Tiến trình hình thành cộng đồng kinh tế Asean và sự vai trò của Việt Nam
(Taichinh) - Việc xây dựng thành công AEC sẽ là tiền đề quan trọng để đưa vai trò của ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng lên một tầm cao mới.
Tiến trình hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN
Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) là một trong 3 trụ cột chính của Cộng đồng ASEAN, bao gồm Cộng đồng Chính trị - An ninh (APSC), Cộng đồng Kinh tế (AEC) và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội (ASCC), nằm trong Lộ trình và Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.
Tháng 10/2003, tại Hội nghị thượng định ASEAN lần thứ IX( Bali, Indonesian) được sự đồng thuận của các nguyên thủ quốc gia khu vực đã nhất trí thành lập Cộng đồng ASEAN (AC) vào năm 2020 dựa trên kế hoạch kết nối 12 lĩnh vực ưu tiên mà ASEAN đã có lợi thế cạnh tranh bao gồm: nông nghiệp, gỗ và sản phẩm gỗ, dệt may, điện tử, cao su, ôtô, giày dép, du lịch, vận tải hàng không và logistics.
Trong bối cảnh quốc tế, khu vực thay đổ nhanh chóng, tháng 1/2007, Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ XII (Cebu, Philippines) đã nhất trí rút ngắn lộ trình xây dựng AC vào năm 2015 và đưa ra Kế hoạch Tổng thể AEC tháng 1/2008 tại hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ XIII (Singapore) nhằm hiện thực hóa AEC vào năm 2015.
Theo kế hoạch, từ năm 2015, AEC sẽ là một thị trường chung, một không gian sản xuất thống nhất. Thị trường ấy sẽ phát huy lợi thế chung của khu vực ASEAN để từng bước xây dựng một khu vực năng động, có tính cạnh tranh cao trên thế giới, đem lại sự thịnh vượng chung cho nhân dân và các quốc gia ASEAN.
Hàng hóa, dịch vụ, vốn, công nghệ và lao động có tay nghề sẽ được tự do lưu chuyển trong ASEAN mà không chịu bất cứ hàng rào hay sự phân biệt đối xử nào. AEC có thể tạo nên sự liên kết chuỗi giữa các doanh nghiệp ASEAN, đóng góp vào việc xây dựng năng lực cạnh tranh của ASEAN với thế giới, từ đó góp phần giảm khoảng cách giàu nghèo, khoảng cách phát triển và thúc đẩy ổn định xã hội.
Lộ trình chiến lược và Kế hoạch tổng thể thực hiện AEC đề cập đến hàng trăm biện pháp thuộc các lĩnh vực từ thuế quan, các biện pháp phi thuế, thủ tục hải quan, chính sách cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, dịch vụ, đầu tư đến các vấn đề môi trường, lao động, phát triển nguồn nhân lực.
Thành tựu đáng kể nhất trong xây dựng AEC tới nay là ASEAN đã cơ bản giảm được thuế quan cho các mặt hàng trong danh sách giảm thuế về từ 0 - 5% từ năm 2010 đối với 6 nước thành viên ban đầu (Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Brunei) và vào năm 2015 với 4 nước thành viên mới (Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar), hình thành nên một thị trường mở không còn các rào cản thuế quan đối với hàng hóa.
Các nước ASEAN đã thực hiện được 82,1% các biện pháp ưu tiên đề ra năm 2013 theo Chương trình Nghị sự Phnôm Pênh 2012 nhằm xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) 2015. Trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, các nước ASEAN đạt được việc xóa bỏ thuế nhập khẩu với mức bình quân 89% biểu thuế về mức 0%.
Các nội dung hợp tác khác như xóa bỏ hàng rào phi thuế quan, dự án thí điểm tự chứng nhận xuất xứ, cơ sở dữ liệu thương mại ASEAN, Cơ chế hải quan một cửa, hệ thống quá cảnh hải quan, hài hòa hóa các tiêu chuẩn, v.v. cũng đạt được nhiều tiến triển tích cực. Để tiến tới Cộng đồng Kinh tế ASEAN, không thể không quan tâm tới tình hình hợp tác trong các lĩnh vực sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, kết nối, phát triển hạ tầng, doanh nghiệp vừa và nhỏ… vì tầm quan trọng của hợp tác công - tư trong 4 tiến trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN là rất cần thiết.
Chính vì vậy, ASEAN luôn chú ý lắng nghe ý kiến của Cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực thông qua các hoạt động như Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh ASEAN-Hoa Kỳ, các phiên tham vấn giữa các Bộ trưởng với Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN (ABAC) và Hội đồng kinh doanh EU-ASEAN (EABC).
Bên cạnh đó, nhằm liên kết chặt chẽ về kinh tế, ASEAN đang nỗ lực hoàn thành đầy đủ các cam kết trong khuôn khổ xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN cũng như tăng cường năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế thành viên. Cộng đồng Kinh tế ASEAN cần trở thành vòng tròn trung tâm kết nối các vòng cung kinh tế với các đối tác thông qua các khuôn khổ FTA, ASEAN+1.
