Tín hiệu tích cực trong xử lý nợ xấu
Triển khai quyết liệt các giải pháp xử lý nợ xấu theo tinh thần Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội là mục tiêu xuyên suốt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong năm 2018 nhằm đưa nợ xấu giảm theo đúng lộ trình đề ra.
Đẩy nhanh xử lý nợ xấu
2017 được xem là năm khá thành công của ngành ngân hàng trong việc xử lý nợ xấu. Nghị quyết số 42/2017/QH14 ra đời đã tháo gỡ các vướng mắc về mặt pháp lý và tài sản bảo đảm (TSBĐ) trong việc xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng nỗ lực tự xử lý nợ xấu với tốc độ tăng hơn 40% so với năm 2016, đạt khoảng 70.000 tỷ đồng.
Thông tin từ NHNN cho biết, theo báo cáo đánh giá sơ bộ tính đến ngày 31/12/2017, toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý được khoảng trên 50.000 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42/2017/QH14. Trong đó, riêng 6 TCTD được lựa chọn tập trung chỉ đạo xử lý nợ xấu gồm: Agribank, BIDV, VietinBank, ACB, Sacombank, Techcombank tính đến ngày 30/11/2017 đã được xử lý là 20,44 nghìn tỷ đồng, bằng 51,3% nợ xấu được xử lý toàn hệ thống.
Trước đó, trong Báo cáo tình hình kinh tế 2 tháng đầu năm 2018, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC) cũng đưa ra con số tỷ lệ nợ xấu khoảng 2,5%. Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, quá trình xử lý nợ xấu được đẩy nhanh từ quý IV/2017, khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 đi vào cuộc sống, đã cơ bản tháo gỡ được vướng mắc về pháp lý liên quan đến hoạt động này và TSBĐ. Cụ thể: Trao quyền thu giữ TSBĐ cho các TCTD, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu; Áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến TSBĐ tại tòa án; Tạo cơ chế xử lý tài chính đối với các TCTD khi bán nợ xấu.
Tuy nhiên, quá trình triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 cũng còn một số vướng mắc. Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho hay, các ngân hàng vẫn đang gặp khó khăn trong việc thu giữ tài sản do khách hàng thiếu hợp tác hoặc sự phản kháng của bên bảo đảm, bên vay. Đặc biệt, nợ xấu cho vay trong lĩnh vực bất động sản khó xử lý do việc trả nợ phụ thuộc vào việc xử lý TSBĐ...
Áp dụng toàn diện các biện pháp
Theo nhận định của NFSC, dự kiến năm 2018, hoạt động xử lý nợ xấu diễn ra tích cực và thực chất hơn do các yếu tố vĩ mô ổn định, kinh tế tiếp nối đà tăng trưởng; Tình hình doanh nghiệp, thị trường chứng khoán và bất động sản tiếp tục cải thiện; Khuôn khổ pháp lý cho việc xử lý nợ xấu và TSBĐ dần được hoàn thiện.
Thực tế, NHNN và các đơn vị chức năng cũng đang rốt ráo tăng cường xử lý nợ xấu. Ông Đoàn Văn Thắng - Tổng giám đốc Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) cho hay, năm 2018, VAMC đưa ra mục tiêu mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt từ 27.000 - 32.000 tỷ đồng giá trị trái phiếu đặc biệt; mua bán nợ theo giá thị trường 3.500 tỷ đồng. Với thu hồi nợ, dự kiến, VAMC thu khoảng 24.890 tỷ đồng.
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết thêm, để đẩy nhanh hơn nữa tiến trình xử lý nợ xấu trong năm 2018, Thống đốc NHNN đã yêu cầu các TCTD triển khai quyết liệt, có hiệu quả nội dung, giải pháp tại phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020 đã được phê duyệt, bảo đảm theo đúng lộ trình đề ra.
Xây dựng kế hoạch và đẩy mạnh việc triển khai áp dụng chuẩn mực vốn Basel II, các nguyên tắc quản trị rủi ro theo thông lệ, chuẩn mực quốc tế đi đôi với việc đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường tính minh bạch, công khai trong hoạt động. Tổ chức triển khai áp dụng toàn diện các biện pháp quy định tại Nghị quyết 42/2017/QH14 để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, TSBĐ của các khoản nợ xấu, bảo đảm thực hiện mục tiêu xử lý nợ xấu theo phương án đã được phê duyệt.
Bà NguyễnThị Hồng - Phó Thống đốc NHNN:
Căn cứ thực trạng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42/2017/QH14, đánh giá khả năng thu hồi nợ xấu, các ngân hàng đã xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu phù hợp từng thời kỳ. NHNN cũng tăng cường chỉ đạo VAMC triển khai các giải pháp về mua nợ xấu theo giá thị trường và nâng cao năng lực tài chính cho VAMC...