Tránh “nguy cơ tùy nghi” trong phân bổ room tín dụng
Qua rà soát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện không có quy định rõ ràng về biện pháp giới hạn tăng trưởng tín dụng…
Tại văn bản trả lời Công văn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc đề nghị góp ý Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) (gọi tắt là Dự thảo), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, VCCI đã có ý kiến về các vấn đề ban đầu trong Dự thảo.
Đáng chú ý trong các vấn đề, VCCI góp ý với giới hạn tăng trưởng tín dụng, một chính sách đang được Ngân hàng Nhà nước NHNN, SBV) áp dụng trong những năm gần đây, đặc biệt là áp dụng linh hoạt và có thời điểm cung cấp theo quý hoặc điều chỉnh giới hạn tăng trưởng tín dụng theo đợt.
Cụ thể, theo VCCI, chính sách giới hạn tăng trưởng tín dụng là một trong những chính sách có ảnh hưởng lớn đến hệ thống ngân hàng của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, qua rà soát của VCCI, cơ sở pháp lý của chính sách này rất mỏng. Điểm e khoản 2 Điều 59 của Luật NHNN Việt Nam 2010 quy định “Tuỳ theo tính chất, mức độ rủi ro, NHNN còn áp dụng các biện pháp xử lý sau đây đối với đối tượng thanh tra, giám sát ngân hàng: e) Quyết định giới hạn tăng trưởng tín dụng đối với tổ chức tín dụng trong những trường hợp cần thiết bảo đảm an toàn cho tổ chức tín dụng và hệ thống các tổ chức tín dụng”.
Văn bản trả lời VCCI cũng nêu: Quy định này không rõ ràng biện pháp giới hạn tăng trưởng tín dụng này sẽ được áp dụng rộng rãi, đại trà cho tất cả các tổ chức tín dụng hàng năm hay chỉ áp dụng cho một số tổ chức tín dụng mà qua thanh tra, giám sát phát hiện có rủi ro cao hoặc có hành vi vi phạm pháp luật. Ngoài quy định trên, qua rà soát của VCCI, hiện không có quy định cụ thể hơn về vấn đề này. Điều này dẫn đến sự không rõ ràng, thậm chí có nguy cơ tùy nghi trong việc phân bổ giới hạn tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại.
Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về chính sách giới hạn tăng trưởng tín dụng vào dự thảo luật này và trình Quốc hội quyết định.
Giới hạn tăng trưởng tín dụng (hay còn gọi là room tín dụng) là một trong những công cụ điều hành chính sách tiền tệ được tranh luận khá nhiều trong giới chuyên môn thời gian qua. Phần lớn các chuyên gia kinh tế - tài chính, qua nghiên cứu và kinh nghiệm đều cho rằng thực tế trên thị trường tài chính quốc tế, các quốc gia đã không còn sử dụng công cụ này để điều hành.
Theo chuyên gia Phạm Xuân Hoè - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược (NHNN), công cụ này đã được NHNN sử dụng để điều hành và có hiệu quả trong giai đoạn cách đây khoảng 11 năm, khi lạm phát tăng cao, còn hiện nay khi nền kinh tế không chịu sức ép tương tự như giai đoạn trước đây, sức khỏe của hệ thống cũng đã khác, thì nó bộc lộ thiếu tính ưu việt, đã trở thành “vòng kim cô” hạn chế sự phát triển của các ngân hàng.
Ông Hòe cũng cho rằng thực tế room tín dụng hiện đang gây ra một số vấn đề như vốn cho nhu cầu phục hồi sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ; hàng loạt người mua nhà bị chủ đầu tư phạt do chậm nộp tiền… Hơn nữa, NHNN đang có trong tay nhiều công cụ khác để thay thế nhằm kiểm soát mức cung tín dụng cho nền kinh tế và cũng thể hiện định hướng điều hành theo hướng thị trường hơn qua công cụ gián tiếp, thậm chí vẫn có thể dùng công cụ nửa hành chính, nửa thị trường. Do đó về mặt pháp lý, sớm hay muộn NHNN cũng sẽ phải cân nhắc bỏ room tín dụng.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng cho rằng sử dụng công cụ giới hạn tăng trưởng tín dụng cũng có thể gây ra việc phát triển thiếu cạnh tranh, minh bạch, tạo cơ chế xin - cho, dễ phát sinh tiêu cực…
Dù vậy, vẫn có chuyên gia "thông cảm" với NHNN trong áp lực điều hành chính sách tiền tệ với bối cảnh của Việt Nam, khi áp lực lạm phát hiện hữu tuy không cao nhưng với độ mở lớn của nền kinh tế, luôn có thể bị ảnh hưởng bởi biến động vĩ mô quốc tế; cùng với đó, nền kinh tế vẫn phụ thuộc quá lớn vào vốn tín dụng trong khi thị trường vốn chưa hoàn toàn phát triển và vẫn còn tình trạng các NHTM có sở hữu chéo, cho vay sân sau... dẫn đến nếu lỏng tay với tín dụng, sẽ có thể gây ra hệ quả nợ xấu bùng phát, bất ổn hệ thống, tác động lạm phát.
