“Tín hiệu mới” cho tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước
Với nỗ lực tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) theo Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước thời gian qua đã có những bước chuyển rõ rệt. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chưa như kỳ vọng, đòi hỏi trong thời gian tới cần phải có giải pháp mạnh hơn và quyết liệt hơn.
Sốt ruột nhưng đừng bán rẻ
Theo Đề án “Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015” , giai đoạn 2011 - 2015, cả nước dự kiến cổ phần hóa 538 DN, riêng giai đoạn 2014 - 2015 cổ phần hóa 432 DN. Trong đó, năm 2011- 2013, cả nước đã cổ phần hóa 106 DN, năm 2014, cổ phần hóa 143 DN.
Năm 2015 (tính đến hết tháng 11/2015) đã cổ phần hóa thêm được 173 DN. Trong khi đó, giai đoạn 2014 – 2015 các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải thực hiện thoái vốn vào 5 lĩnh vực nhạy cảm với tổng số tiền là 25.218.995 triệu đồng. Như vậy, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước so với những năm trước đã nhanh và quyết liệt hơn.
Với sự vào cuộc của Bộ ngành và địa phương, song đến nay, quá trình tái cấu trúc DNN vẫn bị coi là chậm”. Theo TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính), độ sâu của cổ phần hóa chưa như mong muốn, thoái vốn mới chỉ bán được từ 10-20% trong khi thị trường chờ đợi sâu hơn.
Theo đánh giá của các chuyên gia, không khó để chỉ ra các nguyên nhân khiến lộ trình tái cơ cấu DNNN chưa được như kì vọng. Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và những khó khăn của kinh tế trong nước đã tác động không nhỏ đến thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, khiến cho nhu cầu sụt giảm và kế hoạch IPO của các DN cổ phần hóa chưa đạt được như kế hoạch, tỷ lệ bán thành công thấp.
Việc định giá DN cao hơn giá thị trường khiến giá cổ phần trong các đợt IPO ở mức cao, dẫn đến DN phải giảm giá mới bán được, gây ảnh hưởng tiến độ cổ phần hóa. Bên cạnh đó, một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chưa chỉ đạo quyết liệt và tích cực tổ chức triển khai phương án sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn.
Nhận thức của một bộ phận cán bộ ở các cấp, các ngành và các DN về chủ trương tái cơ cấu DN tuy đã có chuyển biến nhưng chưa hiểu đúng ý nghĩa quan trọng của việc tái cơ cấu DN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; còn tư tưởng e ngại, lo lắng về vị trí và vai trò lãnh đạo sau cổ phần hóa...
Ở góc nhìn lạc quan hơn, chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân cho rằng, dù kết quả cổ phần hóa chưa được như mong đợi nhưng cũng cho thấy đã đạt những bước tiến đáng kể trong tiến trình thực hiện. Việc Chính phủ đã chỉ đạo SCIC thực hiện thoái vốn nhưng không có nghĩa thoái vốn bằng mọi giá mà ưu tiên thoái vốn các DN không phải giữ vị trí chủ lực trong nền kinh tế, hoặc liên quan tới dịch vụ công, hoặc an ninh quốc phòng, bảo đảm an sinh xã hội.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng trong bối cảnh hiện nay, Nhà nước không nên bằng mọi cách phải cổ phần hóa bằng được, không nên bán rẻ DN mà cần quan tâm đến chất lượng cổ phần hóa. Theo chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, Nhà nước không nên nôn nóng dẫn đến tình trạng bán đổ bán tháo tài sản, mà quan trọng là quyết tâm làm và có lộ trình cụ thể. Chia sẻ quan điểm này, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cũng cho rằng, việc thoái vốn cũng phải phụ thuộc vào thị trường. Những năm trước thoái vốn khó khăn là do thị trường chứng khoán cũng gặp khó khăn do không tìm được người mua. “Câu chuyện này cần thận trọng, cổ phần hóa chậm thì sốt ruột lắm nhưng cũng đừng vì thế mà bán rẻ DN”, ông Phùng Quốc Hiển chia sẻ.
Ở một góc nhìn khác, TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, cần kiên quyết xử lí đối với các cá nhân chậm triển khai cổ phần hóa, tránh tình trạng “người nọ nhìn người kia, không có tác dụng răn đe, không có tác dụng thực hiện nghiêm túc dẫn đến bị nhờn”.
Tín hiệu mới
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, năm 2016 là năm bản lề trong triển khai Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán 2011-2020, cũng là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vừa được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII thông qua. Nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển mới, từ đó góp phần đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu DNNN.
Thực tế cho thấy, tín hiệu cổ phần hóa của khối DNNN năm 2016 được dự báo tích cực hơn so với trước đây, với khởi động ngay từ đầu năm bằng các hoạt động IPO của những DN có hiệu quả kinh doanh tốt và tiềm năng tăng trưởng cao. Trong đó, trường hợp IPO mới đây của Công ty Vissan - thành viên của Tổng công ty Thương mại Sài Gòn là một minh chứng với 100% cổ phần trong khối lượng chào bán được mua với giá đấu thành công bình quân cao gấp gần 5 lần giá khởi điểm (mức giá đấu thành công cao nhất là 102.000 đồng/cổ phần, giá đấu thành công thấp nhất là 67.000 đồng/cổ phần).
Trong giai đoạn 2016 – 2020, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) cho biết, sẽ tiếp tục thực hiện sắp xếp, đổi mới và chuyển đổi sở hữu các DNNN còn lại, mục tiêu số lượng DNNN đến năm 2020 còn gần 200 (giảm 50% số lượng tại thời điểm năm 2015). Đồng thời, cơ bản hoàn thanh việc xử lý các tồn tại về tài chính, lao động dôi dư của khu vực DNNN.
Bên cạnh đó, sẽ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát đối với hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty, gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả và tiến độ thực hiện đề án tái cơ cấu DN; Thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn tại một số tập đoàn, tổng công ty, DN lớn đã cổ phần hóa đang có vốn nhà nước về SCIC theo quy định.
Đẩy mạnh truyền thông và công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát trong tái cơ cấu DN cùng với thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh được giao. Chú trọng nâng cao năng lực quản trị, công khai, minh bạch và gia tăng khả năng cạnh tranh của DNNN còn lại thích ứng với cơ chế thị trường, yêu cầu hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN...