Tiếp tục đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư chứng khoán trong nước
Theo Quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, Việt Nam sẽ tiếp tục đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư trong nước gắn với mục tiêu số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán đạt 11 triệu tài khoản vào năm 2030.
Giới trẻ ngày càng quan tâm đến kênh đầu tư chứng khoán
Theo số liệu của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC), tại ngày 31/10/2024, số lượng tài khoản giao dịch trong nước là 8.974.216 tài khoản, trong đó: Số lượng tài khoản giao dịch của nhà đầu tư cá nhân là 8.956.724 tài khoản; Số lượng tài khoản giao dịch của nhà đầu tư tổ chức là 17.492 tài khoản. Theo các chuyên gia chứng khoán, tỷ lệ nhà đầu tư mới tham gia thị trường là tín hiệu đáng mừng, thể hiện sự quan tâm của người dân và sự lớn mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Ông Trương Hiền Phương – Giám đốc Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam nhận định, nhu cầu đầu tư, cũng như là mong muốn tìm kiếm cơ hội để tăng thu nhập của các bạn trẻ hiện nay rất lớn với sự chủ động và nhạy bén hơn. Mặc dù nguồn vốn của các bạn trẻ chưa cao, nhưng vẫn có thể tham gia thị trường chứng khoán, như một kênh đầu tư để kiếm thêm thu nhập. Thực tế cũng cho thấy, số lượng nhà đầu tư GenZ (những người sinh từ năm 1995 đến năm 2012) muốn tham gia thị trường, mở tài khoản nhiều hơn.
Bên cạnh đó, thời gian qua, các công ty chứng khoán liên tục tổ chức nhiều lớp học, các buổi hội thảo về phương pháp đầu tư, kiến thức chuyên môn lĩnh vực chứng khoán, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về thị trường. Điều này khiến cho các nhà đầu tư chứng khoán, đặc biệt là giới trẻ cảm thấy thích thú tìm kiếm cơ hội tăng thu nhập qua kênh chứng khoán.
Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là tỷ trọng nhà đầu tư vẫn chiếm quá lớn, khiến thị trường chứng khoán luôn phụ thuộc vào diễn biến tâm lý nhà đầu tư. Trong khi đó, các nhà đầu tư tổ chức chiếm tỷ lệ nhỏ đặc biệt là thiếu vắng các nhà đầu tư dài hạn có tiềm lực tài chính mạnh cũng đã ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của thị trường.
Kinh nghiệm của các thị trường chứng khoán hàng đầu trên thế giới cho thấy, nhà đầu tư mới cần được trang bị kiến thức về tài chính, phân tích thị trường và cách quản lý rủi ro. Hơn nữa, nếu không có kiến thức cơ bản và các chiến lược đầu tư đúng đắn, nhà đầu tư dễ dàng rơi vào các cạm bẫy thị trường, gây ra các tổn thất không đáng có. Đặc biệt, hành động của cảm tính hoặc bầy đàn của nhà đầu tư cũng gây ra những diễn biến tiêu cực trên thị trường.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thị trường chứng khoán sẽ thiếu đi gia vị hấp dẫn nếu vắng bóng nhà đầu tư cá nhân. Do vậy, cần khuyến khích nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường thông qua các sản phẩm đầu tư an toàn, như: Các quỹ ETF và quỹ đầu tư mở, để giảm thiểu rủi ro và gia tăng lợi ích cho nhà đầu tư dài hạn.
Giải pháp hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030
Hiện nay, theo Quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, Chính phủ đặt ra một trong những mục tiêu chính đến năm 2030 là “Số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đạt 9 triệu tài khoản vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030”.
Để hiện thực hóa mục tiêu trong Chiến lược này, Chính phủ cũng đề ra nhiệm vụ tiếp tục đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư trong nước. Theo đó, phát triển các nhà đầu tư tổ chức trong nước trong đó chú trọng phát triển các loại hình quỹ đầu tư chứng khoán; nghiên cứu xây dựng các văn bản pháp luật đối với loại hình quỹ đầu tư vào thị trường tiền tệ (money market funds), các loại hình chứng chỉ quỹ ETF phức hợp (leverage/inverse ETF), quỹ của quỹ (fund of funds)... phù hợp với trình độ phát triển của thị trường chứng khoán, hướng tới cơ cấu hợp lý giữa nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư tổ chức, giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển theo hướng bền vững.
Bên cạnh đó, đa dạng hóa kênh phân phối chứng chỉ quỹ; khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán thông qua các loại hình quỹ đầu tư, đặc biệt là quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện nhằm thúc đẩy phát triển chương trình hưu trí tự nguyện tại Việt Nam.
Nghiên cứu các giải pháp khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm tham gia đầu tư trên thị trường sơ cấp và thứ cấp trái phiếu Chính phủ, mở rộng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp có xếp hạng tín nhiệm, trái phiếu niêm yết, cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết phù hợp quy định pháp luật và nguyên tắc, mục tiêu đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm. Đồng thời, nghiên cứu các giải pháp thu hút nhà đầu tư tổ chức và cá nhân tham gia đầu tư vào các công cụ tài chính xanh phù hợp với quy định pháp luật.
Theo số liệu của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam, tại ngày 31/10/2024, số lượng tài khoản giao dịch trong nước là 8.974.216 tài khoản, trong đó: Số lượng tài khoản giao dịch của nhà đầu tư cá nhân là 8.956.724 tài khoản; Số lượng tài khoản giao dịch của nhà đầu tư tổ chức là 17.492 tài khoản.