Tiếp tục tăng “chất” cho GDP
Mục tiêu của Chính phủ trong năm 2013 là tổng vốn đầu tư toàn xã hội chỉ bằng 30% GDP. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 12%. Trong đó, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2013 đặt ra mức 5,5%, cho thấy tăng trưởng GDP tiếp tục được nâng chất.
Kết thúc năm 2012 với mức tăng trưởng kinh tế (GDP) 5,03% và nếu tính theo thời giá 2010 thì mức tăng là 5,2%. Mặc dù GDP không đạt được đúng với kế hoạch đề ra nhưng theo đánh giá của một số chuyên gia kinh tế thì kết quả này có thể chấp nhận được.
Bình luận về vấn đề trên, TS. Cao Sỹ Kiêm – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho rằng, mức tăng trưởng trên được xem là phù hợp. Bởi nếu chúng ta cố đẩy tăng trưởng lên mà không quan tâm chất lượng tăng trưởng sẽ dẫn đến những bất ổn vĩ mô, thâm hụt ngân sách và lạm phát tăng cao. “Nếu tăng trưởng cao mà là tăng ảo bằng việc bơm vốn vào các công trình để lấy kết quả mà không có hiệu quả thì nền kinh tế sẽ mất nhiều hơn được”, TS. Cao Sỹ Kiêm nhấn mạnh.
Tăng trưởng có hướng vào chất lượng hay không còn được chứng minh qua nguồn vốn đầu tư. Nói nôm na là vốn đầu tư so với GDP giảm nhưng đi vào chất lượng, hiệu quả đầu tư. Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), số vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện năm 2012 theo giá hiện hành ước tính đạt 989,3 nghìn tỷ đồng, tăng 7% so với năm trước và bằng 33,5% GDP, đây là năm có tỷ trọng vốn đầu tư so với GDP đạt thấp nhất kể từ năm 2000 trở lại đây. Vốn đầu tư toàn xã hội giảm nhưng nền kinh tế ổn định hơn, vẫn duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý.
Còn theo một chuyên gia trong ngành Ngân hàng, để đánh giá, nhìn nhận chất lượng nền kinh tế, ngoài việc nhìn vào tổng đầu tư toàn xã hội có thể nhìn vào mức tăng trưởng tín dụng. Kể từ năm 2011 trở về trước, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng bao giờ cũng cao hơn 5 – 6 lần tăng trưởng GDP (trung bình tăng trưởng tín dụng 5 năm gần đây là 33% và 10 năm gần đây là 29,4%), trong khi đó, tăng trưởng GDP cũng chỉ dao động xung quanh mức 5 – 8%.
Ví dụ, năm 2009 tăng trưởng tín dụng đạt mức “khủng” là 37,73% nhưng tăng trưởng GDP cũng chỉ đạt 5,32% hay thấp hơn một chút, năm 2010 tăng trưởng tín dụng 27,65% nhưng GDP cũng chỉ đạt 6,78%. Trước bối cảnh lạm phát luôn ở mức cao, kinh tế vĩ mô thiếu ổn định, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/2011/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Và cũng bắt đầu từ năm 2011, tăng trưởng tín dụng thấp dần với mức tăng cả năm là 15%.
Như vậy, tăng trưởng tín dụng chỉ cao hơn 2 lần GDP (GDP đạt 5,89%). Nhìn nhận về vấn đề này, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho rằng, lượng vốn giảm đi mà vẫn đảm bảo tăng trưởng kinh tế, cho thấy hiệu quả và chất lượng của vốn tín dụng cho nền kinh tế đã cao hơn. Nhìn nhận này lại tiếp tục được chứng minh qua năm 2012 khi tín dụng chỉ tăng 8,91%, trong khi tăng trưởng GDP vẫn đạt mức 5,03%.
Mục tiêu của Chính phủ trong năm 2013 là tổng vốn đầu tư toàn xã hội chỉ bằng 30% GDP. NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 12%. Trong đó, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2013 đặt ra mức 5,5%, cho thấy tăng trưởng GDP tiếp tục được nâng chất.
Tại hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2013 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, năm 2012 cơ cấu GDP tăng cả ở 3 khu vực: công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Đặc biệt, nông nghiệp vẫn đóng góp khoảng 21% GDP, trong đó có đóng góp của tín dụng lĩnh vực này. Riêng khu vực công nghiệp (động lực chính cho tăng trưởng) tuy mức tăng còn thấp nhưng quý sau cao hơn quý trước, tạo đà cho năm 2013 tăng trưởng GDP tốt hơn.