Tối đa hóa nguồn thu ngân sách nhà nước nhờ hiện đại hóa quản lý thuế
Thu ngân sách nhà nước năm 2024 là một trong những điểm sáng của nền kinh tế khi đạt và vượt kế hoạch đề ra với con số ấn tượng - tăng gần 20% so với dự toán. Có được kết quả này không thể không kể đến nỗ lực cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý thuế của ngành Tài chính nhằm tối đa hóa nguồn thu ngân sách nhà nước, đảm bảo nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Cải cách, hiện đại hóa mạnh mẽ
Chú trọng cải cách thể chế liên quan đến quản lý thuế, trong năm 2024, ngành Tài chính đã trình Chính phủ, trình Quốc hội thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của nhiều Luật thuộc lĩnh vực tài chính và Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Theo đó, đã rà soát, xử lý những vướng mắc cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế, đề xuất những nội dung, giải pháp quản lý chặt chẽ nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời và sự công bằng của người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế.
Bộ Tài chính cũng đã hoàn thành xây dựng 03 nghị định, 05 thông tư trong lĩnh vực quản lý thuế. Đồng thời, đang nghiên cứu, sớm ban hành 08 thông tư về công tác quản lý thu ngân sách nhà nước để sửa đổi, bổ sung các nội dung quy định tại các thông tư hiện hành nhằm phù hợp với các chính sách thuế mới, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế thực tiễn.
Cùng với cải cách thể chế, ngành Tài chính không ngừng hiện đại hóa quản lý thuế để đáp ứng với sự phát triển ngày càng cao của đời sống kinh tế - xã hội, tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Triển khai cung cấp dịch vụ thuế điện tử, đã có 99,9% doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử với hơn 17,6 triệu số lượng hồ sơ khai thuế điện tử đã tiếp nhận; 99,2% doanh nghiệp đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử với cơ quan thuế; 99,6% doanh nghiệp hoàn thành đăng ký dịch vụ nộp thuế điện tử với ngân hàng với số tiền thuế ước nộp là trên 968,6 nghìn tỷ đồng; 96% doanh nghiệp hoàn thuế điện tử với hơn 16 nghìn hồ sơ, số tiền hoàn là hơn 126 nghìn tỷ đồng...
Ngành Tài chính cũng tích cực triển khai hóa đơn điện tử nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận thuế, trốn thuế. Từ ngày 01/07/2022, Bộ Tài chính chính thức triển khai hệ thống hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc. Từ khi triển khai đến nay, lượng hóa đơn điện tử đã phát hành là trên 11,48 tỷ hóa đơn điện tử. Bộ Tài chính tiếp tục mở rộng triển khai giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền để nâng cao hiệu quả quản lý, chống thất thu thuế đối với lĩnh vực bán lẻ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Từ khi triển khai (ngày 15/12/2022) đến nay, đã có hơn 91,5 nghìn cơ sở kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền với số lượng hóa đơn đã phát hành là hơn 1,26 tỷ hóa đơn.
Một trong những điểm sáng của công tác quản lý thuế năm 2024 là việc cơ quan thuế đã triển khai thành công hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu. Khai thác dữ liệu trên hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung của ngành Thuế cho thấy, chỉ riêng thu ngân sách nhà nước 11 tháng năm 2024 từ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu sau khi áp dụng phát hành hóa đơn điện tử từng lần bán hàng đã có sự tăng trưởng: Thuế bảo vệ môi trường tăng 18% so với thực hiện cùng kỳ năm 2023; thuế giá trị gia tăng 25,6%; thuế thu nhập doanh nghiệp tăng 2,5%… Với kết quả này, Thủ tướng Chính phủ đã có thư khen Bộ Tài chính và cơ quan thuế các cấp.
Đặc biệt, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thuế và hỗ trợ người nộp thuế, cơ quan thuế đã triển khai nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo (AI). Nổi bật là việc triển khai ứng dụng “Trợ lý ảo” - AI Chatbot thí điểm tại Cục Thuế TP. Hà Nội, với hơn 15.000 nội dung hỗ trợ người nộp thuế về chính sách thuế, thủ tục hành chính và các dịch vụ khác, có thể sử dụng mọi lúc, mọi nơi trên thiết bị kết nối internet, bao gồm phiên bản song ngữ.
Đồng thời, ngành Thuế đã nghiên cứu sử dụng AI trong phân tích thông tin hóa đơn điện tử để phát hiện rủi ro gian lận và nghiên cứu hoàn thuế thu nhập cá nhân tự động (dự kiến đưa vào vận hành trong năm 2025). Xây dựng, triển khai trên toàn quốc Bản đồ số hộ kinh doanh và Bản đồ số mỏ khoáng sản. Ngoài ra, đã hoàn thành 148 phiên bản nâng cấp ứng dụng công nghệ thông tin để đảm bảo hiệu quả quản lý và hỗ trợ người nộp thuế.
