TPP chỉ tiến không lùi

Theo Baodautu.vn

12 nước thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa công bố toàn bộ nội dung của Hiệp định. Theo TS. Vũ Nhữ Thăng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính), nguyên tắc chung của TPP là “chỉ có tiến, chứ không lùi”.

Phóng viên: TPP chỉ tiến không lùi được hiểu thế nào, thưa ông?

TPP chỉ tiến không lùi  - Ảnh 1

TS. Vũ Nhữ Thăng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính)
TS. Vũ Nhữ Thăng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính): Có nghĩa là cả 12 thành viên khi sửa đổi, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong nước theo hướng tự do hóa hơn, thông thoáng hơn so với mức cam kết ban đầu thì sẽ tự động trở thành nghĩa vụ ràng buộc. Sau khi ban hành chính sách mới, không được ban hành chính sách khác quay trở lại mức cam kết ban đầu. Nói một cách dễ hiểu, trong quá trình thực thi chính sách tiếp cận thị trường, mở cửa thị trường, nếu ban hành chính sách thuận lợi hơn cam kết thì bắt buộc phải duy trì chính sách này.

Ngoài ra, cả 12 thành viên TPP phải bắt buộc thực hiện các quy trình, thủ tục cấp phép nhanh chóng và thuận tiện với thời gian phê duyệt hồ sơ cấp phép cho nhà đầu tư nước ngoài không được quá 120 ngày.

Được biết, nhiều nghị sỹ và cả một số ứng viên Tổng thống Hoa Kỳ không tán thành TPP. Nếu Quốc hội Hoa Kỳ không phê chuẩn thì TPP có lẽ phải lùi?

Theo tôi được biết, một số nghị sỹ Hoa Kỳ chưa muốn Quốc hội phê chuẩn ngay TPP, số khác muốn trì hoãn thời gian áp dụng, thậm chí có không ít người còn muốn đàm phán lại một số nội dung. Đây là quyền của họ, được quy định trong quy trình, thủ tục phê chuẩn các hiệp ước, hiệp định quốc tế, khu vực hay song phương. Đại biểu Quốc hội Việt Nam và các nước khác trong TPP cũng có quyền yêu cầu Chính phủ đàm phán lại hoặc phủ quyết nghị quyết thông qua các cam kết quốc tế.

Tôi cũng muốn nói thêm rằng, để TPP có hiệu lực theo đúng ý đồ của 12 quốc gia, thì bắt buộc cơ quan lập pháp 12 quốc gia phải phê chuẩn Hiệp định. Tuy nhiên, đề phòng trường hợp gặp trục trặc do Quốc hội nước nào đó trì hoãn hoặc không phê chuẩn, Hiệp định có một điều khoản quy định là tối thiểu 6 thành viên (chiếm tối thiểu 85% GDP của cả khối) phê chuẩn, thì TPP đương nhiên có hiệu lực, không đàm phán lại. Trong trường hợp xấu nhất là Quốc hội một vài quốc gia nào đó không phê chuẩn, thì TPP không vô hiệu với các nước đã phê chuẩn, tất cả các cam kết vẫn được thực hiện bình thường.

Vậy theo ông, khi nào TPP mới trở thành hiện thực?

Mỗi nước có quy định riêng về trình tự, thủ tục phê chuẩn các hiệp định quốc tế, có nước mất 3-6 tháng, có nước kéo dài cả năm, thậm chí tới 2 năm. Từ thực tế này, tôi hy vọng, TPP sẽ được thực thi từ năm 2018.

Khi TPP có hiệu lực, nhiều chuyên gia kinh tế cả trong và ngoài nước cho rằng, Việt Nam là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất. Ông bình luận gì về nhận định trên?

Tôi cũng được biết, nhiều chuyên gia kinh tế, tổ chức tài chính, định chế tài chính - ngân hàng quốc tế đưa ra nhận định hết sức lạc quan này. Nhưng theo quan điểm của tôi, lợi ích đem lại cho mọi thành viên là ngang nhau, Việt Nam có lẽ chỉ là quốc gia có nhiều cơ hội nhất mà thôi. Đó là cơ hội mở cửa thị trường xuất khẩu, thị trường đầu tư, cơ hội cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu thời gian và chi phí cho doanh nghiệp… Vấn đề là phải hiện thực hóa cơ hội, chuyển cơ hội thành lợi ích, tận dụng tối đa các cam kết trong TPP mới là điều quan trọng.

Cụ thể như trong Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (JVEPA), nhiều mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế xuất khẩu không được mở cửa tối đa, nhưng khi cả Việt Nam và Nhật Bản tham gia TPP thì những loại hàng hóa này sẽ được tự do xuất khẩu vào nền kinh tế lớn thứ 2 trong TPP. Cơ hội mở ra, nhưng vấn đề là làm sao hàng hóa Việt Nam đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng Nhật Bản, làm sao có thể cạnh tranh được và làm sao đáp ứng được các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm, về xuất xứ hàng hóa…

Làm thế nào để tận dụng được cơ hội, thưa ông?

Để tận dụng được cơ hội khi tham gia TPP, có rất nhiều giải pháp phải làm đồng bộ, quyết liệt từ phía Nhà nước, doanh nghiệp, bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành nghề. Trong đó, theo tôi, công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung của Hiệp định vô cùng quan trọng, vì chỉ có tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về các cơ hội khi mở cửa thị trường 12 nước trong TPP thì doanh nghiệp mới hiểu rõ đâu là cơ hội, đâu là thách thức trong việc xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, trong việc cạnh tranh với hàng nhập khẩu từ các nước trong Hiệp định.

Khác với tất cả các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết, kể cả việc tham gia WTO, việc tuyên truyền, phổ biến về TPP được thực thi sâu rộng hơn, mạnh mẽ hơn và bài bản hơn so với các hiệp định thương mại trước đây. Ngoài ra, sau thời gian tham gia AFTA, BTA, WTO, tham gia TPP lần này, doanh nghiệp đã chủ động hơn trong tiếp cận thông tin, nghiên cứu cơ hội, tìm cách thức giải quyết thách thức tốt hơn.

Doanh nghiệp đã chuẩn bị cho TPP, còn về phần các cơ quan quản lý nhà nước thì sao?

Hàng loạt văn bản liên quan đến đầu tư, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, hấp dẫn đã được ban hành, là minh chứng cho thấy đã có sự chuẩn bị cho việc tham gia TPP, sẵn sàng, chủ động trong hội nhập.

Đơn cử, trong lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan này phải quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian, thủ tục, hồ sơ, giấy tờ tối đa cho doanh nghiệp, với yêu cầu hết sức rõ ràng là, 3 lĩnh vực này của Việt Nam vào cuối năm nay phải bằng các nước ASEAN 4.