TPP mang đến những kỳ vọng đối với ngành công nghiệp Việt Nam

PV.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia quốc tế, Việt Nam sẽ là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất khi tham gia TPP; GDP Việt Nam có thể tăng thêm 35,7 tỷ USD vào năm 2025 nếu ngành sản xuất nội địa đáp ứng được hàng rào kỹ thuật của các đối tác. Đó cũng sẽ là những kỳ vọng đối với ngành công nghiệp Việt Nam trong tương lai gần.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ngành công nghiệp Việt đón cơ hội từ TPP

Theo Chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn khi TPP - có phạm vi ảnh hưởng tới 40% GDP toàn cầu, được ký. Việt Nam sẽ có thị trường rộng hơn; GDP có thể tăng thêm 8 đến 10% đến năm 2030, thậm chí còn nhiều hơn. Đây là cú hích lớn cho Việt Nam nhưng cũng đem lại áp lực cho nhà sản xuất trong nước. Chính vì thế, các doanh nghiệp cũng phải cạnh tranh quyết liệt hơn, nhưng điều này sẽ thúc đẩy năng suất lao động; rất tốt cho Việt Nam trong tăng trưởng dài hạn. GDP Việt Nam có thể tăng cao nhất nếu hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, nổi bật nhất so với các nước khác.

Theo Vụ Công nghiệp nặng Bộ Công Thương, TPP dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu may mặc và giày dép của Việt Nam đạt 16,5 tỷ USD trước năm 2025. Việt Nam tham gia TPP, xuất khẩu và GDP có thể tăng thêm tương ứng 68 tỷ USD và 36 tỷ USD, hay 28,4% và 10,5% vào năm 2025 so với kịch bản nếu không tham gia TPP. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, với 55% thị phần toàn ngành dệt may. Khi TPP có hiệu lực, mức thuế suất hàng dệt may từ Việt Nam sang thị trường này có thể giảm xuống gần bằng 0%, thay vì 17% như hiện nay.

Đặc biệt là, đối với ngành dệt may, với quy mô xuất khẩu đủ lớn, Việt Nam sẽ có điều kiện thu hút đầu tư vào lĩnh vực dệt, nhuộm và sản xuất nguyên phụ liệu. Trên thực tế, đã xuất hiện các dự án đầu tư lớn và rất lớn để đón đầu TPP. Đây là mặt tích cực của quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”, giúp Việt Nam tăng giá trị gia tăng nội địa cho hàng may xuất khẩu và giúp ngành may phát triển bền vững trước các đối thủ cạnh tranh tiềm tàng.

Ngoài ra, tham gia TPP sẽ giúp Việt Nam có được các cơ hội mới từ chuỗi cung ứng mới hình thành sau khi TPP có hiệu lực. Các nước TPP chiếm tới 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu lại bao gồm các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, chắc chắn sẽ mở ra rất nhiều cơ hội khi chuỗi cung ứng mới hình thành.

Hiện nay, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như Samsung, Intel, Microsoft, LG... đã đầu tư mạnh vào Việt Nam với mục tiêu biến Việt Nam trở thành một trong những cứ điểm quan trọng nằm trong chuỗi sản xuất các mặt hàng công nghệ cao như bộ vi xử lý máy tính, điện thoại thông minh, các mặt hàng gia dụng sử dụng công nghệ mới... Tham gia TPP sẽ giúp xu hướng này phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn, là điều kiện quan trọng để nước ta bước sang giai đoạn phát triển các ngành điện tử, công nghệ cao. Đây là cơ hội rất lớn để nâng tầm nền kinh tế Việt Nam trong 5-10 năm tới.

Thêm vào đó, cam kết trong TPP về dịch vụ và đầu tư dự kiến sẽ có tác dụng tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Gần đây, nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài đã đầu tư dự án mới hoặc mở rộng sản xuất tại Việt Nam trong các lĩnh vực như sản xuất sợi, dệt may, giày da, chế biến gỗ... để đón đầu TPP. Do đó, có cơ sở để khẳng định rằng đầu tư nước ngoài sẽ gia tăng mạnh mẽ hơn khi TPP được ký kết, không chỉ trong các lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu mà còn trong các lĩnh vực khác như tài chính, ngân hàng, bất động sản....

Chủ động hội nhập để vượt qua thách thức

Bên cạnh những thuận lợi lớn, TPP cũng đặt ra nhiều thách thức lớn, đó là, mặc dù xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhưng cơ cấu hàng xuất khẩu chưa mang tính hiệu quả, chủ yếu xuất khẩu hàng có công nghệ thấp, thâm dụng lao động như hàng may mặc, giày dép, đồ nội thất...

