Đầu tư tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng mạnh

PV.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đầu tư tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đã liên tục tăng mạnh trong những năm gần đây, cơ bản đáp ứng được nhu cầu về vốn, phục vụ sản xuất kinh doanh của các DNNVV.

 Trên 200 nghìn doanh nhiệp nhỏ và vừa có dư nợ tại ngân hàng

Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), tính đến 31/8/2017, dư nợ tín dụng đối với DNNVV đạt 1.292.182 tỷ đồng, tăng 7,49% so với cuối năm 2016, cao hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2016 và chiếm tỷ trọng 21,14% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.

Như vậy, đầu tư tín dụng đối với DNNVV đã liên tục tăng mạnh trong những năm gần đây, cơ bản đáp ứng được nhu cầu về vốn, phục vụ sản xuất kinh doanh của các DNNVV đủ điều kiện vay vốn ngân hàng.

Thống kê cho thấy, hiện nay có trên 200.000 DNNVV đang có dư nợ tại các tổ chức tín dụng (TCTD). Kết quả này có được là nhờ vào nỗ lực triển khai các chính sách tín dụng ngân hàng hỗ trợ DNNVV.

Điển hình như: Thực hiện Chỉ thị 26/CT-TTg ngày 06/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ, từ tháng 7/2017, NHNN đã điều chỉnh giảm 0,5% mức lãi suất này từ 7%/năm xuống còn 6,5%/năm nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho đối tượng DNNVV tiếp cận vốn tín dụng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Cùng với đó, NHNN chỉ đạo các TCTD xây dựng quy trình thu thập, khai thác thông tin về đánh giá tín nhiệm, hoạt động của khách hàng để nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng vay, qua đó tăng cường khả năng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản;

Bên cạnh đó tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm, chương trình tín dụng với lãi suất hợp lý, đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng; Đơn giản hóa thủ tục hành chính để tăng khả năng tiếp cận vốn của DN; Hỗ trợ DN gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, xem xét cơ cấu lại các khoản vay trên cơ sở đánh giá các biện pháp khắc phục khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh…

Đặc biệt là đẩy mạnh triển khai Chương trình Kết nối ngân hàng – DN tại các địa phương nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của DN trong quan hệ tín dụng ngân hàng; Tạo điều kiện thuận lợi cho các DN có triển vọng phát triển, có sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường nhưng đang gặp khó khăn về tài chính vay được vốn ngân hàng để phục vụ sản xuất kinh doanh.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2017, Chương trình Kết nối ngân hàng – DN đã tổ chức được trên 260 buổi gặp gỡ, hội nghị đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho DN, với tổng số tiền cam kết cho vay mới theo Chương trình đạt 390.000 tỷ đồng, doanh số giải ngân đạt hơn 375.000 tỷ đồng cho hơn 30.000 khách hàng DN;

Số tiền được gia hạn, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ là hơn 25.000 tỷ đồng cho hơn 1.000 DN. Ngoài ra, các ngân hàng còn áp dụng các hình thức hỗ trợ khác như giảm lãi suất, giảm phí ... cho gần 6.000 DN với tổng dư nợ được hỗ trợ là 17.000 tỷ đồng.

NHNN cũng đã chủ động nắm bắt thông tin, tiếp tục tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố có các giải pháp triển khai Chương trình hiệu quả; chủ động nghiên cứu, xây dựng các chương trình cho vay với lãi suất hợp lý, thực hiện tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay…

Đến hết quý II/2017, các TCTD đã thực hiện ký cam kết cho vay khách hàng tham gia Chương trình đạt trên 19.423 tỷ đồng, dư nợ tín dụng cho Chương trình là trên 4.110 tỷ đồng; mức lãi suất cho vay ngắn hạn VND tiếp tục duy trì ở mức từ 4%-9%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn từ 5,5%-10,8%/năm.

Một số khó khăn, vướng mắc

Mặc dù tín dụng đối với DNNVV trong thời gian vừa qua đã đạt được những kết quả nhất định, Tuy nhiên, qua tiếp nhận thông tin, NHNN nhận thấy việc cho vay DNNVV vẫn còn gặp phải những khó khăn, vướng mắc sau:

Thứ nhất, xuất phát những khó khăn chung của thị trường trong và ngoài nước đối với các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam, nhất là các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh.

Trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia ngày càng sâu vào thương mại toàn cầu vì vậy việc cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại (ngay trên thị trường trong nước) ngày càng mạnh mẽ. Mặt khác, biến đổi khí hậu và tình hình thiên tai, bão lụt ngày càng phức tạp cũng ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh của các DN, trong đó có DNNVV và tới hiệu quả cho vay của các TCTD.

