Tổng cục Thuế phát hiện hơn 14.000 tài khoản có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử

Theo: baohaiquan.vn

Câu chuyện về quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) đang nóng lên trong thời gian gần đây với 2 trường hợp bị Cục Thuế TP.HCM truy thu hàng tỷ đồng tiền thuế do có doanh thu được nhận từ các trang mạng xã hội như Facebook, Google, YouTube… Trao đổi với báo chí, ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ chính sách thuế, Tổng cục Thuế đã có những chia sẻ về công tác quản lý thuế đối với những trường hợp này.

Ảnh minh họa: Nguồn: internet
Ảnh minh họa: Nguồn: internet
Thực tế cho thấy, hiện nay không ít cá nhân có thu nhập liên quan đến hoạt động TMĐT, mà cụ thể là các trang mạng điện tử của nước ngoài như: Google, Facebook… Vậy, hệ thống pháp luật quản lý thuế đã có quy định như thế nào để quản lý những trường hợp này thưa ông?

Việc thu thuế những trường hợp này được căn cứ theo quy định của Luật Quản lý thuế. Theo đó nếu tổ chức, cá nhân có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm thì phải kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và thuế giá trị gia tăng (GTGT).

Hoạt động kinh doanh TMĐT có thể phát sinh thu nhập từ 2 chiều. Thứ nhất, trường hợp các tổ chức, cá nhân sống tại Việt Nam có thể thông qua các trang mạng (Google, Facebook) để thực hiện quảng cáo, hoặc phối hợp ký kết các hợp đồng, thông qua đó để kinh doanh thì phải có nghĩa vụ trả một khoản tiền cho các trang mạng này. Như vậy là phát sinh khoản thu nhập từ phía Việt Nam cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Với trường hợp này, theo quy định của pháp luật, thì các tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập (tại Việt Nam) phải thực hiện khấu trừ thuế trước khi trả cho các tổ chức, cá nhân có trang mạng TMĐT (nước ngoài).

Thứ hai là trường hợp thông qua các trang mạng này, các tổ chức hoặc cá nhân tại Việt Nam cũng có thể có những khoản thu nhập từ các trang mạng này khi cung cấp các dịch vụ cho các trang TMĐT. 

Theo quy định của Luật Quản lý thuế, các tổ chức, cá nhân có phát sinh thu nhập từ các trang mạng này phải thực hiện kê khai và nộp thuế theo quy định pháp luật thuế với cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

Các quy định pháp luật về đối tượng chịu thuế có thể nói cũng khá rõ ràng. Vậy cơ quan Thuế đã có những hành động gì để quản lý thuế những cá nhân có phát sinh thu nhập từ hoạt động kinh doanh qua TMĐT?


Trong thời gian qua, Tổng cục Thuế đã tiến hành rà soát, phát hiện có hơn 14.000 tài khoản có hoạt động kinh doanh TMĐT. Từ đó, Tổng cục Thuế đã thông báo cho Cục Thuế TP.Hồ Chí Minh và Cục Thuế Hà Nội hơn 14.000 tài khoản này.

Tổng cục Thuế cũng đã có văn bản yêu cầu các cục thuế hướng dẫn, tuyên truyền chính sách pháp luật về thuế cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT này hiểu, để thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định. Yêu cầu cơ quan Thuế các cấp tiến hành rà soát, nắm rõ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT, từ đó đôn đốc người nộp thuế có hoạt động kinh doanh TMĐT phải đăng ký kê khai, nộp thuế theo quy định.

Tổng cục Thuế cũng yêu cầu cơ quan Thuế thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với các cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT, nhằm đưa công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT vào nề nếp. Đồng thời yêu cầu cơ quan Thuế các cấp phải tham mưu với UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ quan ban, ngành có liên quan (sở Công thương, sở Kế hoạch và Đầu tư, Công an tỉnh, sở Thông tin và Truyền thông…) phối hợp với cơ quan Thuế để tiến hành quản lý thuế đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT trên địa bàn.

Mặt khác, cơ quan Thuế cũng đã phối hợp với các tổ chức tín dụng để trao đổi thông tin dữ liệu theo quy định tại Thông tư Liên tịch số 102/2010/TTLT-BTC-NHNN. Theo đó, các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện cung cấp các tài liệu có liên quan để xác định nghĩa vụ thuế đối với người nộp thuế.

Vậy với những trường hợp đã tiến hành rà soát và bị phát hiện có phát sinh thu nhập chịu thuế cơ quan Thuế sẽ xứ lý như thế nào, thưa ông?

Trong thời gian qua, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã tiến hành rà soát và phát hiện một số cá nhân có thu nhập thông qua hoạt động kinh doanh TMĐT. Mà cụ thể là thông qua các trang mạng điện tử như Google, Facebook… 

Trường hợp cá nhân kinh doanh phải nộp thuế mà không kê khai và nộp thuế, thì cơ quan thuế có thẩm quyền xử phạt theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Trường hợp qua thanh tra, kiểm tra, cơ quan Thuế xác định được tổ chức, cá nhân không đăng ký, kê khai thuế, hoặc có hành vi trốn thuế thì cơ quan Thuế sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để tiến hành điều tra, khởi tố theo quy định của pháp luật.

Vậy với trường hợp cá nhân bị truy thu thuế tại Quảng Nam đến thời điểm này vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước thì sẽ xử lý ra sao, thưa ông?

Với trường hợp này, nếu như cơ quan Thuế có đủ cơ sở xác định cá nhân có hành vi trốn thuế, thì cơ quan Thuế sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an, đề nghị điều tra. Trường hợp có dấu hiệu của tội trốn thuế sẽ khởi tố vụ án theo quy định của pháp luật.