Tranh giành thị phần dịch vụ giao hàng
Sự xuất hiện của các doanh nghiệp giao hàng nước ngoài đang trở thành đối thủ chính của các doanh nghiệp giao hàng truyền thống. Nếu doanh nghiệp Việt không có sự chuẩn bị rõ ràng, thị trường bị khối ngoại thâu tóm trong tương lai không xa là khó tránh khỏi.
Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), cùng với tốc độ tăng trưởng cao của thương mại điện tử (TMĐT), năm 2018 đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ logistics, chuyển phát chặng cuối và hoàn tất đơn hàng. Ba yếu tố nổi bật của lĩnh vực này là đầu tư gia tăng mạnh mẽ, ứng dụng công nghệ tiên tiến và cạnh tranh khốc liệt.
Cạnh tranh khốc liệt
Hiện nay, Vecom đánh giá thị phần dịch vụ giao hàng trên phạm vi cả nước vẫn đang nằm trong tay của khối doanh nghiệp (DN) nội. Cụ thể, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) là DN cung cấp dịch vụ chuyển phát được 61% các đơn vị bán hàng trực tuyến thuê; tiếp đến là công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post) với tỷ lệ 25%… Tỷ lệ tương ứng cho EMS (bưu gửi theo thời gian), giao hàng nhanh và giao hàng tiết kiệm là 5%, 1% và 1%. Các đơn vị chuyển phát khác chỉ chiếm 13%. Như vậy, có thể khẳng định Vietnam Post đóng vai trò quan trọng trong hoạt động bán lẻ trực tuyến trên phạm vi cả nước.
Tình hình thay đổi đối với việc thuê ngoài dịch vụ chuyển phát ở hai trung tâm TMĐT là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Vietnam Post và Viettel Post vẫn là các DN chuyển phát được thuê nhiều nhất nhưng tỷ lệ đã giảm đáng kể.
Ngoài ra, mức độ cạnh tranh giữa các DN chuyển phát rất cao, đặc biệt là ở TP. Hồ Chí Minh. Cụ thể, tại Hà Nội, số đơn vị thuê Vietnam Post là 20%, Viettel Post là 52%. Giao EMS là 4%, giao hàng nhanh: 10%, giao hàng tiết kiệm: 9%, các DN chuyển phát khác là 10%. Tỷ lệ tương ứng ở TP. Hồ Chí Minh là 15%, 28%, 10%, 5%, 7% và 43%.
Mặc dù thị phần đang do khối nội chi phối nhưng trong thời gian qua, nhiều DN nước ngoài đã không ngừng tăng tốc đầu tư vào Việt Nam. Trong đó phải kể tới Lalamove (Hong Kong), sau khi có mặt ở 112 thành phố châu Á đã "đổ bộ" vào TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Đặc biệt, DN này khẳng định 100% đơn hàng đến nay được giao dưới 55 phút.
Trước sức hấp dẫn trên, sàn TMĐT Lazada cũng tách bộ phận giao nhận hàng hóa để thành lập công ty riêng là Lazada Express, sau đó tiếp tục phát triển hệ sinh thái giao nhận cho TMĐT bằng những cột mốc đầu tư mạnh dạn cho công ty Lazada E-logistics (LEL) nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của thị trường TMĐT.
Đặc biệt, nhắc đến DN ngoại không thể quên "ông lớn" trong lĩnh vực logistics của thế giới là DHL. Ra mắt thị trường Việt Nam vào giữa năm 2017, công ty DHL eCommerce Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục đầu tư để giành thị phần tại thị trường có gần 100 triệu dân.
Không bỏ qua thời cơ, Grab cũng liên kết với Happy Fresh – một công ty chuyên giao nhận hàng tạp hóa khu vực Đông Nam Á để triển khai dịch vụ GrabFresh.
Vecom đã tiến hành khảo sát sâu với 14 DN chuyển phát có mức độ gắn bó khác nhau với TMĐT. Kết quả cho thấy 10 sản phẩm được mua bán trực tuyến phổ biến nhất là: Quần áo, giày dép; điện tử, điện lạnh; mẹ và bé; sách, văn phòng phẩm; Thủ công, mỹ nghệ; linh phụ kiện; hóa mỹ phẩm; đồ nội thất; thực phẩm, đồ uống; đồ ăn nhanh.
Đáng chú ý, đồ ăn nhanh lọt vào nhóm 10 sản phẩm hàng đầu được người bán thuê ngoài dịch vụ chuyển phát. Kết quả này phù hợp với sự nổi lên của nhiều DN đã đầu tư và cung cấp dịch vụ giao đồ ăn nhanh với các thương hiệu như Now. vn, GrabFood, Go Viet, Loship, Vietnammm.