Trong lĩnh vực hải quan, ngành Tài chính tiếp tục triển khai, vận hành và hoàn thiện Hệ thống giám sát, quản lý hải quan và một số phần mềm như: Hệ thống tiếp nhận kiểm tra, xác nhận Bản kê thông tin hàng hóa nhập khẩu điện tử đối với hàng hóa nhập khẩu quan cửa khẩu đường bộ, đường thủy nội địa; Hệ thống quản lý cửa hàng kinh doanh hàng miễn thuế… Bên cạnh đó, đã triển khai thí điểm việc thanh toán thuế, phí liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu thông qua các trung gian thanh toán.
Cơ quan hải quan đã sử dụng seal định vị điện tử để niêm phong, giám sát hải quan đối với hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan. Cùng với đó, tiếp tục quản lý, giám sát và đảm bảo vận hành Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS và các hệ thống công nghệ thông tin tập trung của ngành Hải quan ổn định 24/7... nhằm đảm bảo thông quan thông suốt nhưng vẫn tăng cường hiệu quả quản lý, thu đúng, thu đủ, chống thất thu ngân sách nhà nước.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin
Những nỗ lực của ngành Tài chính trong công tác thu, chống thất thu ngân sách nhà nước đã được Lãnh đạo Chính phủ cũng như các tổ chức, cá nhân đánh giá cao, là một trong những yếu tố giúp thu ngân sách nhà nước năm 2024 đạt kết quả tích cực. Trao đổi với Tạp chí Tài chính, nhiều đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao nỗ lực đảm bảo nguồn thu của ngành Tài chính.
Theo các đại biểu, ngành Tài chính đã triển khai nhiều biện pháp đổi mới, cải cách, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, đảm bảo thu đúng, thu đủ vào ngân sách nhà nước, kể cả việc thu vào ngân sách đối với những đối tượng khó thu như: thương mại điện tử, nhà cung cấp nước ngoài… Điều này thể hiện sự nỗ lực của ngành Tài chính để cân đối, tối đa hóa nguồn thu vào ngân sách nhà nước. Nhờ đó, thu ngân sách các năm qua đều vượt mặc dù thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế.
Trong năm 2025, ngành Tài chính tiếp tục xác định cải cách hành chính, hiện đại hóa quản lý thuế là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách. Trong đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hiện đại hóa công tác quản lý, điều hành, giải quyết thủ tục hành chính thuế, bảo đảm gắn kết chặt chẽ, đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế. Rà soát, chuẩn hóa thủ tục hành chính thuế theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch, phấn đấu 100% dịch vụ công trực tuyến của ngành Thuế đạt mức toàn trình, đủ điều kiện được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Toàn Ngành tiếp tục nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến trên Cổng thuế điện tử, Cổng dịch vụ công Bộ Tài chính và tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia; thực hiện theo dõi, giám sát, đánh giá chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, vận hành tốt hệ thống công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng các phần mềm quản lý thuế, khai, nộp và hoàn thuế điện tử nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thuế.
Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan thuế tập trung triển khai hiệu quả hóa đơn điện tử, đảm bảo vận hành hệ thống ổn định, an toàn và đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ. Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc phát hành hóa đơn điện tử từng lần bán hàng, đặc biệt trong kinh doanh xăng dầu, với mục tiêu đến cuối tháng 6/2025, đạt ít nhất 95% cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên toàn quốc sử dụng giải pháp kết nối tự động. Đồng thời, rà soát, xây dựng cơ sở dữ liệu và giao chỉ tiêu triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền phù hợp với thực tiễn địa phương.
Cơ quan hải quan tiếp tục triển khai hiệu quả Cơ chế một cửa ASEAN với các nước thành viên theo lộ trình, kế hoạch chung của ASEAN và kết nối với các đối tác ngoài ASEAN theo đúng các điều ước, thỏa thuận quốc tế. Đồng thời, tiếp tục xây dựng Kế hoạch hành động triển khai Cơ chế một cửa Quốc gia, thúc đẩy công nghiệp logistics và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2023-2026; triển khai dự án mở rộng Cổng thông tin một cửa quốc gia và kết nối cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 3 và giai đoạn tiếp theo.
Đặc biệt, cơ quan hải quan chú trọng triển khai Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại tuyến đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119-1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) theo Quyết định số 865/QĐ-TTg ngày 17/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó, nâng cao năng lực, hiệu suất thông quan, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng.