Thuế) cho biết, Tổng cục đang xây dựng đề cương chung cho 8 bộ tiêu chí quản lý rủi ro theo Thông tư số 204 quy định về việc áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế. “Chúng tôi đã chủ động nghiên cứu, học hỏi ngành Hải quan về việc quản lý theo phương pháp quản lý rủi ro, đồng thời nghiên cứu tài liệu quốc tế, làm việc với chuyên gia Công ty Tài chính quốc tế (IFC), WB về xây dựng bộ tiêu chí rủi ro trong quản lý thuế”, ông Toàn cho hay.

Để việc cải cách TTHC thuế đi vào thực chất, tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế, Tổng cục Thuế cũng đã xây dựng cơ chế đánh giá của người nộp thuế đối với thể chế chính sách, chất lượng quản lý của cơ quan thuế và cán bộ thuế. Theo báo cáo, trong quý I/2016, Tổng cục Thuế đã xây dựng Kế hoạch điều tra xã hội học đánh giá sự hài lòng của người nộp thuế và xây dựng Kế hoạch khảo sát đánh giá sự hài lòng người nộp thuế tại một số địa phương; đã tổ chức khảo sát thực tế và tổ chức hội thảo lấy ý kiến DN về chi phí tuân thủ thuế, tổng hợp những vướng mắc, bất cập về cơ chế chính sách, TTHC thuế, quy trình nghiệp vụ quản lý thuế.

Cùng với việc ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử. Đến nay, Tổng cục Thuế đã tiến hành tổng kết và đánh giá tình hình triển khai hóa đơn điện tử có xác thực cho 200 DN tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Ông Phạm Quang Toàn - Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin cho biết, hiện Tổng cục Thuế đang xây dựng các quy trình nghiệp vụ cơ bản phục vụ việc triển khai mở rộng hệ thống hóa đơn điện tử cho các DN, tổ chức trên toàn quốc; tổ chức làm việc với Cục Thuế TP.Hà Nội, Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh để trao đổi quy trình nghiệp vụ quản lý hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế; xây dựng các yêu cầu về hệ thống, hạ tầng, an toàn thông tin, cơ sở dữ liệu, vận hành, giám sát phục vụ việc thuê dịch vụ hóa đơn điện tử.