Tình hình thương mại thế giới năm 2020 và tác động đối với Việt Nam

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1+2 tháng 2/2020

Tăng trưởng kinh tế thế giới tiếp tục xu hướng chậm lại vào nửa cuối năm 2019, thể hiện rõ qua tình trạng sụt giảm của hoạt động sản xuất và thương mại toàn cầu. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc diễn biến phức tạp. Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao, vì vậy khó tránh khỏi những ảnh hưởng từ cuộc chiến này. Tuy nhiên, trên góc nhìn lạc quan, Việt Nam có thể được hưởng lợi nếu biết tận dụng các cơ hội và có giải pháp ứng phó kịp thời.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tổng quan tình hình thương mại thế giới năm 2019

Nhìn lại những điểm nổi bật của tình hình kinh tế và thương mại thế giới năm 2019, có thể thấy:

Một là, tăng trưởng kinh tế thế giới tiếp tục xu hướng chậm lại vào nửa cuối năm 2019. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, kinh tế thế giới phải đối mặt với thời kỳ “bất trắc cao” khi 70% nền kinh tế trên thế giới, trong đó hầu hết các nền kinh tế phát triển đã rơi vào tình trạng tăng trưởng chậm lại.

Các tổ chức quốc tế khác như Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Ủy ban châu Âu (EC)... liên tiếp hạ dự báo mức tăng trưởng kinh tế thế giới tính chung cả năm 2019 và năm 2020.

Các nhân tố kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu đó là: Các điểm nóng địa chính trị có dấu hiệu phức tạp và tăng nhiệt; căng thẳng địa chính trị gia tăng ở các khu vực Trung Đông và châu Á; sự bất ổn chính sách gia tăng ở châu Âu và Mỹ; Mỹ tăng cường trừng phạt Iran; tình hình tài chính bất ổn ở Argentina; giá dầu và đồng USD diễn biến phức tạp, đặc biệt là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gây thách thức đối với kinh tế thế giới.

Hai là, tăng trưởng thương mại toàn cầu tiếp tục suy yếu. Thuế quan gia tăng và chính sách thương mại bất ổn đã làm suy yếu hoạt động đầu tư và nhu cầu tiêu dùng hàng hóa lâu bền. 

Ba là, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch lan rộng kìm hãm tăng trưởng kinh tế, thương mại thế giới. Bên cạnh xu hướng mở rộng tự do hóa thương mại, cắt giảm và tiến tới loại bỏ hàng rào thuế quan thông qua việc thực thi cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, các nước - nhất là các nước phát triển khu vực EU, Mỹ, Nhật Bản… gia tăng áp dụng các biện pháp bảo hộ mậu dịch nhằm mục đích bảo hộ nền sản xuất và bảo vệ người tiêu dùng trong nước. Các công cụ hữu ích và biện pháp bảo hộ mậu dịch không vi phạm cam kết được các quốc gia áp dụng ngày càng nhiều, đó là: Các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), các quy định và tiêu chuẩn chất lượng, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm; quy định về kiểm dịch động thực vật (SPS); các quy định về truy xuất nguồn gốc, quy tắc xuất xứ, bao bì, nhãn mác; các quy định về trách nhiệm xã hội, tiêu chuẩn lao động.

Tình hình thương mại thế giới năm 2020 và tác động đối với Việt Nam - Ảnh 1

Theo báo cáo về hàng rào thương mại, đầu tư của Ủy ban châu Âu tháng 6/2019, năm 2018, các nước không phải là thành viên EU đã có 23 nước lập kỷ lục thiết lập 35 hàng rào mậu dịch mới, làm cho số lượng các hàng rào mậu dịch trên toàn thế giới tăng thêm 425 và liên quan tới 59 quốc gia. Ngoài ra, từ tháng 10/2018 tới tháng 5/2019, các nước G20 đã có 20 biện pháp hạn chế mậu dịch, bao gồm thuế quan, lệnh cấm nhập khẩu, các thủ tục hải quan mới, ứng với 335,9 tỷ USD giá trị hàng hóa. Các biện pháp bảo hộ mậu dịch này đã tác động và phá hoại chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất và cung ứng, làm dịch chuyển chuỗi giá trị toàn cầu, tăng giá thành giao dịch quốc tế, phá hoại hệ thống mậu dịch đa phương, đồng thời chuyển gánh nặng thuế sang người tiêu dùng, làm tổn hại tới lợi ích tổng thể của các nước.

