Tổng cục Hải quan gỡ vướng cho doanh nghiệp sau hội nghị đối thoại

Theo baohaiquan.vn

Để tạo điều kiện cho DN nắm bắt nhanh các quy định của pháp luật trong đến lĩnh vực hải quan, ngay sau hội nghị đối thoại kết thúc, Tổng cục Hải quan đã tích cực chủ động giải đáp các vướng mắc gỡ vướng liên quan đến các quy định của Thông tư 38/2015/TT-BTC (gọi tắt là Thông tư 38).

Hải quan Lạng Sơn hướng dẫn DN làm thủ tục hải quan.
Hải quan Lạng Sơn hướng dẫn DN làm thủ tục hải quan.

Theo Công ty TNHH Shiseido Việt Nam, DN được biết hiện nay Bộ Tài chính sắp ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư 38, xin hỏi Tổng cục Hải quan có tổ chức tập huấn, hướng dẫn, giải đáp vướng mắc cho DN về Thông tư sửa đổi này không?

Bên cạnh đó, DN loại hình sản xuất XK nhưng tại thời điểm mở tờ khai đã nộp thuế NK và GTGT đầy đủ, nộp C/O hợp lệ để hưởng ưu đãi đặc biệt. Sau hơn 1 năm do không có nhu cầu sản xuất hết nên DN xin chuyển loại hình và tiêu hủy nguyên vật liệu và cơ quan Hải quan tính lại thuế NK ưu đãi thông thường (do quá 1 năm) và thu thuế chênh lệch so với thuế đã nộp ban đầu. DN kiến nghị Tổng cục Hải quan xem xét trường hợp này vì nếu ban đầu DN NK loại hình nhập đầu tư kinh doanh thì DN đã nộp thuế đầy đủ nhưng do nhập theo loại hình sản xuất XK nên khi chuyển loại hình hay tiêu hủy quá 1 năm thì phải chịu tính lại thuế không ưu đãi.

Vậy DN phải tính định mức theo từng lô hay bình quân theo một kỳ nhất định? Phải báo mã sản phẩm như thế nào nếu có nhiều định mức khác nhau trong khi hệ thống của cơ quan Hải quan chỉ hiểu 1 mã sản phẩm ứng với 1 định mức?

Về vấn đề DN hỏi, Tổng cục Hải quan cho biết, khi Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 38 được ban hành, Tổng cục Hải quan sẽ tổ chức các hội thảo tuyên truyền, tập huấn (hoặc giao các cục hải quan địa phương hướng dẫn DN). Trường hợp có vướng mắc, đề nghị DN liên hệ cục hải quan nơi DN làm thủ tục hải quan hoặc có văn bản gửi về Tổng cục Hải quan để được hướng dẫn.

Liên quan đến nội dung DN phản ánh, ngày 21/7/2015 Bộ Tài chính đã có Công văn số 9893/BTC-TCHQ gửi Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh hướng dẫn thực hiện. Theo đó, trường hợp tại thời điểm đăng ký tờ khai NK mới do thay đổi mục đích sử dụng từ nhập sản xuất xuất khẩu sang tiêu thụ nội địa, nếu Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) của lô hàng đã hết hiệu lực (quá 1 năm kể từ ngày cấp) thì lô hàng đó không được áp dụng thuế suất thuế NK ưu đãi đặc biệt.

Theo Tổng cục Hải quan, căn cứ quy định tại Điều 55 Thông tư 38 thì trước khi thực hiện sản xuất, tổ chức, cá nhân phải xây dựng định mức sử dụng và tỷ lệ hao hụt dự kiến đối với từng mã sản phẩm. Trong quá trình sản xuất nếu có thay đổi thì phải xây dựng lại định mức thực tế, lưu giữ các chứng từ, tài liệu liên quan đến việc thay đổi định mức. Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về tính chính xác của định mức sử dụng, định mức tiêu hao, tỉ lệ hao hụt và sử dụng định mức vào đúng mục đích gia công, sản xuất XK. Trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật, không yêu cầu DN phải thông báo định mức với cơ quan Hải quan.