Tăng cường hội nhập kinh tế, thông qua việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN là định hướng thiết thực nhằm xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh. Vì vậy, lợi ích của hội nhập kinh tế quốc tế và hội nhập sâu sắc hơn trong khối ASEAN sẽ không chỉ phụ thuộc vào vai trò định hướng của Nhà nước, mà yếu tố then chốt quyết định thành công là sự chủ động tham gia của cộng đồng doanh nghiệp. Việc xây dựng thành công AEC sẽ là tiền đề quan trọng để đưa vai trò của ASEAN lên một tầm cao mới.
Việt Nam trong tiến trình hội nhập AEC
Chủ động và tích cực hội nhập khu vực ASEAN luôn là chính sách nhất quán của Việt Nam trong những năm qua, điều này được thể hiện qua việc ASEAN luôn là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Cùng với Hoa Kỳ và liên minh châu Âu (EU), ASEAN là thị trường xuất khẩu hàng hóa quan trọng của các doanh nghiệp Việt Nam.
Trong vòng 1 thập kỷ qua, kim ngạch thương mại Việt Nam và ASEAN đã tăng gần 4 lần, từ khoảng 9 tỷ USD năm 2003 lên đến gần 40 tỷ USD vào năm 2013. Những năm gần đây, ASEAN liên tục thuộc nhóm các thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam.
Năm 2013, ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam, chỉ đứng sau Mỹ và EU, với kim ngạch 18,47 tỷ USD, tăng 4,4% so với năm trước đó. Về đầu tư, các dự án có xuất xứ từ ASEAN hoặc thông qua ASEAN ngày một gia tăng. Đồng thời, ASEAN cũng là thị trường đầu tư chủ yếu của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian qua.
Tính từ thời điểm này ( tháng 6/2015) chỉ còn gần nửa năm nữa AEC sẽ chính thức đi vào hoạt động. Vì vậy, việc hoàn thành các cam kết xây dựng AEC đang được các nước thành viên ASEAN nỗ lực triển khai thực hiện. Việt Nam được đánh giá là nước đứng thứ hai trong việc hoàn thành các cam kết này vì đã đạt được trên 90% khối lượng công việc chỉ sau Singapore.
Ngoài ra, Việt Nam còn dẫn đầu đưa dòng thuế về 0%. Theo thống kê, cho đến nay khoảng 90% dòng thuế Việt Nam đã về 0% và từ nay đến 2018, Việt Nam đưa tiếp 7% các dòng thuế về 0%. Điều này cho thấy mặc dù trong bối cảnh còn nhiều khó khăn và sự chênh lệch giữa Việt Nam và 6 thành viên cũ của ASEAN còn khá lớn, nhưng với nỗ lực, quyết tâm hội nhập sâu vào kinh tế khu vực và thế giới, Việt Nam đã khắc phục khó khăn, phấn đấu đạt tỉ lệ cao… và được các nước ASEAN khác đánh giá cao.
Bên cạnh đó, hải quan điện tử là một nội dung quan trọng đang được thực hiện nhằm các mục tiêu trên. Việc thực hiện thủ tục hải quan điện tử ở Việt Nam về cơ bản đã đạt được các mục tiêu như rút ngắn thời gian thông quan, và giảm các yêu cầu về các giấy tờ kê khai. Việt Nam cũng đang xây dựng chương trình Một cửa quốc gia (Vietnam's National Single Window - VNSW) nhằm tạo thuận lợi tối đa cho thương mại.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đang nỗ lực đơn giản hoá hệ thống các giấy phép, giấy chứng nhận bao gồm giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, giấy chứng nhận xuất xứ (C/O), giấy chứng nhận vệ sinh kiểm dịch, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.
Các nỗ lực này thể hiện qua hệ thống eCoSys (hệ thống xin cấp C/O qua mạng) cũng như việc cấp phép nhập khẩu tự động. Hướng tới tự do hóa dịch vụ, Việt Nam đã tiến hành sửa đổi một số Luật liên quan như Luật đầu tư, Luật Thương mại, Luật doanh nghiệp và ban hành nhiều Nghị định, văn bản hướng dẫn các Luật này.
Để thực hiện trụ cột 2 của AEC, Việt Nam đã sửa đổi và ban hành mới các chính sách để thực hiện các cam kết trong từng ngành cụ thể, điển hình là trong các ngành dịch vụ phân phối, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, viễn thông để phù hợp với các cam kết trong hiệp định khung ASEAN về dịch vụ(AFAS) cũng như GATS.
Đối với các ngành ưu tiên gồm y tế, du lịch, logistics, e-ASEAN và hàng không, Việt Nam cũng đã tuân thủ nghiêm túc các cam kết và tích cực tham gia vào các hiệp định liên quan. Hiện tại, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có Luật cạnh tranh khá toàn diện áp dụng cho cả nền kinh tế và có các cơ quan giám sát thực hiện luật này cùng với Indonesia, Singapore và Thái Lan...