Tín hiệu tích cực cho ngành Phân bón nửa cuối năm 2023

Minh Lâm

Thời kỳ “vàng son” giai đoạn 2021-2022 của ngành Phân bón không còn, nhưng kỳ vọng giá phân bón phục hồi sẽ cải thiện kết quả kinh doanh của Ngành trong cuối năm 2023.

Sau giai đoạn tăng nóng từ quý IV/2021 đến hết 6 tháng đầu năm 2022, giá phân bón có xu hướng đảo chiều. Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), giá phân bón giảm đã tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh Ngành trong 6 tháng đầu năm 2023, nhưng vẫn có những tín hiệu tích cực trong nửa cuối năm dựa trên những diễn biến giá phân bón mới nhất trên thị trường thế giới.

Báo cáo chuyên đề gần đây của VDSC cho thấy, cuộc đấu thầu phân bón tại Ấn Độ trong tháng 8/2023 có thể tạo tâm lý tích cực trong ngắn hạn lên giá ure. Đồng thời, việc Brazil và Mỹ đang bước vào mùa gieo trồng có thể hỗ trợ giá phân bón.

Việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo và Nga rút khỏi Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen làm dấy lên lo ngại về an ninh lương thực toàn cầu. Điều này có thể khiến các quốc gia tăng sản lượng gieo trồng và tăng tiêu thụ phân bón.

Theo đó, Argus dự báo giá ure thế giới sẽ tăng trong nửa cuối năm 2023. VDSC nhận định, giá ure nội địa biến động khá tương quan với giá ure thế giới, do đó kỳ vọng giá ure trong nước tăng 12% so với đầu năm. Còn đối với giá NPK, kể từ đầu năm, do tốc độ giảm giá NPK ít hơn so với ure, nên giá NPK sẽ đi ngang trong nửa cuối năm.

Một tín hiệu tích cực khác của ngành Phân bón đến từ kỳ vọng vụ Đông-Xuân năm nay do sản lượng sản xuất ure cuối năm thường cao hơn nửa đầu năm 5%-12%. Theo VDSC,trong 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng xuất khẩu giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022. Khi nguồn cung trên thế giới được đảm bảo, chủ yếu đến từ Nga và Trung Quốc, cơ hội gia tăng sản lượng xuất khẩu của Việt Nam sẽ không còn nhiều. Theo đó, VDSC dự báo sản lượng phân bón xuất khẩu trong nửa cuối năm có thể giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái.

Campuchia vẫn là một thị trường tiềm năng của Việt Nam, trong 2022, sản lượng phân bón xuất khẩu sang nước này chiếm khoảng 36% tổng sản lượng xuất khẩu. Tuy nhiên, theo quan sát trong 6 tháng đầu năm, khi giá phân bón duy trì tại mức “vừa phải”, sản lượng sản xuất tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022 đến 4,4 triệu tấn. Điều này có thể gián tiếp ám chỉ sản lượng tiêu thụ nội địa đã hồi phục.

Thông thường, sản lượng sản xuất ure trong 6 tháng cuối năm thường cao hơn nửa đầu năm từ 5%-12%, chủ yếu đến từ vụ Đông-Xuân. Do đó VDSC kỳ vọng các công ty sản xuất ure hàng đầu như Đạm Phú Mỹ (mã chứng khoán: DPM) và Đạm Cà Mau (mã chứng khoán: DCM) có thể tận dụng cơ hội này để tăng sản lượng kinh doanh. Đối với Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền (mã chứng khoán BFC), do mức nền thấp,VDSC kỳ vọng sản lượng tiêu thụ có thể tăng 43% so với cùng kỳ trong 6 tháng cuối năm nay.

Đặc biệt, khả năng chi trả cổ tức tiền mặt cao vẫn luôn là điểm sáng hấp dẫn nhà đầu tư đối với các doanh nghiệp nhóm ngành Phân bón.