Công ty TNHH hương gia vị Sơn Hà phản ánh, DN gặp nhiều khó khăn khi NK qua bưu điện Hà Nội vì cơ quan Hải quan vẫn yêu cầu có công văn giải tỏa hàng được ký bởi cơ quan kiểm dịch liên quan đến mẫu (quế, tiêu) theo quy định tại Khoản 2 Điều 14 Nghị định 38 và Điều 3 Chương I Thông tư 12/2015 của Bộ NN&PTNT.

Về vấn đề DN phản ánh, Tổng cục Hải quan cho biết, theo trích dẫn của DN tại Khoản 2, Điều 14 Nghị định số 38 của Chính phủ và Điều 3, Chương I Thông tư số 12/2015/TT-BNN của Bộ NN&PTNT thì hàng hóa NK là mẫu thử nghiệm, nghiên cứu (Quế, tiêu) không thuộc đối tượng kiểm tra an toàn thực phẩm.

Theo quy định tại Điểm a, Khoản 2 Điều 1 Thông tư số 30/2014/TT-BNN&PTNT ngày 5/9/2014 của Bộ NN&PTNT và Quyết định số 2515/QĐ/BNN-BTVT ngày 29/6/2015 thì hàng hóa NK là mẫu thử nghiệm, nghiên cứu thuộc diện phải kiểm dịch.

Do đó, trường hợp của DN chỉ được miễn kiểm tra an toàn thực phẩm không được miễn thủ tục kiểm dịch. Vì vậy, Tổng cục Hải quan đề nghị DN nghiên cứu quy định tại Thông tư số 30/2014/TT-BNN&PTNT ngày 5/9/2014 của Bộ NN&PTNT, Quyết định số 2515/QĐ/BNN-BTVT ngày 29/6/2015 của Bộ NN&PTNT để thực hiện.

Công ty TNHH Perstima Việt Nam hỏi, DN có thể thực hiện các quy định của Thông tư 38 để làm thủ tục hoàn thuế cho sản phẩm thiếc thỏi XK hay không?

DN lý giải, DN B mua quặng thiếc từ Lào để sản xuất thiếc thỏi bán cho DN A và sau đó XK. Theo Thông tư 38 thì DN A không phải đóng thuế XK khi xuất thiếc thỏi ra nước ngoài. Tuy nhiên sau khi Luật Thuế XK, thuế NK và Nghị định 134/2016 được ban hành thì DN A phải đóng thuế XK cho sản phẩm thiếc thỏi XK. Do chưa có Thông tư hướng dẫn Nghị định 134/2016 nên chi cục hải quan nơi DN A làm thủ tục hải quan không thể trả lời cho DN là DN có được hoàn thuế XK cho mặt hàng thiếc thỏi hay không (mặc dù thiếc thỏi được sản xuất từ quặng thiếc NK)?

Vướng mắc của DN nêu chưa rõ nên Tổng cục Hải quan chưa đủ cơ sở để trả lời. Tuy nhiên, DN có thể nghiên cứu quy định tại Điều 16 Luật thuế XK, thuế NK; từ Điều 5 đến Điều 29 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP của Chính phủ để thực hiện, theo đó thì trường hợp DN XK sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ nguyên liệu NK thì phải nộp thuế XK theo quy định.

Công ty TNHH Mountech đề nghị được chịu trách nhiệm về việc chuyển tiếp nguyên phụ liệu sang hợp đồng gia công kế tiếp mà không phải chờ duyệt của cơ quan Hải quan. Để kiểm tra nguyện phụ liệu nhận gia công còn tồn, cơ quan Hải quan có thể đến đơn vị bất cứ lúc nào. Như vậy sẽ có thuận lợi về mặt thực tiễn cho cả DN và cơ quan Hải quan (không phải xuất âm nguyện phụ liệu vì phải mượn vật tư của hợp đồng gia công trước chưa được ký thanh khoản và chuyển tiếp vật tư).

Tổng cục Hải quan cho rằng, căn cứ quy định tại Điều 64 Thông tư 38 thì trường hợp chuyển nguyên liệu, vật tư; máy móc, thiết bị thuê, mượn theo chỉ định của bên đặt gia công sang hợp đồng gia công khác cùng hoặc khác đối tác nhận, đặt gia công thực hiện theo thủ tục XNK tại chỗ quy định tại Điều 86 Thông tư này. Đề nghị DN thực hiện theo đúng quy định nêu trên.