Năm 2022, trong một báo cáo, NHNN cũng nhắc lại câu chuyện và bối cảnh của giai đoạn 2011. Theo NHNN, trước năm 2011, tín dụng là kênh cung ứng vốn chủ lực cho nền kinh tế, tăng rất nhanh, tỷ lệ tín dụng/GDP cũng tăng nhanh; gây bất ổn vĩ mô, lạm phát tăng cao ở mức hai con số, an toàn hệ thống tài chính bị đe dọa nghiêm trọng (bong bóng giá bất động sản, chứng khoán), nhiều tổ chức tín dụng yếu kém, rủi ro thanh khoản gia tăng, các tổ chức tín dụng rơi vào "vòng xoáy" đua lãi suất huy động nguồn vốn để cho vay, nợ xấu tăng cao... đặt hệ thống ngân hàng trước nguy cơ tiềm ẩn đổ vỡ.
Các tổ chức quốc tế theo đó đã cảnh báo việc nới lỏng tín dụng, nợ xấu gia tăng, căng thẳng thanh khoản giai đoạn này đã đe dọa nghiêm trọng sự ổn định vĩ mô, an toàn hệ thống. Với những hệ lụy phải xử lý của giai đoạn tăng trưởng tín dụng nóng, từ năm 2012, NHNN đã thực hiện giải pháp điều hành tăng trưởng tín dụng định hướng toàn ngành và giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm cho từng tổ chức tín dụng nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Cơ quan điều hành cũng cho biết mặc dù vẫn đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng theo năm, nhưng có điều chỉnh linh hoạt dựa trên cơ sở diễn biến lạm phát, tình hình kinh tế trong, ngoài nước.
Theo đó, năm 2022, NHNN công bố phân bổ chỉ tiêu tín dụng theo 2 tiêu chí: Thứ nhất, theo kết quả xếp hạng từng tổ chức tín dụng dựa trên các tiêu chí và chấm điểm quy định tại Thông tư số 52/2018/TT-NHNN.
Thứ hai, xem xét một số yếu tố cụ thể hóa chủ trương, định hướng điều hành của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước như: tiêu chí giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, tiêu chí tín dụng tập trung vào lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, tiêu chí tổ chức tín dụng tham gia hỗ trợ xử lý các ngân hàng yếu kém… để làm cơ sở điều chỉnh tăng/giảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng trong quá trình phân bổ/điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng
Năm 2023, cơ quan quản lý định hướng điều hành chính sách tín dụng linh hoạt bám sát các nhiệm vụ được giao, với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng như kịch bản ban đầu của 2022 là 14%. Một số NHTM tại thời điểm này cho biết đã được giao room tín dụng từ đầu năm.
Tuy nhiên, việc giao room tín dụng cho các NHTM không công bố công khai, mặt khác, lại có thể điều chỉnh theo từng giai đoạn, quý, đợt… vẫn khiến chính các NHTM và doanh nghiệp, người dân gặp nhiều khó khăn.
Ngay như giai đoạn hiện nay, việc được giao room tín dụng sớm giúp các TCTD thuận lợi hơn trong lên kế hoạch kinh doanh bám sát chỉ tiêu, nhưng thực tế các nhà băng không thể giải ngân được ngay do “bộ lọc” chuẩn tín dụng với bối cảnh nhiều doanh nghiệp khó khăn khiến hoạt động giải ngân phải hết sức thận trọng.
Còn năm 2022, có những giai đoạn nhu cầu vốn của các thành phần vốn trong nền kinh tế lên cao, thì các TCTD lại cạn room tín dụng nên không thể cho vay ra. Đến cuối năm 2022, trong đợt nới room cuối cùng tăng thêm 1,5-2% cho toàn hệ thống khi chỉ còn chưa đầy 1 tháng, các TCTD tín dụng cũng không thể thúc đẩy tăng tốc giải ngân dù 10 ngày cuối năm đã có một lượng lớn cung tiền đưa ra, vẫn tồn tại tình trạng phía có nhu cầu vay cũng không thể tiếp cận, hấp thụ hết nguồn vốn được mở rộng, dẫn đến chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sau điều chỉnh chỉ dừng ở 14,5%.