TP. Hồ Chí Minh trở thành “siêu đô thị” sau khi sáp nhập tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu

Đức Mỹ

Ngày 13/4, Chính quyền TP. Hồ Chí Minh phát phiếu lấy ý kiến người dân về việc sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu để lập TP. Hồ Chí Minh mới. Khi phương án sáp nhập hoàn thành, TP. Hồ Chí Minh mới sẽ trở thành siêu đô thị dẫn đầu cả nước về kinh tế với số thu ngân sách dự kiến đạt hơn 680.000 tỷ đồng (năm 2025).

Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên giúp kết nối giao thông của TP. Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa.
Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên giúp kết nối giao thông của TP. Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa.

Tổng số thu ngân sách dự kiến đạt hơn 680.000 tỷ đồng

Cụ thể, xét về số thu ngân sách của năm 2024, TP. Hồ Chí Minh thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn đạt 505.344 tỷ đồng, tương đương 104,66% dự toán, tăng 13,17% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nội địa đạt 373.338 tỷ đồng, tương đương 106,10% dự toán, tăng 14,53% so với cùng kỳ. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 131.359 tỷ đồng, tương đương 100,43% dự toán và tăng 8,96% so cùng kỳ.

Năm 2025, TP. Hồ Chí Minh được Chính phủ giao chỉ tiêu dự toán thu ngân sách hơn 506.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 25,76% trong tổng dự toán thu cả nước, tăng 4,97% so với dự toán năm 2024. Chỉ tính trong 2 tháng đầu năm 2025, số thu trên địa bàn đạt khoảng 103.164 tỷ đồng, bằng 21,4% dự toán và tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tổng thu ngân sách năm 2024 đạt 98.200 tỷ đồng, tăng 19,5% so với dự toán pháp lệnh. Trong đó, thu từ dầu thô đạt hơn 33.731 tỷ đồng, tương đương 134,4% dự toán pháp lệnh và bằng 101,5% so với cùng kỳ năm 2023. Thu xuất nhập khẩu hơn 21.133 tỷ đồng, tăng 17,4% so với dự toán. Thu nội địa (không bao gồm dầu thô) đạt hơn 43.095 tỷ đồng, tăng 10,9% so với dự toán pháp lệnh. 

Năm 2025, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đặt mục tiêu thu ngân sách đạt 95.706 tỷ đồng. Trong đó, thu từ dầu thô 31.000 tỷ đồng, thu xuất nhập khẩu 21.500 tỷ đồng, thu nội địa 43. 206 tỷ đồng.

Đối với tỉnh Bình Dương, kết quả số thu ngân sách năm 2024 đạt 71.234 tỷ đồng, tăng 10% so với dự toán pháp lệnh. Trong đó, tổng thu ngân sách nội địa đạt 57.000 tỷ đồng, đạt 118,6% dự toán Bộ Tài chính giao và tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,48%; kim ngạch xuất khẩu đạt 34,5 tỷ USD, tăng 12,7%; kim ngạch nhập khẩu đạt 24,5 tỷ USD, tăng 12,2%, vượt kế hoạch năm.

Năm 2025, Tỉnh Bình Dương đưa ra mục tiêu phấn đấu thu ngân sách đạt trên 80.000 tỷ đồng, với nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thu hút trên 3 tỷ USD.

Depot Long Bình của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Ảnh: minh họa
Depot Long Bình của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Ảnh: minh họa

TP. Hồ Chí Minh mới rộng hơn 6.772 km2, dân số hơn 13,7 triệu người

Xét về diện tích tự nhiên và dân số, TP. Hồ Chí Minh rộng hơn 2.095 km2, với dân số gần 10 triệu dân, là đô thị xếp loại đặc biệt, gồm TP Thủ Đức và 21 quận, huyện, với 273 phường, xã, thị trấn. Tỉnh Bình Dương rộng hơn 2.694 km2, dân số hơn 2,4 triệu người, gồm 4 thành phố, một thị xã và 4 huyện, với 45 phường, 5 thị trấn và 41 xã. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu rộng hơn 1.982 km2, dân số hơn 1,3 triệu người, với 40 xã, 30 phường và 7 thị trấn thuộc 3 thành phố và 4 huyện.

Sau khi sắp xếp để sáp nhập 3 địa phương, TP. Hồ Chí Minh mới theo dự kiến sẽ có tổng diện tích rộng hơn 6.772 km2 (đạt hơn 135% so với tiêu chuẩn dân số hơn 13,7 triệu người (đạt 979% so với tiêu chuẩn), 190 đơn vị hành chính trực thuộc, hình thành siêu đô thị mới của vùng Đông Nam Bộ. Trung tâm hành chính - chính trị đặt tại số 86 Lê Thánh Tôn (quận 1, TP. Hồ Chí Minh), cơ sở 2 đặt tại Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương, đường Lê Lợi, TP. Thủ Dầu Một và cơ sở 3 tại Trung tâm Hành chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, số 1 đường Phạm Văn Đồng, TP. Bà Rịa.

Như vậy, nếu phương án sáp nhập được thực thi, TP. Hồ Chí Minh mới sẽ trở thành một đơn vị hành chính mới trực thuộc Trung ương, xây dựng mô hình chính quyền hai cấp có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội cao nhất cả nước. Cùng với đó, Thành phố sẽ thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm theo mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, tạo bước đột phá, lan tỏa trong phát triển kinh tế vùng, liên vùng được Bộ Chính trị giao tại Nghị quyết số 24.

Theo Sở Nội vụ TP. Hồ Chí Minh, Thành phố sẽ lấy ý kiến cử tri về việc sáp nhập 3 địa phương trong 02 ngày (12-13/4/2025). Việc phát phiếu sẽ triển khai theo từng khu phố, ấp hoặc tổ chức liên khu phố, ấp tùy theo điều kiện địa phương.

Ngay trong ngày 14/4/2025, UBND cấp xã sẽ tổng hợp và báo cáo kết quả cử tri trên địa bàn, cấp ủy cùng cấp thống nhất (đối với xã, phường không tổ chức HĐND), trình thông qua HĐND cấp xã ban hành nghị quyết thống nhất chủ trương sáp nhập (xã, phường tổ chức HĐND) và gửi đến UBND cấp huyện (thông qua Phòng Nội vụ) sau khi lấy ý kiến.