Tô thắm những trang sử vẻ vang của ngành Tài chính

Hoàng Việt

Hoạt động kỷ niệm 78 năm ngày Truyền thống ngành Tài chính Việt Nam (28/8/1945-28/8/2023) diễn ra cùng lúc toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, những người làm công tác tài chính cả nước đang tập trung thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2023. Tinh thần đoàn kết, sáng tạo và nỗ lực vượt khó chắc chắn sẽ thành sức mạnh to lớn, giúp toàn ngành Tài chính hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Ngành Tài chính luôn chủ động đổi mới mạnh mẽ về mọi mặt để khơi thông các nguồn lực phát triển.
Ngành Tài chính luôn chủ động đổi mới mạnh mẽ về mọi mặt để khơi thông các nguồn lực phát triển.

Nỗ lực hóa giải các thách thức

Hơn một nửa chặng đường đầu tiên của năm 2023 đã đi qua ghi nhiều dấu ấn thành công của chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, mở rộng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo động lực cho phát triển sản xuất - kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng đi đôi với đảm bảo an sinh xã hội giai đoạn hậu đại dịch COVID-19.

Con số 61,7 nghìn tỷ đồng miễn, giảm, giãn thuế, phí trong 6 tháng đầu năm 2023 đã thực sự tiếp sức cho cộng đồng doanh nghiệp thêm động lực hồi phục. Việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng (GTGT) vào nửa cuối của năm sẽ tiếp tục phát huy chính sách tài chính “khoan sức dân”. Số thu ngân sách nhà nước (NSNN) lũy kế 7 tháng năm 2023 ước đạt 1.016,1 nghìn tỷ đồng, bằng 62,7% dự toán chứa đựng nhiều kỳ vọng. Bên cạnh đó, lạm phát được kìm chế ở mức thấp; Mặt bằng lãi suất hạ nhiệt...

Công tác điều hành tài chính trở thành trụ cột của chu kỳ phục hồi phục khi đại dịch COVID-19 kết thúc. Tuy nhiên, những thách thức, khó khăn đối với nền kinh tế đất nước trong những tháng cuối năm 2023 còn rất lớn. Xung đột quân sự Nga - Ukraine kéo dài đã và đang đe dọa an ninh năng lượng và lương thực toàn cầu. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, phụ thuộc vào xuất khẩu gặp khó khi nhiều nước vẫn thắt chặt tiền tệ.

Lạm phát tại các nước bước đầu được kìm chế nhưng vẫn còn ở diện rộng. Thị trường tài chính, bất động sản ở hàng chục quốc gia gặp khó khăn khi phải đối mặt với những thách thức về dòng vốn. Như một quy luật tất yếu, cộng đồng doanh nghiệp khắp hành tinh phải co hẹp sản xuất. Bài toán đảm bảo việc làm, an sinh xã hội trong bối cảnh mới là không hề dễ dàng đối với các nước, không chỉ riêng Việt Nam.

Tăng trưởng GDP của Việt Nam nửa đầu năm 2023 chỉ đạt 3,72%. Mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm trên 6% là một thách thức thực sự. Trong bối cảnh đó, yêu cầu đặt ra là nền tài chính quốc gia phải đảm bảo thu - chi NSNN đạt và vượt kế hoạch; Các cân đối lớn ngày càng bền vững, có khả năng ứng phó tốt trước những biến đổi khó lường của tình hình chính trị, kinh tế - tài chính khu vực và thế giới…

Phát huy giá trị truyền thống

Lần dở những trang sử vẻ vang của ngành Tài chính Việt Nam, mỗi người làm tài chính hôm nay sẽ có thêm động lực, niềm tự hào làm hành trang đạp bằng mọi khó khăn trở ngại, tiến đến thành công.

Trong hành trình 78 năm dựng xây và phát triển, có thời câu nói “thu thuế, thu được cả lòng dân” không hề là khẩu hiệu. Người cán bộ thuế kiêm thêm vai trò những cán bộ dân vận của Đảng, lặng thầm về các vùng địch hậu, ngày cơm vắt nằm hầm, đêm vận động đồng bào nộp thuế công thương nghiệp, thuế nông nghiệp, thuế điền thổ… ủng hộ kháng chiến.

Để làm nên một chiến thắng Điện Biên lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu là máu đào của Liệt sỹ Phạm Văn Khang và đồng đội nhuộm thắm dòng sông Lô khi bảo vệ những cỗ máy in tiền, tài sản quý báu của ngành Tài chính và Cách mạng.

Để đảm bảo nguồn tài lực phục vụ kháng chiến, có những cán bộ tài chính đã trực tiếp cầm súng, ngã xuống khi bảo vệ cơ sở in tiền duy nhất của vùng Năm Căn, Cà Mau xa xôi. Họ hy sinh nhưng máy móc và nguyên liệu in tiền được cất giữ, bảo vệ bí mật, an toàn, để rồi đồng bạc Cụ Hồ lại ra đời, lưu thông, “mạch máu” kháng chiến không gián đoạn, để vị thế chính quyền Cách mạng ngày càng được củng cố.