Thứ hai, những hạn chế xuất phát từ chính bản thân DNNVV. Cụ thể như:

- Phần lớn các DNNVV có quy mô nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính hạn chế; trình độ quản trị kinh doanh còn bất cập và thiếu chiến lược kinh doanh dài hạn, phương án kinh doanh khả thi;

- Các DNNVV chưa coi trọng việc cập nhật thông tin hoạt động cũng như tổ chức hạch toán kế toán theo quy định, thường nộp báo cáo tài chính cho ngân hàng chậm, số liệu thiếu chính xác, chưa có kiểm toán độc lập nên ảnh hưởng đến quá trình xem xét và thẩm định hồ sơ vay vốn.

- Thiếu các tài sản để bảo đảm cho khoản vay theo quy định hoặc tài sản đảm bảo có giá trị thấp, quyền sở hữu tài sản đảm bảo không minh bạch. Nhiều tài sản có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất nhưng chưa được chứng nhận tài sản gắn liền với đất hoặc chưa chuyển đổi mục đích sử dụng gây khó khăn trong quá trình định giá của ngân hàng.

- Một số DNNVV chưa có sự hợp tác chặt chẽ với ngân hàng khi vay vốn hoặc cơ cấu lại khoản nợ đã vay như cung cấp thông tin không chính xác, minh bạch khi vay vốn và thiện chí trả nợ hoặc xin cơ cấu lại nợ khi tài chính gặp khó khăn. TCTD gặp khó khăn trong việc kiểm soát dòng tiền của các DNNVV khi cho vay vốn.

Thứ ba, chưa có sự triển khai đồng bộ và phối hợp chặt chẽ giữa các chương trình hỗ trợ DN của các Bộ, ngành, địa phương. Một số tổ chức tín dụng còn thiếu kinh nghiệm trong việc thẩm định phương án sản xuất kinh doanh của DNNVV, nhất là các DN hoạt động trong các lĩnh vực mới, đặc thù mà còn nặng về tài sản đảm bảo cho khoản vay.

Thứ tư, việc duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh của DN đã và đang phụ thuộc rất nhiều vào các nguồn vốn vay ngân hàng, tạo ra áp lực lớn cho hệ thống TCTD, trong khi TCTD không có đầy đủ thông tin về DN, không kiểm soát được dòng tiền nên dẫn đến tâm lý e dè khi quyết định cho vay các DNNVV.

Thứ năm, chính sách bảo lãnh tín dụng cho DNNVV còn tồn tại nhiều bất cập, chưa phát huy được hiệu quả trong trợ giúp DNNVV tiếp cận vốn tín dụng  ngân hàng, vì vậy chưa khuyến khích được các DNNVV tìm đến và các TCTD cho vay có bảo lãnh của các tổ chức này.

Giải pháp mở rộng tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa hiệu quả

Chính phủ và NHNN luôn xác định phát triển DNNVV là động lực phát triển của nền kinh tế quốc dân và DNNVV là một trong 5 lĩnh vực ngành Ngân hàng ưu tiên đầu tư tín dụng. Để tiếp tục mở rộng tín dụng hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh của DNNVV trong thời gian tới, ngành Ngân hàng tập trung vào một số các giải pháp sau:

Thứ nhất, thực hiện điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt góp phần kiềm chế lạm phát, kiểm soát tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các DN, trong đó có các DNNVV; 

Thứ hai, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong triển khai đồng bộ  các chính sách hỗ trợ DNNVV đã được quy định trong Luật Hỗ trợ DNNVV, đặc biệt là chính sách về bảo lãnh tín dụng cho DNNVV vay vốn TCTD, Quỹ phát triển DNNVV, xây dựng và hoàn thiện các Nghị định hướng dẫn Luật để bảo đảm sự đồng bộ ngay sau khi Luật có hiệu lực.

Thứ ba, tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp tại Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh; tạo điều kiện thuận lợi cho các DN (đặc biệt là DNNVV) tiếp cận vốn tín dụng.

Thứ tư, chỉ đạo các TCTD tiếp tục rà soát để cải tiến thủ tục vay vốn nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho khách hàng, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng giữa TCTD và DN; tích cực triển khai chương trình kết nối ngân hàng - DN để cùng với chính quyền các địa phương trực tiếp tháo gỡ đồng bộ những khó khăn, vướng mắc trên tất các các lĩnh vực khác nhau để DN có điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.  

Thứ năm, khuyến khích các TCTD phát triển đa dạng các sản phẩm tín dụng, trong đó có các sản phẩm tín dụng đặc thù cho đối tượng DNNVV và các sản phẩm mới như: Các sản phẩm về ngoại tệ, các công cụ phòng ngừa rủi ro lãi suất và tỷ giá nhằm giúp DN chủ động về vốn, tăng cường khả năng phòng ngừa rủi ro; Đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay...