Tín dụng tăng trong khung kiểm soát
Trước tình trạng tín dụng tăng mạnh, có ý kiến lo ngại quay trở lại thời kỳ tăng trưởng nóng.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng đối với các khu vực có rủi ro cao vẫn sẽ được kiểm soát nhằm hạn chế nợ xấu tăng trở lại.
Hầu hết các phân khúc được khơi thông
Trong 4 tháng đầu năm 2017, tín dụng của hệ thống ngân hàng tăng trưởng tới 4,86% - mức tăng cao nhất trong 6 năm gần đây. Các ngân hàng đã đẩy mạnh hoạt động cho vay ngay từ đầu năm, thay vì để dồn ứ và chỉ tăng mạnh vào những tháng cuối năm. Đơn cử như Vietcombank tăng trưởng tín dụng 8,4%, VietinBank: 5,6%, BIDV: 4,66%, VPBank: 5,5%, ACB: 8,5%, VIB: 5%.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhận xét, đây là tín hiệu tích cực cho thấy khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp tương đối tốt, hoạt động sản xuất kinh doanh sôi động hơn.
Theo báo cáo của NHNN, mặt bằng lãi suất cho vay khá ổn định, phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6 - 7%/năm đối với ngắn hạn và 9% - 10%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8 - 9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3 - 11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay từ 4 - 5%/năm.
Vấn đề đặt ra là khi tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng cũng phải tăng cường huy động vốn thì mới có nguồn vốn để cho vay. “Tuy nhiên, với khả năng huy động hiện nay của các ngân hàng thì tăng trưởng tín dụng cũng đảm bảo hài hòa. Tốc độ tăng trưởng tín dụng tốt, tương xứng nên thanh khoản của các ngân hàng vẫn đảm bảo” - ông Tú cho biết.
Trong 4 tháng qua, vốn tiếp tục chảy mạnh vào các lĩnh vực ưu tiên. Tại NHNN Chi nhánh TP. Hà Nội, dư nợ cho vay chiếm 76,7% tổng dư nợ, gồm: Cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 32,3%; cho vay xuất khẩu: 7,5%; tiêu dùng: 6,9%; bất động sản: 6,1%; nông nghiệp nông thôn: 5,4%. Trong khi dư nợ cho đầu tư chiếm 23,3% và chủ yếu là đầu tư kinh doanh chứng khoán.
Đặc biệt, các ngân hàng thương mại (NHTM) và chi nhánh NHTM trên địa bàn thành phố đã cam kết cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp 309.095 tỷ đồng; dư nợ cho vay đạt 282.310 tỷ đồng.
Giữ vĩ mô ổn định, hướng tới giảm lãi suất
Với tốc độ như hiện nay, có thể tín dụng tăng vượt mục tiêu NHNN đề ra là 18 - 20%. Lo ngại cạn room tín dụng sớm, rơi vào tình trạng hợp đồng tín dụng dồn nén như năm trước, ngay từ đầu năm 2017, một vài ngân hàng ngỏ ý muốn xin NHNN nới room tín dụng để chủ động hơn trong kế hoạch kinh doanh.
Tuy nhiên, theo đánh giá của một số CEO ngân hàng, năm nay, NHNN chỉ cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng ở mức 15 - 16% thay vì 18% như mọi năm. Sự khác biệt này là do NHNN muốn chủ động kiểm soát tình hình tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm để đảm bảo kiểm soát cung tiền, giữ ổn định lạm phát như mục tiêu Chính phủ đề ra. Cách “dự phòng” tín dụng của NHNN là nhằm giữ lạm phát ở mức 4%, đồng thời bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, nếu tình hình kinh tế vĩ mô tốt hơn, lạm phát ổn định, căn cứ tình hình thực tế, NHNN có thể sẽ nới room tín dụng cho các ngân hàng. Tuy nhiên, nhiều khả năng NHNN không cần thiết sử dụng hết số lượng room tín dụng đặt ra, mà tập trung tăng chất cho tín dụng để đạt mức tăng trưởng kinh tế Chính phủ đề ra cho năm nay là 6,7%. “Bởi tín dụng tăng trưởng cao mà không kiểm soát được chất lượng, nợ xấu sẽ lại tăng nhanh” - ông Tú chia sẻ.
Hiện, NHNN đã chỉ đạo các NHTM tập trung đưa vốn vào lĩnh vực sản xuất nên vừa qua có đến 88% tín dụng tập trung cho sản xuất. NHNN sẽ điều hành theo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu nếu có điều kiện thì giảm mặt bằng lãi suất cho vay và có thực hiện giải pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) - TS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết, nếu tăng trưởng cao kéo dài đến hết quý II, bên cạnh giám sát chặt các chỉ số tài chính của ngân hàng, NHNN sẽ có những cảnh báo và kiểm soát tín dụng các ngân hàng đang tăng cao vào lĩnh vực nào, mức độ an toàn, hiệu quả, rủi ro ra sao, nhất là một số lĩnh vực có rủi ro cao như bất động sản, giao thông, BT, BOT… được xem xét kỹ hơn.