Tìm đâu "thần dược" mới cho nền kinh tế toàn cầu?
Bước sang năm 2016, những “gạch đầu dòng” về lo ngại đối với nền kinh tế toàn cầu ngày càng dài thêm. Nhiều thị trường mới nổi đang chật vật với núi nợ khổng lồ, tăng trưởng ì ạch, đồng tiền mất giá và lạm phát tăng cao, mà Trung Quốc chính là "tâm điểm" của nỗi sợ.
Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ vẫn chưa đủ mạnh để tiếp sức cho nền kinh tế toàn cầu.
Thị trường chứng khoán toàn cầu kể từ đầu năm vẫn chìm trong sắc đỏ. Vàng – nơi “trú ngụ” an toàn trong thời kỳ khủng hoảng – đã có một sự khởi động năm mới khả quan nhất trong vòng hơn 3 thập kỷ qua. Chi phí bảo hiểm cho các vụ vỡ nợ ngân hàng đang tăng lên một cách chóng mặt.
Nỗi sợ bao trùm đằng sau tất cả những vấn đề trên chính là lo ngại rằng những “vũ khí” của các quốc gia phát triển để đối phó với sự “suy nhược” của nền kinh tế đã không còn phát huy tác dụng.
Kể từ cuộc khủng hoảng 2007-08, nhiệm vụ kích thích nhu cầu đã bị đẩy sang đôi vai của các ngân hàng trung ương. Và các ngân hàng trung ương, trên thực tế, đã chứng tỏ được “quyền lực” của mình. Minh chứng rõ ràng nhất cho quyền lực của ngân hàng trung ương là khi ông Mario Draghi lên đảm nhiệm vị trí Thống đốc Ngân hàng Trung ương Châu Âu năm 2012 với tuyên bố sẽ làm tất cả để cứu đồng euro, ngay sau đó, thị trường trái phiếu đã tăng điểm và lo ngại về một cuộc khủng hoảng cũng dịu dần.
Tuy nhiên, đó chỉ là những tác động tạm thời. Phục hồi vẫn còn rất mong manh và lạm phát vẫn duy trì ở mức thấp, bất chấp những nỗ lực dường như đã quá sức của các ngân hàng trung ương.
Niềm tin vào các chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương. Trước đây, các ngân hàng trung ương luôn thành công trong việc củng cố niềm tin, ngày nay,dường như họ gieo sự sợ hãi. Việc áp dụng lãi suất âm ở Châu Âu và Nhật Bản đã làm dấy lên nỗi lo lắng về doanh thu của ngân hàng, đẩy giá cố phiếu xuống thấp. Các chương trình nới lỏng định lượng (QE bằng cách in tiền để mua trái phiếu) đã dẫn đến những núi nợ ở các thị trường mới nổi. Tăng trưởng tín dụng vẫn ảm đạm.
Các nhà đầu tư băn khoăn rằng liệu nền kinh tế thế giới có đang bị kéo trở lại suy thoái và các nhà hoạch định chính sách dường như không còn “thần dược” nào ngăn chặn suy thoái quay trở lại.
Giả sử, suy thoái lại xảy ra, các nhà hoạch định chính sách sẽ không còn nhiều lựa chọn để cứu nền kinh tế. Lãi suất ngắn hạn trên thực tế đã ở mức gần 0% ở hầu hết các quốc gia phát triển. Việc áp dụng QE cũng có giới hạn. Cắt giảm thuế hay tăng đầu tư công có thể phát huy tác dụng, nhưng các nhà đầu tư cho rằng biện pháp này sẽ khó áp dụng do tỷ lệ nợ công của nhiều quốc gia hiện đã ở mức rất cao. Tỷ lệ nợ công của Mỹ đã tăng từ 64% GDP năm 2008 lên 104% năm 2015, ở khu vực đồng tiền chung Châu Âu từ 66% lên 93% và ở Nhật Bản từ 176% lên 237%.
Tin tốt là vẫn còn nhiều dư địa chính sách để “sốc” lại nền kinh tế khỏi tăng trưởng ì ạch và lạm phát ảm đạm. Tuy nhiên, các ngân hàng trung ương cần sự giúp đỡ từ phía chính phủ. Hiện nay, gánh nặng trên đôi vai của các ngân hàng trung ương quá nặng nề bởi vì sự “né tránh” của chính phủ. Thậm chí, nhiều chính phủ còn thực hiện “thắt lưng buộc bụng” đi ngược lại với các chính sách kích thích tiền tệ.
Đã đến lúc các chính phủ cần “san sẻ” trách nhiệm trong cuộc chiến chống lại “căn bệnh” kinh tế với các ngân hàng trung ương.
Một trong những biện pháp có thể được áp dụng chính là “helicopter drop” – cách kích thích kinh tế thông qua in tiền và đưa trực tiếp đến ví của người dân mà không phải đến ngân hàng hoặc thị trường tài chính như các gói QE, nhằm mục đích kích thích chi tiêu.
Một chính sách khác để kích thích tiêu dùng chính là giảm thuế và điều chỉnh tiền lương.
Tuy nhiên, các biện pháp trên đều tiềm ẩn rủi ro. Biện pháp helicopter drop không được nhiều người ủng hộ. Chính sách về thu nhập cũng tồn tại nhiều vấn đề. Tuy nhiên, nếu như các quốc gia phát triển vẫn mắc kẹt trong giảm phát, thì việc áp dụng các biện pháp “cực đoan” là một khả năng hoàn toàn có thể xảy ra.
Các chính phủ có thể tận dụng công cụ ít rủi ro hơn, đó chính là chính sách tài khóa linh hoạt kết hợp với tái cấu trúc.
Điều quan trọng chính là các ngân hàng trung ương nâng cao được hiệu quả chính sách của mình và các chính phủ đưa ra những biện pháp mạnh mẽ.