Tổng thống Mỹ nói đến khả năng nhiều nước cùng xả kho dầu dự trữ chiến lược
Kế hoạch này được thực hiện bổ sung với việc phối kết hợp với Trung Quốc và nhiều nước châu Á khác xả kho dầu dự trữ chiến lược, sáng kiến mà Washington khởi xướng vào tháng 11/2021.
Vào ngày thứ Năm, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng Mỹ đang hợp tác với nhiều nước khác để cùng tính đến việc xả dầu từ kho dự trữ chiến lược, một nguồn tin khác cho hay các cuộc đối thoại hiện vẫn chỉ đang ở giai đoạn ban đầu, theo nội dung bài báo mới được Reuters đăng tải.
“Chúng tôi đang làm việc tích cực với các nước trên khắp thế giới nhằm cùng nhau xả dầu từ kho dự trữ chiến lược của những nước tiêu thụ nhiều năng lượng trên thế giới. Mỹ cũng sẽ mở kho dầu bổ sung nếu điều kiện cho phép”, ông Biden nói với phóng viên.
Một nguồn tin thân cận với vụ việc nhấn mạnh trước khi ông Biden có bài phát biểu: “Chúng tôi đang cân nhắc các lựa chọn thông qua IEA. Các đợt tấn công của Nga mới bắt đầu, chính vì vậy cần phải nhanh chóng tính đến việc xả dầu dự trữ”.
IEA, cơ quan giám sát cho các nước phát triển, đã không phản hồi các đề nghị bình luận.
Kế hoạch này được thực hiện bổ sung với việc phối kết hợp với Trung Quốc và nhiều nước châu Á khác xả kho dầu dự trữ chiến lược, sáng kiến mà Washington khởi xướng vào tháng 11/2021 nhằm đương đầu với tình trạng lạm phát. Cho đến nay, Mỹ đã xả khoảng 50 triệu thùng dầu từ dự trữ chiến lược (SPR) thông qua việc bán và trao đổi, còn Trung Quốc vẫn trì hoãn kế hoạch này.
Mức độ tham gia của Trung Quốc vào việc xả kho dầu dự trữ chiến lược như được nói đến ở trên hiện chưa được công bố rõ ràng.
Hội đồng An ninh Nhà Trắng cho đến nay không phản hồi đề nghị bình luận.
Vào ngày thứ Năm, Nhật và Australia cũng công bố sẽ xả kho dầu dự trữ cùng với nhiều thành viên khác thuộc IEA nếu nguồn cung chịu tác động nặng nề bởi bạo lực tại Ukraina.
Tổng dự trữ dầu của nhóm nước thuộc IEA tính đến cuối tháng 12/2021 ước tính khoảng 4,16 tỷ thùng, trong đó có 1,5 tỷ thùng trong các dự trữ khẩn cấp.
Năm 2011, trong lần công bố xả dự trữ dầu kết hợp, Mỹ và các nước thành viên IEA xả ước chừng khoảng 60 triệu thùng dầu vào thị trường toàn cầu nhằm ứng phó với việc sản lượng dầu tại Lybia giảm đi do nội chiến.
Dự trữ dầu chiến lược của Mỹ ước tính khoảng 582,4 triệu thùng – ngưỡng thấp nhất trong nhiều năm, tuy nhiên nó vẫn cao hơn ngưỡng mà một nước thành viên IEA cần phải nắm giữ.
Thị trường chứng khoán nhiều nước châu Á giảm trong phiên ngày thứ Năm. Đồng USD, giá vàng và giá dầu tăng, lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ hạ bởi những nỗi sợ về khả năng Nga tấn công quân sự toàn diện Ukraina.
Khi mà châu Âu trải qua một trong những cuộc khủng hoảng an ninh tồi tệ nhất trong thời kỳ hậu Chiến tranh Thế giới thứ Hai, giá dầu tăng 1% trong phiên sáng ngày thứ Năm khi mà Nga bắt đầu tấn công Ukraina.
Đóng cửa phiên, giá dầu Brent tăng gần 4USD tương đương 3,92% tương đương 107,57USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI tăng 85 cent tương đương 0,9% lên 92,95USD/thùng.