Hòa bình lập lại trên một nửa đất nước. Niềm vui xây dựng CNXH ở miền Bắc vừa nhen nhóm thì bom đạn của kẻ thù lại âm mưu đẩy nửa đất nước phía Nam vào cảnh cắt chia vạn dặm. Như một sứ mệnh anh hùng và gian lao, nhiệm vụ chi viện cho miền Nam ruột thịt là yêu cầu lớn đi cùng lời hiệu triệu cứu nước.

Cuộc chiến dằng dặc 20 năm. Hàng vạn cán bộ tài chính đã đeo ba lô lên đường. Họ, ngoài cuốn sổ, cây bút, bàn tính, thùng ngân khố phục vụ hậu cần kháng chiến, còn thêm cây súng như những người lính ngoài mặt trận. Thầm lặng đứng sau mỗi chiến công, hàng vạn cán bộ kinh tài các cấp đã đóng góp máu xương và trí lực cho thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Con số 3.863 liệt sỹ tài chính trong cuốn sổ giản dị nơi Phòng Truyền thống của Ngành ở tầng 10, trụ sở cơ quan Bộ Tài chính ẩn chứa bao số phận, cuộc đời. Trong những dòng tên nối dài, có nhiều cán bộ tài chính ngã xuống đến nay vẫn chưa tìm thấy mộ phần, nhiều người là liệt sỹ khuyết danh. Máu đào của các liệt sỹ tài chính đã góp phần tô thắm màu cờ Tổ quốc, tô thắm truyền thống vẻ vang, hào hùng và lẫm liệt của Ngành.  

Nhận thức vai trò then chốt của “mạch máu tài chính” với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn đất nước bước vào hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và toàn diện, ngành Tài chính đã chủ động đổi mới mạnh mẽ về mọi mặt để khơi thông các nguồn lực phát triển. Đi đôi với đó là nâng cao đạo đức cách mạng của những cán bộ ngành Tài chính, là quản lý chặt chẽ, hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực cho sự phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội đất nước.

Chính sách tài chính đã trở thành công cụ sắc bén trong điều hành kinh tế vĩ mô, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và các thành phần kinh tế phát triển sản xuất, kinh doanh… Từ đó, tiềm lực tài chính đất nước ngày càng được củng cố, các cân đối tài chính lớn được giữ vững và đảm bảo, nguồn thu NSNN năm sau cao hơn năm trước và luôn vượt chỉ tiêu được giao. Các nhiệm vụ chi cho phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng và an sinh xã hội của cả nước không ngừng được đảm bảo  và ngày càng tăng lên. 

Việc kế thừa xuất sắc những giá trị truyền thống của người cán bộ tài chính các cấp khiến Ngành luôn đi đầu trong đổi mới, chủ động đề xuất các giải pháp  quản trị, vận hành đất nước khi Việt Nam bước ra  khỏi chiến tranh. Tinh thần đó giúp toàn Ngành hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu - chi NSNN, xây dựng cơ chế tài chính thời mở cửa, hội nhập. Trí tuệ nhân loại kết hợp với đạo đức, phẩm chất người làm tài chính không ngại khó, ngại khổ  đã tạo nên những mùa xuân kinh tế trên dải đất hình  chữ S thân yêu.

Bởi vậy, khi bước vào thế kỷ XXI,  Tài chính là ngành đi đầu trong cải cách, hiện đại hóa, tạo bước đột phá hiệu quả trong cải cách hành  chính, nâng cao chất lượng phục vụ doanh nghiệp và  người dân. Những dấu ấn trong cải cách hành chính và thủ tục hành chính lĩnh vực Thuế, Hải quan, Kho  bạc Nhà nước, Chứng khoán đã góp phần đáng kể  nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần  xây dựng mô hình “Chính phủ điện tử”, “Chính  phủ kiến tạo” mà Đảng, Nhà nước ta đang quyết liệt  triển khai. Thành quả của chuyển đổi số đã và đang  đưa sự nghiệp tài chính Việt Nam đi đầu trong sứ  mệnh mà dân tộc và thời đại trao gửi.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi công tác tài chính là một trong những “mặt trận” hàng đầu  của người cách mạng. Ngày 20/21952, trong bức thư gửi Hội nghị cán bộ tài chính toàn quốc lần thứ 5, Người đã căn dặn các thế hệ cán bộ tài chính những  sứ mệnh, trách nhiệm đầy sâu sắc, ân cần: “… cần phải ra sức học tập quản lý tài sản quốc gia mà ngành  mình phụ trách. Đồng thời, phải trau dồi đạo đức cách  mạng: Chí công vô tư, cần kiệm liêm chính, một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân…”. 

Tin tưởng rằng, điểm tựa truyền thống và trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân cùng với chuyên môn, trí tuệ, tinh thần đoàn kết sẻ chia, chung tay vượt khó được xây đắp, tôi luyện qua bao thế hệ người làm tài chính các cấp sẽ tiếp sức cho  toàn Ngành hôm nay.

Việc khắc ghi lời dạy của Cha Già dân tộc cùng truyền thống 78 năm với bao bài học kinh nghiệm và giá trị đã trở thành hành trang vô giá của mỗi cán bộ, công chức, viên chức tài chính thế hệ mới để bổ sung vào lịch sử, truyền thống ngành Tài chính Việt Nam những mốc son đẹp trong  kỷ nguyên hiện đại hóa, đưa đất nước tiến bước và vươn lên hùng cường.