TP. Hồ Chí Minh: Thị trường ngân hàng bán lẻ tăng trưởng nhanh

Theo Lê Anh/baochinhphu.vn

Thị trường ngân hàng bán lẻ TP. Hồ Chí Minh (TPHCM) phát triển ngày càng mở rộng, gắn liền với sự phát triển đa dạng và phong phú về các sản phẩm dịch vụ mà các ngân hàng cung cấp cho nền kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước tại TP. Hồ Chí Minh
Ngân hàng Nhà nước tại TP. Hồ Chí Minh

Sự phát triển của dịch vụ ngân hàng điện tử

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM cho biết thị trường ngân hàng bán lẻ TPHCM có quy mô lớn cả về số lượng các tổ chức tín dụng hoạt động và quy mô của dịch vụ ngân hàng.

Trong đó, mạng lưới hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) phủ khắp trên tất cả các địa bàn quận, huyện của thành phố, với trên 2.212 điểm giao dịch ngân hàng, trong đó có 49 hội sở. Quy mô các hoạt động dịch vụ ngân hàng như tiền gửi, tín dụng, thanh toán ngoại hối...luôn chiếm tỷ trọng cao, khoảng 30% so với cả nước.

Các dịch vụ ngân hàng bán lẻ truyền thống như tiền gửi, tín dụng, thanh toán ... tăng trưởng ổn định, trong 10 năm qua, tăng trưởng huy động vốn bình quân năm khoảng 25%, dư nợ tín dụng tăng bình quân năm khoảng 24%...

Ông Nguyễn Hoàng Minh nhận định, các dịch vụ ngân hàng điện tử (internet banking) của các ngân hàng trong những năm gần đây phát triển rất nhanh chóng, nở rộ, đáp ứng nhu cầu giao dịch nhanh chóng của khách hàng với độ an toàn bảo mật cao.

Theo thống kê của NHNN chi nhánh TPHCM, dịch vụ internet banking tăng trưởng nhanh và ổn định, trong 5 năm trở lại đây, số lượng khách hàng tham gia sử dụng dịch vụ tăng trưởng qua từng năm, số lượng giao dịch tăng trưởng bình quân 20%/năm.

Hiện nay số lượng thẻ trên địa bàn TPHCM khoảng 12,5 triệu thẻ đang hoạt động, Trong đó, 76% là thẻ nội địa. Số lượng máy POS đặt tại các cửa hàng, trung tâm thương mại, du lịch, nhà hàng... trên địa bàn Thành phố hiện nay là 41.200 máy, phục vụ nhu cầu mua sắm, thanh toán nhanh chóng của người dân.

Hơn 38% dư nợ tín dụng tiêu dụng dành cho bất động sản

Theo đánh giá của NHNN chi nhánh TPHCM, trong những năm qua, thị trường ngân hàng bán lẻ phát triển nhanh theo xu hướng phát triển chung của nền kinh tế. Năm 2008, tín dụng tiêu dùng trên địa bàn TPHCM chỉ chiếm 3% trong tổng dư nợ tín dụng thì tới quý 3/2018 chiếm 19,4% trong tổng dư nợ.

Ông Minh nhận định, về cơ bản, đây là xu hướng là phù hợp và cần thiết, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Đối với các ngân hàng thương mại cổ phần, lãi suất cho vay được đánh giá là phù hợp, với lãi suất ngắn hạn dao động trong khoảng 6,5%-8%/năm, dài hạn từ 8%-11%/năm.

Tuy nhiên, lãi suất của các công ty tài chính còn khá cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro, phổ biến lãi suất từ 20%-30%/năm, có nơi lên tới 60%/năm. Chưa kể văn hóa đòi nợ của một số Công ty tài chính còn tạo nhiều sự phản cảm.

Theo lãnh đạo NHNN chi nhánh TPHCM, việc phát triển nhanh các dịch vụ ngân hàng và các công ty tài chính, làm nguồn vốn cho lĩnh vực tiêu dùng tăng, điều này dẫn đến nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh giảm. Trong cơ cấu tổng dư nợ tín dụng, vốn phục vụ sản xuất kinh doanh chỉ còn hơn 70% tổng dư nợ tín dụng ( từ năm 2016 trở về trước tỷ lệ này trên 78%). Trong khi đó, vốn vay cho tiêu dùng chiếm 19,4% tổng dư nợ tín dụng, trong đó, một số khoản vay tiêu dùng của các cá nhân có liên quan đến bất động sản, chiếm hơn 38% trong dư nợ tín dụng tiêu dùng.

Trong năm 2019, để tiếp tục mở rộng và phát triển thị trường ngân hàng bán lẻ tại TPHCM theo hướng bền vững, đồng thời đảm bảo nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, ông Minh cho biết, NHNN chi  nhánh TPHCM định hướng các ngân hàng phát triển thị trường ngân hàng bán lẻ gắn liền với quá trình thực hiện tốt đề án cơ cấu lại tổ chức tín dụng; nâng cao năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động. Sử dụng tốt các nguồn lực: vốn, công nghệ và quản trị, kiểm soát rủi ro, phát triển dịch vụ.

NHNN chi nhánh Thành phố cũng lưu ý các ngân hàng cần cân đối tỷ lệ vốn vay hài hòa để tăng trưởng tín dụng tiêu dùng không làm ảnh hưởng vốn sản xuất kinh doanh của DN.

Cùng với đó, các ngân hàng đẩy mạnh dựng thương hiệu, chăm sóc tốt khách hàng; công khai minh bạch các dịch vụ sản phẩm. Tiếp tục cung ứng các sản phẩm dịch vụ mang tính khác biệt, mang lại nhiều giá trị gia tăng và tối đa hóa lợi nhuận cho khách hàng; qua đó, góp phần tăng tỷ trọng thanh toán không dùng tiền mặt; hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát.