Tổng cục Hải quan giao thu ngân sách tăng thêm cho 29 Cục Hải quan
Ngày 30/01/2019, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã ban hành Chỉ thị số 723/CT-TCHQ về việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, chống thất thu trong triển khai nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2019.
Ngày 30/01/2019, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã ban hành Chỉ thị số 723/CT-TCHQ về việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, chống thất thu trong triển khai nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2019.
Theo đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan giao chỉ tiêu phấn đấu thu ngân sách tăng thêm cho 29/35 Cục Hải quan tỉnh, thành phố bao gồm: Các Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Quảng Nam, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hà Nam Ninh, Long An, Lào Cai, Nghệ An, Tây Ninh, Thừa Thiên Huế, Bình Phước, Đắk Lắk, Quảng Trị, Hà Giang, Gia Lai - Kon Tum, Cao Bằng, Kiên Giang, An Giang, Quảng Bình, Đồng Tháp và Điện Biên.
Trong đó, có 4 Cục Hải quan (TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đồng Nai, Bình Dương) được giao chỉ tiêu phấn đấu thu ngân sách cao hơn chỉ tiêu dự toán từ 900 tỷ đồng trở lên.
Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị thuộc và trực thuộc tập trung hoàn thiện hệ thống pháp lý, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa đi đôi với nâng cao hiệu quả quản lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Đồng thời, tạo thuận lợi thương mại, cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp.
Cơ quan Hải quan tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, trong đó tập trung kiểm tra về số lượng, trị giá, mã số, xuất xứ... đối với các mặt hàng có thuế suất cao, kim ngạch nhập khẩu lớn, tần suất xuất khẩu nhiều.
Tổng cục Hải quan đánh giá, năm 2019 là năm bắt đầu thực hiện một số Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới như: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu, đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Do đó, cơ quan Hải quan sẽ gặp khó khăn, phức tạp hơn trong công tác xác định xuất xứ hàng hóa để được hưởng các ưu đãi thuế quan.
“Yêu cầu các đơn vị xây dựng các phương án, chương trình kiểm soát trong đó chú trọng kiểm tra Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O), chủ động xác minh, làm rõ các trường hợp nghi vấn gian lận xuất xứ, tránh trục lợi, gian lận thương mại gây thất thu ngân sách nhà nước”, Chỉ thị số 723/CT-TCHQ nêu rõ.
Cùng với các nội dung trên, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị thuộc và trực thuộc thực hiện kiểm tra tại 3 cấp (cấp Tổng cục, cấp Cục và cấp Chi cục) theo đúng quy chế kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với việc thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan ban hành kèm theo Quyết định số 4398/QĐ-TCHQ ngày 20/12/2016 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan. Qua đó, phát hiện các sơ hở, sai sót trong quá trình tổ chức thực thi để chấn chỉnh, khắc phục kịp thời nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất..
Ngoài ra, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; duy trì kỷ cương, kỷ luật trong thực thi nhiệm vụ; tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ cho cán bộ công chức và người lao động; chú trọng giáo dục đạo đức nghề nghiệp, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, chuyên nghiệp…