Tính thuế như thế nào với các khoản tiền thưởng của đội tuyển bóng đá nam Việt Nam?
Chia sẻ tại buổi họp báo quý IV/2024 do Bộ Tài chính tổ chức chiều 7/1, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn đã trả lời các phóng viên về việc tính thuế với các khoản tiền thưởng của đội tuyển bóng đá nam Việt Nam cũng như việc quản lý thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử...
Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) hiện hành, các khoản tiền thưởng của cá nhân, tổ chức gắn với kỷ niệm chương, huy chương sẽ không phải nộp thuế. Tuy nhiên, với các khoản tiền thưởng không gắn với kỷ niệm chương, huy chương (như các khoản tiền thưởng mà các tổ chức, doanh nghiệp cam kết thưởng cho đội tuyển bóng đá Việt Nam) sẽ nằm trong nhóm phải nộp thuế TNCN.
Theo quy định tại Luật Thuế TNCN và các văn bản liên quan, các khoản tiền thưởng được phân loại như sau: Tiền thưởng từ các giải đấu quốc gia và quốc tế được Nhà nước Việt Nam thừa nhận; Tiền thưởng từ các tổ chức, cá nhân khác; Quà tặng là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc sử dụng. Việc nộp thuế TNCN đối với các khoản tiền thưởng của Đội tuyển bóng đá Việt Nam phụ thuộc vào nguồn gốc và tính chất của khoản thưởng nhận được.
Cũng tại buổi họp báo, Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn cũng thông tin về việc quản lý thuế thu nhập cá nhân với người nổi tiếng và những cá nhân đang có thu nhập từ hình thức livestreams hay bán hàng từ các sàn thương mại điện tử.
Theo đó, theo quy định hiện hành, tất cả các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân (không phân biệt người nổi tiếng hay không nổi tiếng) nếu có thu nhập đều phải thực hiện nghĩa vụ tự khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm với nghĩa vụ nộp thuế về ngân sách nhà nước. Cơ quan thuế phải có trách nhiệm tuyên truyền, hỗ trợ cũng như đưa ra các giải pháp để thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm nếu có để đảm bảo công bằng cũng như minh bạch.
Với trường hợp những cá nhân tham gia livestream hoặc có các hoạt động từ việc chia sẻ link liên kết, tiếp thị bán hàng, Tổng cục Thuế đã có chỉ đạo cơ quan thuế các cấp thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý như: tuyên truyền, hỗ trợ; xây dựng cổng thương mại điện tử dành cho các cá nhân kinh doanh với các tài liệu hướng dẫn rõ ràng...
Cùng với đó, ngành Thuế đã thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu từ các bộ, ngành cũng như qua các sàn thương mại điện tử để đáp ứng nhu cầu quản lý tập trung. Theo thống kê, trên cả nước, số cá nhân kinh doanh thương mai điện tử thuộc diện rà soát là trên 76 nghìn người; trong đó các trường hợp đã xử lý vi phạm là trên 30 nghìn cá nhân với tổng số tiền truy thu và xử lý vi phạm là 1.223 tỷ đồng.
Theo Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn, để tăng cường quản lý các hoạt động kinh doanh này, Bộ Tài chính đã chú trọng công tác tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, trong đó có Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 30/5/2023 về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ. Trên cơ sở đó, đến nay ngành Thuế đã kết nối được dữ liệu của các bộ, ngành và các sàn thương mại điện tử để kết xuất dữ liệu phục vụ công tác kê khai, xử lý vi phạm. Đồng thời, ngành Thuế cũng đã xây dựng Cổng kinh doanh thương mại điện tử dành cho cá nhân kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi tối đa nhất cho cá nhân kinh doanh trong nước cũng như nước ngoài thực hiện nghĩa vụ thuế.