Tiếp tục thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển
Đây là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể và tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 diễn ra ngày 15/2.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã là thành phần kinh tế quan trọng, luôn được Đảng, Nhà nước khuyến khích và phát triển.
Hợp tác xã ở Việt Nam đã được hình thành và phát triển qua các thời kỳ với những bước thăng trầm của lịch sử, các hợp tác xã đã vượt qua khó khăn, thử thách, có những đóng góp to lớn và quan trọng vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đánh giá về thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, trong 20 năm qua các cấp, các ngành đã triển khai nghiêm túc, từ việc học tập, quán triệt và thể chế hóa, đến việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ mà Nghị quyết đề ra.
Đã có 100% các tỉnh, thành phố ban hành đề án, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết và kế hoạch phát triển kinh tế tập thể theo từng giai đoạn. Nhận thức của hệ thống chính trị và người dân về hợp tác xã kiểu mới được nâng lên, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Việt Nam đã cơ bản xây dựng, ban hành hệ thống quy định pháp luật và cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã theo yêu cầu của Nghị quyết và tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với thực tế của từng giai đoạn phát triển...
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong thời gian tới, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang phát triển mạnh mẽ, kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất hàng hóa phi tiêu chuẩn không có chỗ đứng, không có khả năng cạnh tranh và không thể tồn tại. Vì vậy, hợp tác là con đường tất yếu để cùng phát triển.
Trong bối cảnh đó, để tiếp tục thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung triển khai 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, chú trọng đến nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách phù hợp với diễn biến mới và thực tiễn tại Việt Nam; Tiếp tục tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách trên cơ sở tôn trọng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, đồng thời huy động mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đẩy mạnh hợp tác công - tư...