Bốn là, xu hướng điều chỉnh toàn diện chính sách thương mại của một số nước lớn như: Mỹ, Trung Quốc, các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc nhằm cân bằng cán cân thương mại và giảm thâm hụt mậu dịch với các nước đối tác chủ yếu đã có những tác động nhất định đến thương mại toàn cầu. Đáng chú ý, từ năm 2018, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thi hành chính sách bảo hộ mậu dịch, điều chỉnh toàn diện chính sách thương mại với các bạn hàng mậu dịch chủ chốt như Trung Quốc, Canada, Mexico, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc nhằm làm giảm thâm hụt mậu dịch, thúc đẩy việc “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Đầu năm 2019, ngoài việc ký kết Hiệp định thương mại với Mexico, Mỹ tiếp tục chính sách thuế quan với các nước khác. Điển hình, căng thẳng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra từ tháng 7/2018, bắt đầu bằng việc Mỹ tiến hành cuộc điều tra về các hoạt động thương mại và thực hiện quyền sở hữu trí tuệ của Trung Quốc, áp thuế suất 25% với 34 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và xem xét áp thuế 25% với 16 tỷ hàng hóa còn lại (chủ yếu là máy móc, thiết bị điện tử và công nghệ cao). Đồng thời, Mỹ công bố danh sách 200 tỷ hàng hóa Trung Quốc có thể chịu thuế 10%. Trung Quốc cũng đáp trả bằng việc áp thuế 25% tương ứng lên 34 tỷ hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ (chủ yếu là các mặt hàng nông sản). Tiếp theo đó là các đợt áp thuế và trả đũa đến từ cả 2 bên. Đến thời điểm hiện tại, căng thẳng thương mại mặc dù hạ nhiệt nhưng cuộc chiến thương mại chưa có dấu hiệu kết thúc.

Căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn khiến thương mại và đầu tư thế giới giảm, niềm tin kinh doanh toàn cầu giảm sút, đặc biệt là đầu tư trực tiếp toàn cầu đã sụt giảm liên tiếp trong vòng 3 năm trở lại đây.

Năm là, trật tự kinh tế, thương mại toàn cầu đang được vẽ lại, các nước liên tiếp tìm cách thúc đẩy hợp tác thương mại thông qua các Hiệp định khu vực hoặc liên khu vực, tăng cường đàm phán các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương chất lượng cao. Đầu năm 2019, các hiệp định khu vực, liên khu vực phát triển rất mạnh: EU đẩy mạnh tiến trình xây dựng mạng lưới mậu dịch tự do, ký các Hiệp định thương mại tự do, Hiệp định bảo hộ đầu tư với Singapore, Việt Nam và các nước Mỹ La tinh; Hiệp định thương mại EU và Nhật Bản bắt đầu có hiệu lực chính thức; Hiệp định quan hệ đối tác toàn diện, tiến bộ xuyên Thái Bình Dương sẽ khởi động tiến trình mở rộng...

Các kịch bản thương mại thế giới trong thời gian tới

Các nhân tố tác động đến xu hướng tiếp tục tăng trưởng chậm lại của kinh tế, thương mại toàn cầu trong năm 2020 và một vài năm tới được dự báo, gồm:

- Sự gia tăng căng thẳng địa chính trị kéo dài ở các khu vực Trung Đông, châu Á và sự bất ổn chính sách gia tăng ở châu Âu và Mỹ, căng thẳng thương mại Hàn Quốc và Nhật Bản tiếp tục diễn biến phức tạp, cũng như các yếu tố mang tính chu kỳ và cấu trúc, sự thay đổi lập trường chính sách tiền tệ ở các nền kinh tế phát triển là những yếu tố rủi ro gây tác động tới nền kinh tế thế giới những năm tới.

- Chính sách thương mại của Mỹ, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn diễn biến phức tạp, chưa có hồi kết... sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng tiêu cực, kéo dài cho tăng trưởng kinh tế thế giới, làm xáo trộn thị trường tài chính thế giới, có thể khiến các doanh nghiệp trì hoãn đầu tư và xem xét lại toàn bộ các thỏa thuận nguồn cung ứng cũng như các chuỗi giá trị toàn cầu liên quan, dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng thương mại toàn cầu. 

- Các gói kích thích chính sách được triển khai ở một số nền kinh tế lớn sẽ giúp ngăn chặn sự sụt giảm mạnh hơn trong tăng trưởng GDP toàn cầu và hạn chế mức suy giảm sâu của thương mại toàn cầu trong thời gian tới. Tuy nhiên, hiệu quả của các biện pháp kích thích kinh tế vĩ mô tại thời điểm hiện tại là không chắc chắn. 

- Các nhân tố khác tác động đến xu hướng tiếp tục tăng trưởng chậm lại và kìm hãm sự phục hồi của kinh tế, thương mại toàn cầu trong một vài năm tới, đó là: Sự già hóa dân số thế giới, khả năng tạo việc làm giảm, xu hướng năng suất thấp, kinh tế Trung Quốc giảm tốc do số nợ cao và tái cân bằng đầu tư quá mức, căng thẳng thương mại giữa các nước lớn dẫn đến các điều kiện tài chính chặt chẽ hơn và giá cả hàng hóa thấp ở các nền kinh tế thị trường mới nổi, tác động của biến đổi khí hậu...

