Tổng công ty Đường sắt muốn cùng Vingroup đầu tư hạ tầng
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) nhất trí cùng Vingroup triển khai các bước tiếp theo nhằm hiện thực hóa mục tiêu trở thành nhà đầu tư vào dự án nâng cấp, cải tạo các nhà ga đường sắt mà ngành giao thông kêu gọi xã hội hóa.
Tại văn bản phản hồi đề nghị của Tập đoàn Vingroup về việc đầu tư xây dựng và thuê sử dụng các khu ga Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn mới đây, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) mong muốn Vingroup trở thành “đối tác chiến lược trong việc khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt mà Nhà nước giao cho Tổng công ty quản lý”.
VNR cho rằng điều này sẽ giúp khai thác có hiệu quả và giảm áp lực đầu tư từ ngân sách.Cụ thể, lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt cho biết, phần diện tích chạy tàu và phục vụ hành khách các khu ga do Vingroup cải tạo, nâng cấp rồi bàn giao lại cho ngành đường sắt khai thác.
Trong khi toàn bộ diện tích không phục vụ chạy tàu sẽ được đầu tư mở rộng và cải tạo phục vụ việc khai thác kinh doanh thương mại và dịch vụ trên cơ sở được quy hoạch.
Dù vậy, phương án kinh doanh sẽ do hai bên thống nhất trên cơ sở thiết kế quy hoạch cũng như mức đầu tư mà doanh nghiệp bỏ ra.
Trước đó, văn bản chính thức đề nghị hợp tác đã được Vingroup gửi đến ngành đường sắt vào cuối tháng 6, sau một thời gian dài tìm hiểu theo đề nghị xã hội hóa hạ tầng đường sắt của Bộ Giao thông Vận tải.
Vào giữa tháng 7 vừa qua, Tập đoàn một lần nữa thể hiện quyết tâm khi thông báo với Bộ chủ quản sẽ phối hợp cùng VNR trình phương án hợp tác đối với 2 nhà ga Sài Gòn và Hà Nội trước ngày 30/7 này.
Trước mắt, doanh nghiệp cho biết đã thảo luận và thống nhất với Tổng công ty một số tiêu chí hợp tác như đảm bảo nhà ga được hoạt động liên tục, nâng cao hiệu quả tài chính và phù hợp với quy hoạch của địa phương.
Còn với ga Đà Nẵng, Vingroup đã đề xuất triển khai dự án theo hình thức Xây dựng – Chuyển giao (BT) và kiến nghị Bộ Giao thông sớm có hướng dẫn cụ thể.
Tuy nhiên, trong số 3 ga kể trên, ngoài ga Đà Nẵng đã được ngành đường sắt và thành phố thống nhất kế hoạch di dời và xây mới thì hai ga còn lại vẫn chưa rõ chủ trương cụ thể về phương án thực hiện đầu tư.
Hồi tháng 4 vừa qua, thông tin một số tập đoàn tư nhân lớn, trong đó có Vingroup muốn đầu tư vào các dự án nhà ga đường sắt được Bộ trưởng Đinh La Thăng hé lộ tại một cuộc họp về xã hội hóa các dự án đường sắt.
Bộ trưởng yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các đơn vị có liên quan nghiên cứu lộ trình nhượng quyền khai thác.