Tổng thống Trump lệnh cho ByteDance thoái vốn khỏi TikTok trong 90 ngày
Tổng thống Donald Trump hôm thứ Sáu đã ra lệnh cho ByteDance thoái vốn khỏi các hoạt động của ứng dụng chia sẻ video TikTok tại Mỹ trong vòng 90 ngày, nỗ lực mới nhất nhằm tăng áp lực lên công ty của Trung Quốc do lo ngại về sự an toàn của dữ liệu cá nhân mà công ty này xử lý.
Sau khi đưa ra thời hạn 90 ngày cho ByteDance, Tổng thống Donald Trump đã nói rằng: "Có bằng chứng đáng tin cậy khiến tôi tin rằng ByteDance ... có thể thực hiện hành động đe dọa làm suy yếu an ninh quốc gia của Mỹ".
Động thái mới nhất của Tổng thống Donald Trump nằm trong một lệnh hành pháp mà ông đã ban hành vào tuần trước. Theo đó, một số giao dịch nhất định của TikTok sẽ bị cấm trừ khi ByteDance thoái vốn trong vòng 45 ngày. ByteDance đang đàm phán để bán TikTok ở Bắc Mỹ, Úc và New Zealand cho Microsoft.
Lệnh mới này đã tạo thêm áp lực, buộc ByteDance phải thoái vốn khỏi TikTok và hỗ trợ hợp pháp cho cuộc đàn áp của chính phủ Mỹ đối với ứng dụng truyền thông xã hội do Trung Quốc sở hữu. Nó cho phép các quan chức Mỹ kiểm tra sổ sách cũng như hệ thống thông tin của TikTok và ByteDance, với mục đích đảm bảo an toàn cho dữ liệu cá nhân trong khi các cuộc đàm phán mua bán đang diễn ra.
Mặc dù TikTok được biết đến nhiều nhất với các video quay cảnh mọi người nhảy múa và lan truyền trong giới thanh thiếu niên, song các quan chức Mỹ lại bày tỏ lo ngại rằng thông tin về người dùng có thể được chuyển cho chính phủ Trung Quốc.
Vào ngày thứ Sáu, ByteDance cho biết, ứng dụng này được sử dụng bởi 100 triệu người Mỹ "vì nó là ngôi nhà của họ để giải trí, thể hiện bản thân và kết nối. Chúng tôi cam kết tiếp tục mang lại niềm vui cho các gia đình và tạo nên một sự nghiệp có ý nghĩa cho những người sử dụng nền tảng của chúng tôi trong nhiều năm tới".
Ông Trump đã nói rằng sẽ hỗ trợ những nỗ lực của Microsoft trong việc mua lại TikTok ở Mỹ nếu chính phủ nước này nhận được "một phần đáng kể" trong số tiền thu được. Tuy nhiên, hiện cũng có rất nhiều người mua tiềm năng khác quan tâm đến thương vụ này.
Năm ngoái, Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), một hội đồng của chính phủ nước này chuyên xem xét các giao dịch về các rủi ro an ninh quốc gia tiềm ẩn, đã mở một bản đánh giá mới về việc ByteDance mua lại ứng dụng Musical.ly vào năm 2017. Chính thương vụ đó đã tạo ra một TikTok như ngày nay.
Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cho biết, lệnh trừng phạt cũng yêu cầu ByteDance xóa bỏ "bất kỳ dữ liệu nào thu được hoặc có nguồn gốc từ người dùng TikTok hoặc Musical.ly ở Mỹ".
Ông Mnuchin cho biết CFIUS "đã tiến hành xem xét toàn diện vụ việc và nhất trí đề xuất hành động này với tổng thống để bảo vệ người dùng ở Mỹ khỏi việc bị khai thác dữ liệu cá nhân".
Chính quyền ông Trump đã tăng cường nỗ lực để thanh lọc những gì họ cho là "không đáng tin cậy" của các ứng dụng Trung Quốc khỏi các mạng kỹ thuật số của Mỹ. Ngoài TikTok, ông Trump cũng đã ban hành lệnh cấm các giao dịch với WeChat của Tencent Holding Ltd.
Một nhóm các công ty lớn của Mỹ, bao gồm cả Apple, đã đưa ra lo ngại trong tuần này về những tác động tiêu cực tiềm tàng đối với các công ty của Mỹ từ các lệnh cấm dành cho TikTok và WeChat.