Tín dụng tín chấp: Chỉ có thể tăng từ từ
Ngân hàng (NH) rất tích cực để đẩy nhanh tín dụng tín chấp. Tuy nhiên, với đồng vốn đầu tư, NH luôn phải thẩm định chặt chẽ. Do đó, doanh nghiệp cũng cần chia sẻ với NH.
Đại diện một doanh nghiệp có trụ sở hoạt động trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cho rằng, trước bối cảnh thị trường khó khăn hiện nay, hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng khi sức mua và tồn kho chưa cải thiện, tài sản đảm bảo cạn… nên rất khó có thể kỳ vọng vào vay tín chấp.
Vì thế, việc thực hiện chủ trương của Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các NH tăng cường xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp để tăng cho vay tín chấp cần được triển khai mạnh mẽ hơn nữa. Như vậy, những doanh nghiệp có dự án kinh doanh khả thi, nhưng thiếu tài sản đảm bảo vẫn có thể tiếp cận vốn.
Thừa nhận điều này, một lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh cũng nói rằng, nhu cầu vốn của doanh nghiệp dịp cuối năm luôn cao hơn các tháng trong năm. Vì thế, để cầu có thể gặp cung, theo ông cần có sự nỗ lực từ 2 phía.
“Chúng tôi cũng thấu hiểu, bản thân NH cũng là một định chế tài chính, nên phải thận trọng trong cho vay, nhất là với tín dụng tín chấp. Vì người chịu trách nhiệm cuối cùng vẫn là bản thân các NH. Thế nhưng, nếu không hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn lúc này thì NH cũng khó có thể tăng trưởng tín dụng”, ông nói.
Liên quan đến vấn đề cho vay tín chấp, thực tế trong thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng nghị định mới về cho vay tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn, cơ chế này đã phát huy hiệu quả lớn với tổng dư nợ nông nghiệp tăng 2,5 lần. Theo đó, NH cũng rất tích cực để đẩy nhanh tín dụng tín chấp. Tuy nhiên, với đồng vốn đầu tư, NH cũng luôn phải thẩm định chặt chẽ. Do đó, doanh nghiệp cũng cần chia sẻ với NH.
Thực tế, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước luôn yêu cầu các Ngân hàng thương mại xây dựng quy trình thu thập, khai thác thông tin để đánh giá tín nhiệm khách hàng từ Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp cũng như hệ thống xếp hạng nội bộ để làm cơ sở xem xét cho vay tín chấp đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, vốn cho vay tín chấp chỉ dành cho những doanh nghiệp có dự án kinh doanh tốt, nhưng thiếu tài sản đảm bảo.
Điều này cũng lý giải vì sao NH đã triển khai cho vay tín chấp từ lâu, nhưng 3 năm trở lại đây, dường như tín dụng loại này lại bị thu hẹp khi nợ xấu tăng. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện các Ngân hàng thương mại trên địa bàn đang bắt đầu triển khai việc xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp để tăng cho vay tín chấp, song cũng rất dè chừng và chưa có số liệu thống kê cụ thể. Bởi rủi ro trong cho vay tín chấp cao nên đòi hỏi trích dự phòng phải cao hơn, vì thế, buộc các NH phải sàng lọc kỹ khách hàng khi cho vay tín chấp.
Rõ ràng, việc đẩy mạnh cho vay tín chấp, cũng phải đi liền với kiểm soát được rủi ro. Để tăng trưởng tín dụng còn phụ thuộc vào sức hấp thụ vốn của nền kinh tế, NH không thể đơn phương kích cầu tín dụng bằng giảm lãi suất hay đẩy mạnh cho vay tín chấp.