Tín dụng tiêu dùng "rộn ràng" trước Tết
Vào các dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm của người dân tăng đột biến. Đây cũng là thời điểm thích hợp để vay tiêu dùng. Để đón mùa mua sắm lớn nhất năm nay, ngân hàng và các công ty tài chính liên tục triển khai các chương trình kích cầu tín dụng tiêu dùng với mức lãi suất hấp dẫn, điều kiện vay vốn phù hợp với từng đối tượng khách hàng.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong những năm qua, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng ở Việt Nam tăng trưởng trung bình 20%/năm. Ước tính, tỷ lệ tín dụng tiêu dùng/tổng tín dụng 5,6%; tỷ lệ cho vay tiêu dùng/tiêu dùng cuối cùng là 7,3% và dư nợ cho vay tiêu dùng bình quân đầu người đạt xấp xỉ 1,5 triệu đồng/người.
Lãi suất hấp dẫn
Không chỉ quảng bá rầm rộ, ngân hàng và các công ty tài chính còn chủ động liên kết với các doanh nghiệp như các công ty bán mỹ phẩm, doanh nghiệp vận tải, siêu thị điện máy, mỹ phẩm, bất động sản… để cung cấp cho khách hàng những sản phẩm cho vay tiêu dùng khá đa dạng.
Giám đốc một chi nhánh ngân hàng thương mại tại Hà Nội cho biết, thông thường, trước Tết khoảng 25 ngày là thời điểm mà nhu cầu của người mua sắm tăng đột biến. Tuy nhiên, ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nên năm nay người dân cũng thắt chặt chi tiêu. Vì vậy, để kích cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán, các ngân hàng gần đây tiếp tục giảm thêm lãi suất cho vay.
Điển hình như ACB triển khai nhiều sản phẩm cho vay tiêu dùng với lãi suất ưu đãi giảm 0,5 -1,5% so với năm 2019. MSB cũng đã công bố gói tín dụng 7.000 tỷ đồng, lãi suất từ 6,99%/năm cho khách hàng cá nhân.
Hay như Agribank hướng đến đối tượng vay tiêu dùng là các khách hàng ở nông thôn, vùng sâu vùng xa với số tiền cho vay tối đa 30 triệu đồng cho một lần vay thông qua tổ vay vốn/tổ liên kết, tổ cho vay lưu động; cho vay qua các điểm giao dịch bằng ô tô chuyên dùng…
Trong khi đó, các công ty tài chính tiêu dùng thường cho vay với lãi suất cao hơn nhà băng, nhưng số lượng khách hàng vay vốn cũng tăng cao.
Ông Nguyễn Thành Phúc, Phó tổng giám đốc FE Credit cho hay, lãi suất của FE Credit và các công ty tài chính khác đã giảm trong vài năm qua, nhưng vẫn tương đối cao so với các ngân hàng. Lý do bởi mức độ rủi ro cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính cao hơn so với các ngân hàng. Hơn nữa, các công ty tài chính không được phép huy động vốn trực tiếp từ người dân như ngân hàng, mà phải đi vay trên thị trường nên có chi phí vốn cao hơn so với ngân hàng.
Nhu cầu mua sắm giảm
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, dù vẫn "rộn ràng" nhưng thị trường cho vay tiêu dùng năm nay có phần “giảm nhiệt” hơn so với mọi năm bởi ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Người tiêu dùng dần theo xu hướng chi tiêu hợp lý, mua sắm vừa đủ theo nhu cầu và chú trọng vào chất lượng sản phẩm nhiều hơn, đảm bảo yếu tố an toàn và có giá cả hợp lý thay vì chi tiêu cho số lượng lớn như trước kia.
Chị Tâm An (Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay, gia đình chị có khoản tiền tích luỹ, dịp Tết Nguyên đán 2021, chị dự định vay thêm 400 triệu đồng từ ngân hàng để mua ô tô, song do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến thu nhập năm nay giảm nên chị không dám vay nhiều dù lãi suất vay tiêu dùng hiện đã giảm so với đầu năm.
“Dự định ban đầu gia đình tôi sẽ mua ô tô tầm 1 tỷ đồng, nhưng do năm nay thu nhập giảm sút nên tôi quyết định vay thêm ngân hàng khoảng 200 triệu đồng để mua chiếc xe trị giá khoảng 800 triệu đồng, phù hợp với khả năng trả nợ của gia đình trong thời gian tới”, chị An cho hay.
Thực tế, dù tín dụng tăng mạnh trở lại trong tháng cuối năm 2020 và dự kiến trong tháng 1/2021, song các ngân hàng thương mại cho biết, thanh khoản vẫn rất dồi dào do tiền gửi vào hệ thống tăng rất mạnh và thực tế tín dụng tiêu dùng cũng không tăng trưởng bằng cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, nhìn ở chiều hướng tích cực, tín dụng tiêu dùng tăng phù hợp với bối cảnh hiện nay. Tăng trưởng tín dụng tiêu dùng phù hợp với tăng trưởng chung của nền kinh tế sẽ giảm thiểu rủi ro về nợ xấu cho các ngân hàng và công ty tài chính.
Ngoài ra, thanh khoản dồi dào giúp mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục ổn định thời gian tới, tạo điều kiện cho ngân hàng tiếp tục giảm thêm lãi suất để kích cầu tín dụng.
Nhận định về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp hiện nay vẫn rất lớn. Việc ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng sẽ góp phần kích thích tổng cầu, hỗ trợ tăng trưởng.
“Tuy nhiên, theo tôi, tín dụng năm 2021 chưa thể tăng trưởng đột phá, mức tăng khoảng 10-15% cho năm tới là phù hợp”, ông Lực nói.