TP. Hồ Chí Minh: Khoa học công nghệ đóng vai trò then chốt trong vận hành hệ thống thông tin sau hợp nhất
Cùng với cả nước, TP. Hồ Chí Minh hợp nhất chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/7, đến nay quá trình vận hành các hệ thống thông tin, dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp đã vào ổn định.
Chủ động triển khai, đồng bộ hệ thống số cho hợp nhất hành chính
Theo thông tin từ Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, sau khi chính thức vận hành theo mô hình chính quyền đô thị 2 cấp từ ngày 1/7, TP. Hồ Chí Minh đã nhanh chóng triển khai các nội dung liên quan đến xây dựng, tích hợp, vận hành hệ thống thông tin nhằm đảm bảo hoạt động hành chính công hiệu quả.
Trong đó, công nghệ thông tin và chuyển đổi số là trụ cột trung tâm, bảo đảm tính liên thông, đồng bộ và sẵn sàng cho mô hình quản lý hành chính mới.

Cụ thể, trong lĩnh vực hạ tầng số, Thành phố đã tiến hành rà soát và nâng cấp toàn diện hệ thống chứng thư số chuyên dùng công vụ, hệ thống thư điện tử và mã định danh đơn vị hành chính.
Việc cấp mới và quản lý chữ ký số của các đơn vị hành chính tại TP. Hồ Chí Minh đã được Ủy quyền bởi Ban Cơ yếu Chính phủ, tạo tiền đề thuận lợi để áp dụng tương tự tại Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu khi sáp nhập. Đồng thời, mã định danh và hệ thống tài khoản thư điện tử cho cán bộ công chức tại các đơn vị hành chính cấp xã đã được cập nhật đồng bộ.
Một trong những dấu ấn quan trọng là việc cấu hình và thử nghiệm hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) mới cho mô hình chính quyền 2 cấp. Hệ thống này đã được triển khai thử nghiệm thành công tại 15 phường/xã thuộc 3 địa bàn trước hợp nhất nhằm đảm bảo khả năng tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả TTHC liền mạch, thông suốt trong quá trình vận hành.
Bên cạnh đó, hạ tầng mạng truyền số liệu chuyên dùng cũng đã được nâng cấp. Thành phố đã chủ động hướng dẫn các đơn vị xây dựng mô hình kết nối phù hợp, đảm bảo các phường, xã truy cập ổn định vào trung tâm dữ liệu Thành phố.
Về Trung tâm dữ liệu, TP. Hồ Chí Minh hoàn tất việc đánh giá nhu cầu, vùng lưu trữ và xây dựng quy trình thu hồi tài nguyên máy chủ, đảm bảo an toàn, toàn vẹn dữ liệu cho các ứng dụng và hệ thống do UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện (trước hợp nhất) triển khai.
Song song đó, Thành phố cung cấp công cụ hướng dẫn cho các địa phương khoanh vùng và đóng gói dữ liệu đã số hóa, hỗ trợ cập nhật ranh giới hành chính trên nền tảng bản đồ số chung.
Đối với hệ thống Trung tâm điều hành thông minh (IOC) cũng được rà soát và hoàn thiện, với giải pháp logic và mô hình dữ liệu Data Lake được áp dụng để phục vụ công tác giám sát và chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Thành phố.
Hệ thống này được tích hợp dữ liệu từ nhiều lĩnh vực như: Y tế, giáo dục, quy hoạch, doanh nghiệp, du lịch... nhằm phục vụ hiệu quả công tác quản lý và cung cấp dịch vụ công.
Đáng chú ý, TP. Hồ Chí Minh đã kết nối thành công với Trung tâm Dữ liệu quốc gia - C12, triển khai các dịch vụ công thí điểm theo Quyết định 1012, đồng bộ 20 chỉ số điều hành nhóm A. Trong số đó, 9 chỉ số được phân tổ riêng phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của TP. Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, công tác số hóa hồ sơ hành chính, phát triển kho dữ liệu điện tử của người dân và tổ chức cũng được chính quyền Thành phố đẩy mạnh triển khai. Việc chia sẻ dữ liệu công qua nền tảng App Công dân số, hệ thống VNeID, bản đồ số dùng chung... đã góp phần gia tăng tính tiện ích, minh bạch và giảm gánh nặng thủ tục giấy tờ.
Tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo
Trên nền tảng hạ tầng số được xây dựng đồng bộ, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh Lâm Đình Thắng cho biết, đơn vị đã và đang xây dựng nhiều kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới nhằm đảm bảo vận hành hệ thống thông tin, dự liệu suôn sẻ, thuận lợi, tạo đà phát triển cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số theo định hướng Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Đặc biệt, trong quý III, Thành phố sẽ tập trung hoàn thiện và ban hành kế hoạch thay thế Kế hoạch số 1413/KH-UBND để triển khai hiệu quả Chương trình hành động 63-CTrHĐ/TU của Thành ủy về thực hiện Nghị quyết 57.
Đồng thời, nhiều đề án quan trọng cũng sẽ được trình UBND Thành phố, gồm: Đề án thí điểm chính sách thương mại hóa kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước; đề án xây dựng các khu công nghệ thông tin tập trung; kế hoạch triển khai đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2025; và kế hoạch phát triển hạ tầng mạng 5G và IoT giai đoạn 2025-2027.
Trong 6 tháng cuối năm, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định vai trò là trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước với nhiều chương trình chiến lược như: Đề án thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo; tổ chức Tuần lễ WISE HCMC 2025; triển khai Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2025-2030; và nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ.
Về công tác quản lý nhà nước đối với khoa học công nghệ, chuyển đổi số, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng, triển khai chiến lược quản trị dữ liệu Thành phố, phát triển hệ thống thông tin giải quyết TTHC theo hướng phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng thuận tiện, hiệu quả.
Việc mở rộng lắp đặt trạm phát sóng 5G tại trung tâm hành chính các quận, huyện cũng được đẩy nhanh để phục vụ mục tiêu xây dựng chính quyền số, đô thị thông minh.
Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh cũng sẽ chú trọng triển khai hiệu quả các đề án khởi nghiệp, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, kết nối các viện - trường - doanh nghiệp để tạo lập môi trường nghiên cứu, ứng dụng, thương mại hóa mạnh mẽ, góp phần đưa Thành phố trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực ASEAN vào năm 2030.
Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh xác định, việc triển khai các nền tảng hạ tầng số, số hóa dữ liệu, tích hợp hệ thống thông tin trong quá trình vận hành TP. Hồ Chí Minh mới đang là bước tiến lớn, khẳng định vị thế tiên phong của Thành phố trong hành trình xây dựng đô thị thông minh, bền vững, mang lại giá trị thiết thực cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp.