Tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn

Việt Hoàng

Sáng ngày 01/12, Chính phủ tổ chức phiên họp thường kỳ tập trung thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2022; tình hình thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tình hình giải ngân vốn đầu tư công 11 tháng năm 2022...

Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11
Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, qua 11 tháng của năm 2022, tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường với các yếu tố rủi ro ngày càng gia tăng, tác động lớn trên quy mô toàn cầu. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, sâu sắc; xung đột Nga-Ukraine kéo dài.

Bên cạnh đó là các thách thức lớn về lạm phát toàn cầu cao; Lãi suất tăng cao, chính sách tiền tệ thắt chặt tại nhiều quốc gia; đồng USD tăng giá và nhiều đồng tiền tiếp tục mất giá; Tình hình sản xuất kinh doanh suy giảm, thất nghiệp gia tăng, nhiều thị trường lớn có xu hướng thu hẹp; Rủi ro tài chính, tiền tệ, bất động sản, nguy cơ mất an ninh năng lượng, lương thực gia tăng. Một số quốc gia có dấu hiệu rơi vào suy thoái kinh tế. Các tổ chức quốc tế hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới và nhiều nền kinh tế lớn trong năm 2022-2023...

Trong nước, quy mô nền kinh tế nước ta còn khiêm tốn, có độ mở lớn, sức chống chịu và khả năng thích ứng còn hạn chế, chịu ảnh hưởng lớn trước các biến động của thế giới.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết tâm chấn chỉnh hoạt động của một số thị trường để các thị trường này hoạt động đúng bản chất, lành mạnh, an toàn, công khai, minh bạch, bền vững. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quyết tâm chấn chỉnh các thị trường này, "không làm không được", xử lý người sai bảo vệ người đúng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp. 

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp. Nỗ lực thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên; tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài; ứng phó kịp thời những vấn đề mới phát sinh... 

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác về thanh khoản, tiền tệ, vốn do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm Tổ trưởng; Tổ công tác về thị trường bất động sản do Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm Tổ trưởng; Tổ công tác về trái phiếu doanh nghiệp do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm Tổ trưởng; giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp tục trực tiếp chỉ đạo xử lý tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên xử lý các vấn đề liên quan tới xăng dầu.

Theo Thủ tướng, với các nhiệm vụ, giải pháp nói trên và cùng với các biện pháp khác, chúng ta đã kiểm soát được tình hình, qua 11 tháng của năm 2022, tình hình kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn. 

Trong tháng còn lại của năm 2022 cũng như năm tiếp theo, xác định tiếp tục sẽ có nhiều khó khăn, phức tạp, nhất là do tác động từ bên ngoài, Chính phủ, Thủ tướng chính phủ yêu cầu các cấp các ngành tiếp tục nắm chắc tình hình, rút kinh nghiệm quản lý, điều hành để tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, nhất là trong tháng 12 để hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu Quốc hội giao.

Đặc biệt, tiếp tục xử lý các vấn đề nổi lên như khắc phục triệt để tình trạng thiếu xăng dầu, thuốc, vật tư y tế, thúc đẩy tiêm chủng…; phát triển các loại trị trường hoạt động an toàn, lành mạnh, bền vững; không để thiếu hụt và ổn định giá cả các loại hàng hóa; nỗ lực khắc phục triệt để thiếu xăng dầu, thuốc, sinh phẩm; không thể thiếu mặt hàng thiết yếu, không để tăng giá dịp Tết...