Với các nhân tố được chỉ ra trên đây, có thể thấy khó tránh khỏi một cuộc suy thoái trên quy mô toàn cầu trong thời gian tới. Đây chính là bài toán khó giải cho mọi nền kinh tế, nhất là các nền kinh tế mới nổi. Kinh tế toàn cầu (không tính EU) nhìn chung được dự báo sẽ tăng trưởng lần lượt 3,3% và 3,4% vào năm 2020 và 2021, tức là chỉ hơn đôi chút so với năm 2019.

Trong khi đó, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đưa ra dự báo cho tăng trưởng thương mại toàn cầu trong năm 2020 là từ 1,7 - 3,7%; IMF đưa ra dự báo, tăng trưởng thương mại toàn cầu sẽ đạt 3,2% trong năm 2020, nhưng rủi ro suy giảm tăng trưởng thương mại vẫn còn lớn.

 Trong các nhân tố trên đây, nhân tố có tác động mạnh nhất đến xu hướng tăng trưởng của kinh tế, thương mại toàn cầu trong năm 2020 và những năm tiếp theo phải nhắc đến là cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Đã có nhiều dự báo về các kịch bản diễn biến của cuộc chiến này, tuy nhiên, nhìn chung, cuộc chiến thương mại này được dự đoán sẽ khó kết thúc trong thời gian ngắn. Những hành động, thậm chí đe dọa hành động mà 2 siêu cường kinh tế này dành cho nhau có thể sẽ còn tiếp tục và gây tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế thế giới.

Báo cáo của IMF dự báo, nếu Mỹ thực thi tất cả các kế hoạch áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc như đã cảnh báo và Trung Quốc áp thuế trả đũa, thì đến năm 2020, thuế quan mà Mỹ và Trung Quốc đã tuyên bố áp lên hàng hóa của nhau sẽ khiến sản lượng kinh tế toàn cầu giảm 0,8%, tương đương mức giảm 700 tỷ USD.

Những vấn đề đặt ra đối với thương mại và doanh nghiệp Việt Nam

Bối cảnh diễn biến kinh tế, thương mại thế giới năm qua, nhất là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang và sẽ có những tác động nhất định tới kinh tế, thương mại Việt Nam.

Việt Nam được nhận định là quốc gia được hưởng lợi từ cuộc chiến này theo nghĩa tương đối. Các hàng rào thuế quan mà Mỹ và Trung Quốc áp bổ sung cho nhau vô hình trung làm tăng cơ hội xuất khẩu hàng hóa cho các nước thứ ba, trong đó có Việt Nam. Do đó, trong ngắn hạn, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Mỹ khi hàng hóa của Trung Quốc bị hạn chế.

Việc gia tăng những bất định trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể khiến các công ty đa quốc gia lớn trên thế giới chuyển một phần hoặc toàn bộ các cơ sở sản xuất ở Trung Quốc sang các nước khác, trong đó có Việt Nam. Do đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam có thể tăng trong bối cảnh dòng vốn FDI vào các nước bị Mỹ đánh thuế cao có xu hướng chững lại. Tuy nhiên, bên cạnh một số cơ hội từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với không ít rủi ro và bất lợi.

Nền kinh tế Việt Nam tuy nhỏ nhưng có độ mở lớn, phụ thuộc nhiều vào xuất nhập khẩu, trong đó, Trung Quốc và Mỹ là hai đối tác lớn nhất về ngoại thương của Việt Nam. Vì vậy, khi hai đối tác lớn xảy ra xung đột sẽ gây ra những ảnh hưởng nhất định tới hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Khi hàng rào thuế nhập khẩu vào Mỹ được áp dụng, khó khăn về đầu ra có thể khiến hàng hóa của Trung Quốc được đẩy sang thị trường Việt Nam và cạnh tranh với hàng Việt Nam ở các thị trường nước thứ ba khác. Mặt khác, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ khó khăn hơn vì Trung Quốc tăng cường thực thi các biện pháp bảo vệ thị trường nội địa. Vì vậy, nguy cơ thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc có thể gia tăng trong thời gian ngắn. 

Việt Nam có thể trở thành nơi trung chuyển cho hàng hóa Trung Quốc để xuất khẩu sang Mỹ và ngược lại (nếu khâu kiểm soát nhập khẩu thiếu hiệu quả). Hàng hóa và các DN xuất khẩu Việt Nam dễ bị rơi vào tầm ngắm kiểm tra của Mỹ.

