Tổng cục Hải quan đối thoại với doanh nghiệp Nhật Bản
Ngày 9/8, tại TP. Hồ Chí Minh, Tổng cục Hải quan đã tổ chức Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp Nhật Bản về chính sách, thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan năm 2023.
Hội nghị đối thoại lần này được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, với sự tham gia của hơn 170 đại biểu đại diện cho hơn 150 doanh nghiệp Nhật Bản trên địa bàn khu vực phía Nam.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Bắc Hải - Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết: "Hội nghị đối thoại là hoạt động cụ thể, thiết thực nhằm thực hiện chủ trương của ngành Tài chính và cam kết của cơ quan Hải quan là luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tăng cường sự hiểu biết, đồng thuận giữa cơ quan Hải quan với cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản".
Đây cũng là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp trao đổi, thảo luận trực tiếp cùng cơ quan Hải quan nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực thi pháp luật và hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về hải quan; qua đó góp phần năng cao năng lực quản lý và thực thi pháp luật của mỗi bên. Đồng thời cũng là dịp để cơ quan quản lý lắng nghe các khó khăn, vướng mắc từ phía doanh nghiệp nhằm hướng dẫn, giải đáp, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách.
Tại hội nghị, đại diện các đơn vị của Tổng cục Hải quan đã dành nhiều thời gian giới thiệu, hướng dẫn về một số quy định chính sách mới ban hành trong năm 2023. Đồng thời, giải đáp các câu hỏi của các doanh nghiệp xung quanh những vấn đề liên quan đến công tác quản lý hải quan như: thủ tục xuất, nhập khẩu khi khai báo hợp đồng gia công xuất khẩu trễ hạn, mở tờ khai thuế xuất, khai báo hải quan với hợp đồng gia công hàng hóa dư thừa lưu trữ kho, thủ tục hoàn thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất...
Trong phần giới thiệu những điểm mới của Thông tư số 33/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính, bà Lê Nguyễn Việt Hà - Trưởng Phòng Giám sát, quản lý xuất xứ hàng hóa và Sở hữu trí tuệ (Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan) cho rằng, Thông tư này khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện những quy định trước đó, như: việc khai và nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ; nộp bổ sung C/O sau khi hàng hoá đã thông quan; nộp C/O đối với trường hợp hàng hoá thay đổi đích sử dụng; quy định liên quan đến thời điểm nộp C/O; trừ lùi C/O cho hàng hóa gửi kho ngoại quan...
Cùng với đó, Thông tư hướng dẫn cụ thể việc kiểm tra xuất xứ tại các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (như CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP...). Đặc biệt, cơ quan quản lý áp dụng các phương thức quản lý mới phù hợp với xu hướng tạo thuận lợi thương mại, sử dụng chứng từ điện tử thay thế cho chứng từ giấy, bảo lãnh cho hàng hóa nợ, thay đổi hình thức nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Sau hội nghị, Tổng cục Hải quan vẫn tiếp nhận tất cả các ý kiến của doanh nghiệp, ghi nhận các kiến nghị hợp lý, từ đó nghiên cứu để tiếp tục xây dựng chính sách; giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.