Sắp xếp tổ chức bộ máy ngành Bảo hiểm xã hội:
Tinh gọn đi liền với hiệu quả
Tại Hội nghị Nghiên cứu, sắp xếp tổ chức bộ máy bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam theo khu vực liên tỉnh hoặc liên huyện do BHXH Việt Nam vừa tổ chức, nhiều chuyên gia khẳng định, ngành BHXH giữ vai trò rất quan trọng trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội, nên cần phải có hệ thống đúng tầm. Việc tinh gọn cần đi liền với hiệu lực, hiệu quả điều hành, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ.
Băn khoăn sắp xếp liên tỉnh
Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết, ngay sau khi các văn kiện của Trung ương về đổi mới sắp xếp hệ thống, bộ máy theo hướng tinh gọn, nhằm nâng cao năng lực hiệu quả hoạt động, trong đó có tổ chức bộ máy hoạt động của BHXH Việt Nam, Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam đã chỉ đạo ban hành kế hoạch để triển khai thực hiện, đồng thời khẩn trương thành lập Ban soạn thảo về tổ chức các hoạt động nghiên cứu Đề án sắp xếp bộ máy BHXH Việt Nam theo khu vực liên tỉnh, liên huyện.
“Với trách nhiệm của mình, BHXH Việt Nam luôn xác định không ngại khó khăn, thách thức, không ngại áp dụng các cải cách, cải tiến, trong đó có cải cách bộ máy” - Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh khẳng định.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, hiện BHXH Việt Nam đang dự thảo đề xuất, đối với cơ quan BHXH Việt Nam ở Trung ương, đến năm 2021, nghiên cứu sắp xếp giảm ít nhất 2 đầu mối đơn vị trực thuộc. Đối với cơ quan BHXH cấp tỉnh, đề xuất chưa xem xét tổ chức BHXH theo khu vực liên tỉnh ngay từ đầu năm 2019; rà soát, sắp xếp giảm ít nhất 2 đầu mối đơn vị cấp phòng trực thuộc BHXH cấp tỉnh.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi nhận định, ngành BHXH giữ vai trò rất quan trọng trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội nên cần có hệ thống đúng tầm. Trong giai đoạn hiện nay, ngành BHXH đứng trước thách thức lớn về bao phủ BHXH, bảo hiểm y tế; do đó không nên tinh gọn liên tỉnh.
Thực tế, ngay từ ngày thành lập, ngành BHXH Việt Nam đã liên tỉnh. Tháng 11.1997, Quốc hội có Nghị quyết tách 4 tỉnh thành 8 tỉnh nhưng ngành BHXH không tách, vẫn để nguyên. Điều này đã dẫn đến những khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ vì không đồng bộ với hệ thống chính trị. Sau đó, chỉ trong vòng 10 tháng, Tỉnh ủy các tỉnh đó yêu cầu BHXH Việt Nam phải tách BHXH các địa phương theo cấp tỉnh.
Đồng tình với quan điểm này, nhiều chuyên gia cho rằng, mô hình bộ máy BHXH cấp tỉnh cần phải gắn với địa giới hành chính để song trùng công tác chỉ đạo của tổ chức Đảng, chính quyền địa phương với cơ quan BHXH, nhằm phục vụ tốt nhất, thuận lợi nhất cho người tham gia và thụ hưởng chính sách; giúp tiết kiệm chi phí, thời gian của người dân.
Đối với cơ quan BHXH cấp huyện, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, hiện BHXH Việt Nam đang đề xuất 2 phương án là đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tạm thời giữ nguyên cơ cấu tổ chức BHXH cấp huyện như hiện nay cho đến khi Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Còn phương án 2 là thực hiện thí điểm liên BHXH cấp huyện (giảm ít nhất 1 đầu mối mỗi tỉnh) tại 7 tỉnh, đại diện 7 vùng - khu vực kinh tế trong cả nước trong thời gian 2 năm; sau khi đánh giá hiệu quả, tính khả thi, báo cáo đánh giá tác động mới xem xét đề xuất việc sắp xếp, kiện toàn mô hình tổ chức BHXH theo khu vực liên huyện, phù hợp gắn với Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Góp ý cho nội dung này, nhiều chuyên gia cho rằng, việc tinh gọn BHXH theo hướng liên huyện cần nghiên cứu thật thận trọng, có đánh giá thực tế vùng miền và phải làm có lộ trình, gắn với Đề án sắp xếp liên huyện. Bởi nếu thực hiện ngay sẽ dễ dẫn tới tình trạng phân tán, khó khăn trong thực hiện BHXH toàn dân.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Đỗ Văn Sinh dẫn chứng, với địa bàn quá rộng như vùng sâu, vùng xa, miền núi, người dân đi cả ngày mới đến huyện, nếu liên huyện sẽ đồng nghĩa gấp đôi quãng đường, gây khó cho dân.
Thực tế, dù ngành BHXH đã ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ nhưng còn rất lâu nữa mới bỏ được giao dịch trực tiếp hoặc hồ sơ giấy, nên cần có đủ mạng lưới phục vụ người dân kịp thời. Hơn nữa, BHXH huyện cũng phải bố trí cán bộ “đứng chân” tại các xã mới bảo đảm quyền lợi cho đối tượng tham gia.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng, điểm quan trọng nhất trong sắp xếp bộ máy là phải xác định tiêu chí, mà muốn có tiêu chí thì phải đánh giá, khảo sát được thực trạng, chỗ nào, bộ phận nào, huyện nào tồn tại, hạn chế. Một trong những tiêu chí “cứng” là phải tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, tiếp đến mới tính tới địa lý hành chính, diện tích, số lượng người tham gia hay vấn đề thu bảo hiểm.