Đối với Việt Nam, thách thức cơ bản trong ngành công nghiệp đó chính là xuất khẩu chủ yếu nguyên liệu thô, chưa qua sơ chế hoặc gia công đã khiến việc cạnh tranh về giá cả, chất lượng, giá trị tăng thêm của hàng hóa… trở nên yếu. Hơn nữa, quy mô doanh nghiệp xuất khẩu nhỏ, không thâm nhập được vào hệ thống phân phối chính khiến các doanh nghiệp xuất khẩu trở nên không bền vững, không chi phối được thị trường. Bởi vậy, việc tham gia TPP sẽ tạo ra sức ép về mở cửa thị trường, cạnh tranh đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Nếu không có sự chuẩn bị tốt, nhiều ngành sản xuất và dịch vụ có thể sẽ gặp khó khăn.

Việt Nam cũng sẽ gặp phải thách thức cạnh tranh, có thể dẫn tới phá sản và tình trạng thất nghiệp ở các doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh yếu, không được chuẩn bị kỹ cho hội nhập; việc giảm thu ngân sách từ giảm thuế nhập khẩu sau khi thực hiện TPP. Hơn nữa, việc giảm thuế quan có thể khiến luồng hàng nhập khẩu từ các nước TPP vào Việt Nam gia tăng, với giá cả cạnh tranh hơn. Thị phần hàng hóa liên quan tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng và cạnh tranh sẽ gay gắt hơn. Sản phẩm nông nghiệp, doanh nghiệp và nông dân Việt Nam đứng trước sự cạnh tranh gay gắt, nhất là các hàng nông sản và nông dân là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong hội nhập.

Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập rất nhanh, đồng thời thế giới cũng có những khung khổ toàn cầu hóa rất phát triển và đa dạng, thì bên cạnh việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan, các nước cũng tập trung tăng cường hơn nữa những hàng rào phi thuế quan, đặc biệt những hàng rào kỹ thuật.

Chính vì vậy, theo nhận định của các chuyên gia cần có sự phối hợp giữa khu vực Nhà nước với doanh nghiệp để làm sao giải quyết khâu khó khăn, trở ngại liên quan các hàng rào phi thuế quan và đặc biệt giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường bền vững, tránh được những tranh chấp thương mại, những vụ kiện thương mại.

Xây dựng chính sách phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng

Ngành công nghiệp có vai trò quan trọng, then chốt và là động lực để phát triển kinh tế cho nên trong thời gian tới, theo các chuyên gia, Việt Nam cần xây dựng chính sách phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng, lợi thế từ TPP. Các chính sách cần tập trung nâng cấp năng lực, công nghệ, đa dạng hóa và đổi mới sản phẩm, thúc đẩy tăng hàm lượng giá trị gia tăng trong các ngành, tăng cường hợp tác dài hạn với các đối tác tiềm năng trong lĩnh vực tương ứng.

Theo GS. Nguyễn Quang Thái - Tổng thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, việc chọn ngành nào, lĩnh vực nào để ưu tiên phát triển là rất quan trọng, chính các doanh nghiệp phải tham gia cạnh tranh toàn cầu để vào được chuỗi giá trị gia tăng đó mới là yếu tố quyết định. Bên cạnh đó, Nhà nước đóng vai trò hoạch định chính sách và đưa ra dự kiến ban đầu, còn bản thân thị trường mới là nơi sàng lọc và đánh giá hiệu quả của từng lĩnh vực.

GS. Nguyễn Quang Thái nhấn mạnh, lĩnh vực dệt may có thể phát triển mạnh hơn khi tham gia TPP do thị trường được mở rộng và các doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh từ chính những lợi thế thương mại đó. Tuy nhiên, trong bối cảnh ấy, nhiều lĩnh vực và doanh nghiệp khác lại gặp khó khăn, nhất là ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam, sau nhiều năm hưởng ưu đãi nhưng nhiều chỉ tiêu về tỷ lệ nội địa hóa đã không hoàn thành mục tiêu đề ra.

Có thể thấy, cơ hội và thách thức luôn đan xen trong sân chơi thương mại toàn cầu, một điều chắc chắn là chỉ có những doanh nghiệp với sự chuẩn bị tốt mới có thể đi đến thành công.

Đồng tình với quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh nhận định, khi tham gia TPP, thách thức không nhỏ cho lĩnh vực công nghiệp là nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm hiểu các thông tin liên quan về các hiệp định thương mại tự do; bên cạnh đó, cần củng cố, đào tạo, nâng cao trình độ và tay nghề đội ngũ nhân lực. Về dài hạn, các doanh nghiệp trong nước cần bám sát lộ trình và các quy định về mở cửa thị trường của TPP nhằm xây dựng kế hoạch đầu tư, sản xuất hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như tận dụng được những cơ hội tham gia chuỗi cung ứng trong khu vực.