Tổng thống Pháp thăm Trung Quốc: “Định nghĩa” lại chính sách châu Á
Hôm nay, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bắt đầu chuyến công du Bắc Kinh, trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của châu Âu đến thăm quốc gia châu Á kể từ sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc. Giới phân tích đánh giá đây sẽ là cơ hội để nhà lãnh đạo này tạo cầu nối thuận lợi hơn cho các tập đoàn của Pháp và từng bước định hình chính sách đối ngoại vốn còn khá mông lung đối với khu vực này.
Hành trang thương mại và kinh tế
Tháp tùng Tổng thống Macron trong chuyến công du lần này là phái đoàn hùng hậu gồm 50 giám đốc điều hành các tập đoàn lớn của Pháp như “gã khổng lồ” trong lĩnh vực hạt nhân EDF và Areva, nhà hoạch định chính sách Airbus và tập đoàn khách sạn Accor, cũng như đại diện các hãng trong lĩnh vực chế biến thực phẩm Pháp.
Trong chuyến thăm chính thức đầu tiên tới nền kinh tế lớn thứ hai thế giới kể từ tháng 5, Tổng thống Macron dự kiến sẽ thúc đẩy sân chơi công bằng hơn trong quan hệ thương mại. Mục tiêu này đặc biệt quan trọng khi thâm hụt thương mại của Pháp với Trung Quốc lên tới 30 tỷ euro. Giới chức Paris thừa nhận ông chủ Điện Elysse nuôi tham vọng tái cân bằng, có được sự tương hỗ lẫn nhau nhiều hơn trong tiếp cận thị trường Trung Quốc và điều kiện cạnh tranh bình đẳng hơn. Sự tương hỗ ở đây được hiểu là sự tiếp cận dễ dàng hơn đối với các công ty nước ngoài trong các ngành nghề, lĩnh vực được nhà nước bảo hộ của nền kinh tế Trung Quốc. Giới chức Bắc Kinh gọi khái niệm này là “sự cân đối” trong một nền kinh tế mới nổi.
Giống như những nước phương Tây khác, người Pháp từ lâu phàn nàn các quy định của Trung Quốc về đầu tư nước ngoài, các yêu cầu đối với chuyển giao công nghệ và điều khoản bắt buộc phải liên doanh với công ty Trung Quốc cùng hoạt động trong lĩnh vực đó. Các nhà sản xuất ô tô Renault và Peugeot - Citroen của Pháp đã thiết lập được quan hệ đối tác với các công ty trong nước nhưng thành công tại thị trường xe hơi lớn nhất thế giới với hơn 1 tỷ dân này vẫn rất hạn chế. Giới chức Pháp hy vọng sự nổi lên của tầng lớp trung lưu tại Trung Quốc sẽ mang lại cho các công ty Pháp, có xu hướng chuyên về sản phẩm tiêu dùng, lợi thế hơn so với các đối thủ Đức vốn tập trung vào lĩnh vực máy móc và thiết bị.
Nhưng bên cạnh cuộc đua thông thường về thị phần, các cố vấn cho biết Tổng thống Macron cũng sẽ bảo vệ đường dây Liên minh châu Âu (EU) thương mại tự do hơn giữa các khối, trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump chủ trương theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ. Là Bộ trưởng Kinh tế trong chính phủ của đảng Xã hội trước đây, ông Macron đã đi đầu cuộc chiến siết chặt các quy định về chống bán phá giá của EU đối với sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc. Tháng 6/2017, Tổng thống Macron kêu gọi Ủy ban châu Âu xây dựng hệ thống giám sát hoạt động đầu tư của nước ngoài vào các lĩnh vực chiến lược, vốn gây ra phản ứng dữ dội từ Trung Quốc.
Theo nhà phân tích Alice Ekman của tổ chức IFRI trụ sở tại Paris, về bề ngoài, chuyến đi diễn ra suôn sẻ và không có bất kỳ phát biểu hớ hênh nào vì cả 2 nhà lãnh đạo đều đủ khôn ngoan và đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt vẫn là mỗi bên sẽ tiếp tục bảo vệ ưu tiên của mình trong quan hệ song phương. Nói cách khác, Pháp và Trung Quốc sẽ không có nhiều nhân nhượng.
Tìm chỗ đứng ở khu vực
Chuyến đi cũng sẽ là cơ hội để vị Tổng thống 40 tuổi này xác định vai trò của nước Pháp tại châu Á. Từ khi nhậm chức, ông Macron chủ yếu tập trung vào châu Âu và các nước láng giềng tại Lục địa Già mà có phần xao nhãng một phần quan trọng khác của thế giới là châu Á và Trung Quốc.
Tuy nhiên, Trung Quốc và Pháp có nhiều vấn đề phải bàn ngoài kinh tế. Trước tiên, là đề xuất của Paris về việc Liên minh châu Âu (EU) tiến hành những chiến dịch tuần tra hải quân tại Biển Đông. Pháp, tương tự như hầu hết các nước châu Âu, đã hoan nghênh phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế La Haye về Biển Đông - một phán quyết tố cáo Trung Quốc tăng cường hiện diện trên nhiều hòn đảo đang tranh chấp.
Vấn đề lớn khác liên quan đến châu Á mà chính quyền Macron phải đối mặt là đà vươn lên về kinh tế của Trung Quốc. Một số nước châu Âu, trong đó có Pháp, Anh, Đức, Ba Lan và Italy, đã tham gia với tư cách thành viên sáng lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB), một sáng kiến Bắc Kinh đưa ra năm 2015. Pháp cũng không thể dửng dưng trước các sự kiện như công trình xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Belgrad - Budapest được giao cho một tập đoàn Trung Quốc, hoặc việc quản lý cảng Pirée ở Hy Lạp lọt vào tay một nhóm Trung Quốc.
Trong hoàn cảnh đó, đề nghị của Tổng thống Emmanuel Macron về việc tăng cường đoàn kết châu Âu để đối phó với Trung Quốc, một cường quốc thương mại và đầu tư toàn cầu, có vẻ rất hợp lý. Chương trình hành động của ông Macron nói rõ là cần phải hợp tác với Trung Quốc (và Ấn Độ) về các vấn đề khí hậu, phù hợp với Thỏa thuận Khí hậu COP21 tại Paris. Nhưng có lẽ như vậy là chưa đủ.