Tuy xuất hiện ở Việt Nam chưa đầy một thập kỷ nhưng cạnh tranh khốc liệt tới mức một số thương hiệu giao đồ ăn trực tuyến mới xuất hiện đã biến mất như Foodpanada, Chonmon.vn, Lala.
"Bắt tay" để lớn mạnh
Tốc độ tăng trưởng trung bình năm 2018 so với năm 2017 của các DN chuyển phát tham gia khảo sát là 70%, tốc độ tăng trưởng của DN thấp nhất vẫn đạt 30% và có 3 DN đạt tốc độ tăng trưởng trên 100%. Các chuyên gia và DN đều cho rằng thời gian tới nhiều DN ngoại sẽ tiếp tục đầu tư tài chính lớn để chiếm lĩnh thị trường giao hàng.
Hàng loạt startup cũng nhảy vào tham chiến lĩnh vực này như Ship 60, AhaMove, giaohangso1.vn, tochanh. vn, Zozoship.vn… CEO của một DN cho rằng sự xuất hiện ngày càng nhiều hơn các DN nước ngoài, với đầu tư lớn và cách làm chuyên nghiệp là dấu hiệu tích cực đối với thị trường nhưng cũng đồng nghĩa các DN Việt Nam sẽ phải cạnh tranh gay gắt hơn.
Theo ông Đỗ Xuân Quang, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội DN dịch vụ Logistics, Việt Nam là một trong những thị trường phát triển TMĐT nhanh nhất Đông Nam Á. Ước chừng trong vòng 5-10 năm nữa, giá trị thị trường vận tải hàng hóa trực tuyến tại Việt Nam sẽ vào khoảng 10 tỷ USD.
Đây là "miếng bánh béo bở" đối với các DN Việt nhưng nếu không có sự chuẩn bị rõ ràng, thị trường này sẽ lại đi theo vết xe đổ của ngành logistics, để DN ngoại bành trướng, thâu tóm, chiếm hết thị phần.
Những thách thức lớn mà DN Việt đang phải đối mặt là nguồn lực về tài chính và công nghệ. Hạ tầng cơ sở TMĐT của Việt Nam đã có sự chuẩn bị nhưng vẫn còn rất hạn chế so với các nước xung quanh. Hậu cần trong ngành này cũng còn sơ sài, quá quen với kiểu giao nhận truyền thống.
Các vấn đề quan tâm đối với thiết bị hệ thống IT còn hạn chế, nhỏ lẻ, chưa tạo ra được mạng lưới lớn đủ năng lực cạnh tranh với các DN nước ngoài.
Khảo sát của Vecom cũng cho thấy năng lực kho hiện chưa đáp ứng được nhu cầu, nên phần lớn DN chuyển phát vẫn phải thuê kho ngoài. Hơn nữa, công nghệ vận hành kho chưa tiên tiến: mới có 36% DN có hệ thống quản lý kho kết nối trực tuyến tới các khách hàng. Do công nghệ quản lý kho còn lạc hậu nên chi phí lưu kho và quản lý kho còn cao, ở nhiều DN chiếm trên 20% tổng doanh thu.
Đối với dịch vụ lõi là dịch vụ chuyển phát, những DN lớn thường chủ động triển khai, còn các DN nhỏ hơn thuê lại một phần dịch vụ từ các công ty chuyển phát khác. Tỷ lệ chi phí chuyển phát trên giá trị đơn hàng cao, cứ hai DN thì một DN có tỷ lệ này là 20% trở lên.
Một khó khăn lớn mà các DN chuyển phát gặp phải là tỷ lệ người mua hoàn trả sản phẩm đã đặt hàng trực tuyến cao. Ước tính tỷ lệ trung bình tổng giá trị của các sản phẩm hoàn trả so với tổng giá trị đơn hàng lên tới 13%, có DN lên tới 26%.
Điều này cho thấy với tiềm năng phát triển của ngành TMĐT và lĩnh vực sản xuất, thị trường giao hàng tại Việt Nam được mong đợi sẽ bước lên một nấc thang mới trong tiến trình phát triển, tương tự như tiến trình mà các thị trường khác trong khu vực đã trải qua.
Theo các chuyên gia, mỗi DN cần có chiến lược riêng, có thể chọn con đường đầu tư vào công nghệ hay sáng tạo các dịch vụ đặc thù để tồn tại. Đặc biệt, điểm hơn nhau của các dịch vụ giao nhận nằm ở tốc độ giao hàng, nên các DN phải biết hợp tác, tận dụng thế mạnh của nhau, như cách mà ba "ông lớn" là DHL eComerce, Sen Đỏ và GrabExpress "bắt tay" để triển khai gói dịch vụ "Giao hàng siêu tốc 3 giờ".