Tín hiệu khả quan để xuất khẩu tiếp tục vượt kế hoạch

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Từ số liệu mới nhất trong 2 tháng đầu năm, có thể có cái nhìn tổng quát về tình hình xuất, nhập khẩu tiếp tục đạt kết quả tích cực và có những tín hiệu khả quan cho thời gian tới.

Rõ nhất là trong tháng 1, tháng 2 (2 tháng có Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán) quy mô xuất khẩu bình quân 1 tháng vẫn đạt gần 10,7 tỷ USD. Xuất khẩu tiếp tục tăng với tốc độ khá (tăng 13,8%), cao hơn tốc độ tăng theo kế hoạch đề ra cho cả năm (10%).

XUẤT, NHẬP KHẨU VÀ XUẤT, NHẬP SIÊU 2 THÁNG ĐẦU NĂM (TRIỆU USD)

 Tín hiệu khả quan để xuất khẩu tiếp tục vượt kế hoạch - Ảnh 1
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Đáng lưu ý, nếu khu vực kinh tế trong nước trong các kỳ trước tăng rất thấp, thậm chí có kỳ còn bị giảm, thì 2 tháng này đã tăng khá (tăng 10,1%); khu vực có vốn đầu tư nước ngoài còn tăng cao hơn (tăng 15,7%).

Mới qua 2 tháng, đã có 7 mặt hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên; 15 mặt hàng đạt kim ngạch từ 167 triệu USD trở lên (đạt mức để cả năm 2014 có thể đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên).

Giá một số mặt hàng xuất khẩu đã tăng lên, như hạt điều (tăng 2,7%); chè (tăng 4,9%); hạt tiêu (tăng 3,1%); gạo (tăng 4%, nhưng từ đầu tháng 3 đến nay bị sụt giảm do cạnh tranh xuất khẩu và nguồn cung trong nước dồi dào); sắn và sản phẩm của sắn (tăng 2,4%); than đá (tăng 6,4%); xơ sợi (tăng 1,1%). Tuy nhiên, giá một số mặt hàng xuất khẩu bị giảm, như cà phê (giảm 9,6%); dầu thô (giảm 1,8%); xăng dầu các loại (giảm 3,8%); phân bón các loại (giảm 18,9%); chất dẻo nguyên liệu (giảm 3,8%); cao su (giảm 24,5%)...

Quy mô và tốc độ tăng như trên là tín hiệu khả quan để xuất khẩu năm 2014 sẽ đạt kỷ lục mới, tiếp tục vượt kế hoạch đã đề ra.

Do xuất khẩu 2 tháng đầu năm nay đạt quy mô cao hơn và có tốc độ tăng cao hơn của nhập khẩu, nên 2 tháng đầu năm nay chúng ta đã xuất siêu với mức khá và tăng 36% so với cùng kỳ năm trước (1.307 triệu USD so với 961 triệu USD).

Tuy nhiên, trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu hiện có một số vấn đề đáng lưu ý.

Xuất khẩu nông-lâm-thủy sản vẫn gặp khó khăn về giá cả, về thị trường, nhất là xuất khẩu gạo.

Xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt tỷ trọng lớn và tốc độ tăng cao so với khu vực kinh tế trong nước (chiếm 67,2% so với chiếm 32,8%, tăng 15,7% so với tăng 10,1%).

Xuất siêu có một phần quan trọng do tổng cầu ở trong nước vẫn còn yếu; mặt khác xuất siêu là do khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (xuất siêu 2.836 triệu USD), còn khu vực kinh tế trong nước vẫn nhập siêu lớn (nhập siêu 1.529 triệu USD).