Theo một nghiên cứu của Capital Economics, nếu chính quyền Tổng thống Mỹ áp thuế quan 25% lên hàng nhập khẩu từ Việt Nam tương tự như đã làm với hàng Trung Quốc, Việt Nam có thể sẽ mất đi 25% doanh thu xuất khẩu, tương đương hơn 1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Thiệt hại này sẽ xóa sạch lợi ích ước tính 0,5% GDP mà Việt Nam đạt được trong năm qua từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Về dài hạn, ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ làm suy giảm kinh tế thế giới, dẫn đến giảm cầu tiêu dùng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Hơn nữa, sự gián đoạn các chuỗi cung ứng toàn cầu cũng sẽ tác động tới các DN Việt Nam, đặc biệt là các DN FDI.

Một số khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam

Trong bối cảnh thế giới khó tránh khỏi một cuộc suy thoái, đồng thời tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đến Việt Nam là chưa rõ ràng (vì còn phụ thuộc nhiều vào các diễn biến phức tạp có thể xảy ra, cũng như phản ứng của các nước), việc đề ra các biện pháp, chính sách ứng phó cũng không thể cứng nhắc mà cần hết sức linh hoạt, chủ động.

Hoàn thiện thể chế, chính sách

- Chủ động xây dựng, cập nhật các kịch bản ứng phó với những diễn biến của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

- Tiếp tục vận động ủng hộ thương mại tự do và hệ thống thương mại đa phương, tăng cường hiệu quả hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.

- Đẩy mạnh hợp tác với các nước thuộc nhóm cường quốc (Nhật Bản, EU, Australia...) để tăng cường đối thoại, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm về đánh giá, dự báo tác động và chủ động áp dụng các biện pháp, chính sách ứng phó đối với những diễn biến phức tạp của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

- Đối với các chính sách xuất nhập khẩu: Tiến hành rà soát những quy định, chính sách xuất khẩu, quản lý nhập khẩu, tạo cơ sở cho việc xây dựng mới; Bổ sung, điều chỉnh các chính sách đã có nhằm đảm bảo khung pháp lý, chính sách đầy đủ, đồng bộ, rõ ràng và minh bạch phù hợp với quốc tế, khuyến khích xuất khẩu bền vững và kiểm soát hàng hóa nhập khẩu hiệu quả.

- Đối với chính sách tài chính, tín dụng: Tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước để chủ động các biện pháp đối phó với nguy cơ biến động tỷ giá giữa đồng NDT và USD gây tác động tới thương mại Việt Nam; Chủ động có các biện pháp để bảo vệ hàng hóa trong nước cũng như ngăn chặn hàng hóa nhập lậu từ nước ngoài.

- Tập trung các giải pháp tháo gỡ các rào cản đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường, trong đó có thị trường Mỹ và Trung Quốc, nâng cao khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định nhập khẩu...

Các giải pháp tăng cường quản lý nhập khẩu, hạn chế gian lận thương mại

- Các cơ quan chức năng cần sớm áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, sử dụng các biện pháp giải quyết và kiểm soát chất lượng hàng hóa nhằm ngăn chặn ngay tại cửa khẩu các sản phẩm hàng hóa từ Trung Quốc; Tăng cường phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại.

- Đặc biệt lưu ý kiểm soát chặt chẽ và có biện pháp xóa bỏ tình trạng hàng hóa nước ngoài gian lận xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ, nhất là hàng hóa từ các DN Trung Quốc muốn tránh thuế quan của Mỹ.

Giải pháp hỗ trợ, giảm thiểu rủi ro cho các doanh nghiệp trong nước

- Cung cấp thông tin rộng rãi đến các doanh nghiệp xuất khẩu về các vấn đề liên quan tới cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, từ đó giúp các doanh nghiệp có thể chủ động, linh hoạt trong việc sản xuất, tìm kiếm thị trường...

- Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ các DN về định hướng xuất khẩu.

- Hỗ trợ DN nâng cao trình độ nguồn nhân lực, đầu tư vào công nghệ sản xuất, chế biến xuất khẩu giúp DN đón đầu những thách thức trong thời đại khoa học công nghệ và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

- Bên cạnh đó, cần đồng hành cùng Nhà nước trong quá trình đối phó với những biến động xấu đến từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, cụ thể là cần tăng cường năng lực quản trị nội bộ, nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng hàng hóa...      

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Ngọc Anh (2017), “Quan hệ Mỹ - Trung dưới thời Tổng thống Donald Trump”, Tạp chí Nghiên cứu nước ngoài, tập 33 số 2;

2. Nguyễn Hoài (2018), Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng ra sao tới kinh tế Việt Nam, Vnexpress.net, 9/7/2018;

3. Như Mai (2018), Chiến tranh thương mại và những tác động đối với kinh tế toàn cầu;

4. Gia Minh (2018), “Tác động hai chiều của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đến kinh tế Việt Nam”, Doanhnhansaigon.vn, 16/7/2018.